Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

“Kéo” khách bằng du lịch văn hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Kéo” khách bằng du lịch văn hóa

Hồ Hùng

Kiến trúc Thái Lan luôn thu hút sự chiêm ngưỡng của du khách nước ngoài.

(TBKTSG) - Theo ông Suriya Soucksakit, Thứ trưởng Văn hóa Thái Lan, một đất nước giàu có về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, sẽ thu hút được nhiều khách du lịch. Đó chính là nguồn lực để phát triển, nâng cao tính cạnh tranh. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu và khai thác được điều này!

Từ chuyện láng giềng

Du khách đến Bangkok (Thái Lan) thường ít ai bỏ lỡ cơ hội xem chương trình văn hóa - nghệ thuật Siam Niramit, dù giá vé có lúc tương đương 1 triệu đồng Việt Nam. Chương trình này tái hiện lịch sử dân tộc và các truyền thuyết của người Thái Lan, được biểu diễn trên một trong những sân khấu lớn bậc nhất thế giới với tổng vốn đầu tư 40 triệu đô la Mỹ.

Khán giả xem xong, như vẫn còn ngây ngất với những cảnh mưa rơi, sấm chớp liên hồi, những cảnh chèo thuyền, tắm sông… ngay trên sân khấu. Mỗi khi phông màn sân khấu khép lại, tiếng vỗ tay tán thưởng vẫn còn vang khắp trên khán phòng.

“Du lịch văn hóa không còn là điều mới mẻ ở khu vực Mêkông. Trong nhiều thập kỷ qua, du khách từ khắp nơi trên thế giới đã tới Thái Lan, thưởng thức các loại hình nghệ thuật, di sản văn hóa… Đây là cách thức thu hút và kết nối khách du lịch, những người yêu thích du ngoạn văn hóa”, ông Suriya Soucksakit phát biểu như vậy về tầm quan trọng của văn hóa đối với ngành du lịch.

Có lẽ những nhận định của ông Suriya Soucksakit không bất ngờ với những ai đã từng đến Thái Lan. Ngoài chương trình Siam Niramit, ở Hoàng cung và chùa Phật Ngọc Lục Bảo ở Bangkok, hay chương trình ca múa nhạc do người chuyển giới tính biểu diễn tại Pattaya, lúc nào cũng đón đầy ắp du khách đến xem. Đó cũng là lý do mà trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế, hàng năm có khoảng 14 triệu du khách đến với đất nước này, mang lại nguồn thu khổng lồ cho ngành du lịch.

“Những địa danh lịch sử và tôn giáo, cũng như các công trình kiến trúc truyền thống hàng ngàn năm lịch sử ở Thái Lan đã đem đến cho chúng tôi sự nổi danh trên toàn thế giới trong lĩnh vực du lịch”, ông Soucksakit nói thêm.

Trong khi đó, theo Bộ Du lịch Campuchia, 80% khách du lịch đến nước này là để thăm các di tích văn hóa như Angkor Wat... Năm 2008, Campuchia đã đón 2,1 triệu khách du lịch và mười tháng đầu năm nay đã đạt con số 1,7 triệu lượt người, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại Lào, nhờ những kiến trúc, chùa cổ, các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, năm 2008 nước này cũng đã đón 1,25 triệu du khách chỉ tính riêng từ các nước trong vùng Mêkông.

Mới đây, theo “Tuyên bố Tokyo”, một trong hai tài liệu quan trọng đã được phát hành tại Hội nghị Thượng đỉnh Mêkông - Nhật Bản tổ chức hồi đầu tháng 11, Nhật đã khẳng định sẽ phối hợp cùng các nước khu vực sông Mêkông bảo vệ các di sản văn hóa. Trên thực tế, Nhật đã triển khai các chương trình giúp phục hồi và nâng cao năng lực hoạt động trong đền Angkor Wat tại Campuchia, khu di tích hoàng thành Thăng Long tại Việt Nam và Wat Phou tại Lào…

Theo ông Yoshiaki Hompo, Trưởng cơ quan Du lịch quốc gia Nhật, do khủng hoảng kinh tế… nên ngành du lịch Nhật đang đứng trước thử thách lớn, và việc tăng cường hợp tác là hết sức cần thiết. Với mục tiêu thu hút 30 triệu lượt khách trong tương lai, Nhật đang nghiên cứu, rà soát những chương trình du lịch đến các nước khu vực Mêkông và có kế hoạch “trao đổi” khách Nhật đến các nước này và ngược lại. Và do đặc thù văn hóa đa dạng, ít trùng lắp giữa các nước khu vực Mêkông nên Nhật đã tính đến chuyện bảo tồn văn hóa cho cả vùng để thu hút khách.

Nhìn lại ĐBSCL?

Lịch sử hình thành và phát triển đã tạo cho vùng ĐBSCL nền văn hóa đa dạng với nhiều nét đặc sắc. Đây cũng là vùng đất có nhiều truyền thuyết mang tính huyền bí tâm linh và mỗi tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo… đều có những di tích kiến trúc đình, chùa,… đặc thù cũng như hệ thống nghi lễ tôn giáo rất riêng biệt.

Có thể kể đến như miếu Bà Chúa Xứ, đình Châu Phú - lăng Thoại Ngọc Hầu (An Giang), đình Bình Thủy (Cần Thơ), ao Bà Om (Trà Vinh), nhà thờ và mộ linh mục Trương Bửu Diệp (Bạc Liêu)… Rồi những lễ hội truyền thống của các dân tộc như lễ Dolta, lễ hội Ha Xan, Tết Chol Chnam Thmay...

Bên cạnh đó, ĐBSCL còn có di chỉ khảo cổ Phù Nam thuộc nền văn hóa Óc Eo có từ thế kỷ thứ 6, các địa danh như di tích Bình Đá (Long An), Lung Đá Nổi (Cần Thơ), Tháp Mười (Đồng Tháp)… Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch năm 2008, tại ĐBSCL có gần 500 di tích lịch sử - văn hóa được công nhận, trong đó có gần 150 di tích cấp quốc gia.

Tuy nhiên, theo Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), ĐBSCL chưa đầu tư đúng mức cho sản phẩm du lịch văn hóa và cũng chưa kết hợp được các loại hình du lịch để tạo ra sự đa dạng. “Như vậy thì khó tránh khỏi sự trùng lắp, nhàm chán ở các điểm du lịch trong vùng. Điều này không những làm hạn chế tiềm năng du lịch mà còn có thể làm hạn chế những giá trị vốn có của nó”, Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, Trưởng ban Đào tạo thuộc Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đề xuất có thể xây dựng những tour mà chỉ ở vùng ĐBSCL mới có như “một ngày đi chăn vịt chạy đồng”; “nghe chuyện Ba Phi, nghe đờn ca tài tử”; “giăng câu ở Đồng Tháp Mười”; “một ngày làm công tử Bạc Liêu”… “Ý tưởng về du lịch trải nghiệm phải dựa trên những nét văn hóa, nhân văn độc đáo của vùng ĐBSCL”, ông khẳng định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới