Kết cục nào được xem là thắng lợi cho ông Kim Jong-un?
Lê Linh
(TBKTSG Online) - Đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai được xem là thành công lớn nếu dẫn đến kết cục: cả hai nước đạt được một tuyên bố chính trị để chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên hoặc Triều Tiên chỉ chấp nhận đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt, theo hãng tin CNN.
DN Hàn Quốc kỳ vọng vào kết quả thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội
![]() |
Hôm nay 27-2 Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội. Ảnh: CNN |
Tuyên chính trị chấm dứt chiến tranh Triều Tiên
Jean H. Lee, Giám đốc Trung tâm Chính sách công và lịch sử Triều Tiên thuộc Trung tâm Wilson (Mỹ) nhận định phần thưởng lớn nhất cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ là giành được thắng lợi ngoại giao lẫn kinh tế tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra ở Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-2.
Cũng giống như Tổng thống Donald Trump, ông Kim khao khát một khoảnh khắc lịch sử khi mà hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia là kẻ thù của nhau trong bảy thập kỷ đứng bên nhau để ra một tuyên bố chính trị kết thúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ rằng một tuyên bố như vậy không có tác dụng như một hiệp định hòa bình chính thức kết thúc cuộc chiến tranh này. Không giống như hiệp định hòa bình, tuyên bố hòa bình không có sức nặng ràng buộc pháp lý nhưng nó sẽ giúp giảm các căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Song chừng đó là đủ cho mang về cho ông Kim một chiến thắng ngoại giao và tuyên truyền ở quê nhà.
Một tuyên bố chính trị Mỹ - Triều để chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên, một mục tiêu mà cả ông nội lẫn cha của ông Kim Jong-un không đạt được trước khi qua đời, chắc chắn giúp uy tín của ông Kim tại Triều Tiên như là một chính khách và nhà chiến lược quân sự lão luyện.
Một tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên cho phép ông Kim chuyển các ưu tiên của đất nước từ quốc phòng sang kinh tế. Nó cũng sẽ mở ra tiến trình đàm phán kéo dài về một hiệp định hòa bình chính thức với Mỹ và những bên liên quan bao gồm Mỹ và Liên hợp quốc. Quan trọng hơn, ông Kim sẽ tìm kiếm các nhượng bộ về kinh tế bằng cách cam kết từ bỏ một số thành tố trong chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên.
Tìm cách nới lỏng hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khắc nghiệt mà Liên hợp quốc và Mỹ đang áp đặt lên Triều Tiên là một ưu tiên đối với ông Kim. Một khi các lệnh trừng phạt này được nới lỏng, Hàn Quốc sẽ nhanh chóng khởi động các dự án kinh tế liên Triều, vốn đóng vai trò như chiếc phao cứu sinh kinh tế đối với Bình Nhưỡng cũng như nỗ lực tái thiết các cơ sở hạ hầng đang xuống cấp của Triều Tiên.
Đối với ông Kim, đạt được một lộ trình hướng đến giải giáp hạt nhân ở Hà Nội sẽ mở đường để Triều Tiên quay trở lại với cộng đồng quốc tế về mặt chính trị lẫn kinh tế, trong khi đó Bình Nhưỡng vẫn có thể trì hoãn thời gian hoàn tất công việc hủy bỏ các tài sản hạt nhân quý giá trong nhiều năm.
“Đóng băng” hạt nhân để được nới lỏng trừng phạt
![]() |
Tổng thống Donald Trump viết trên mạng Twitter. |
Giới phân tích đang giải mã các mục tiêu chiến lược của ông Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội và sau đó.
Tong Zhao, học giả ở Chương trình Chính sách hạt nhân của Quỹ Carnegie ở Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie - Thanh Hoa thuộc Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho rằng ông Kim dường như có hai mục tiêu chiến lược song song: duy trì sức mạnh răn đe chiến lược hạt nhân để bảo vệ an ninh quốc gia càng lâu càng tốt đồng thời tìm cách thuyết phục Mỹ và Liên hợp quốc nới lỏng các lệnh trừng phạt để thúc đẩy nền kinh tế trong nước.
Trừ khi niềm tin thực sự được xây dựng giữa Mỹ và Triều Tiên, điều có thể mất nhiều thập kỷ nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, Washington sẽ không làm nhiều điều để bảo đảm an ninh đáng tin cậy và không thể đảo ngược cho Bình Nhưỡng.
Vì lý do này, giới phân tích không kỳ vọng bất kỳ nhượng bộ nào từ Triều Tiên có thể làm suy yếu năng lực duy trì sức mạnh răn đe hạt nhân hiện tại của nước này trong tương lai gần.
Nếu Tổng thống Trump sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận với nội dung nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên để đổi lấy quyết định đóng băng các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hơn là xóa bỏ một số thành tố cốt lõi trong các năng lực hạt nhân hiện tại của Bình Nhưỡng thì đó cũng sẽ là một thắng lợi lớn cho ông Kim vì Triều Tiên vẫn tạm thời duy trì nguyên trạng năng lực hạt nhân. Kết quả đó cũng không tệ đối với Mỹ vì nó sẽ giúp giảm các rủi ro chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên.
Nếu hai kết quả trên không xuất hiện thì chỉ riêng việc xuất hiện tại Hà Nội để tái ngộ ông Trump, người đứng đầu một siêu cường quốc và tái lặp lại “màn trình diễn” ở Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất ở Singapore cũng đã là một thắng lợi nhỏ cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Adam Mount, Giám đốc Dự án Tình thế quốc phòng ở Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ (FAS), nhận định việc ông Kim gặp lại ông chủ Nhà Trắng hai lần trong chưa đầy một năm cho thấy Triều Tiên có khả năng đối thoại “ngang cơ” với Mỹ với tư cách là quốc gia hạt nhân đã tạo ra những cơ hội mới cho ngoại giao và thương mại cũng như nâng cao cơ hội được Bắc Kinh và Seoul dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Mặt khác, ông Kim vẫn có cơ hội “thắng lớn” nếu Tổng thống Trump bất ngờ đưa ra một nhượng bộ lớn mà không đòi hỏi hành động đáp trả tương xứng từ phía Triều Tiên, chẳng hạn như ông đã quyết định dừng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore. |