Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp toàn cầu gây thất vọng

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn cầu báo cáo kết quả kinh doanh quí 2 gây thất vọng cho nhà đầu tư. Áp lực lãi suất cao đối với người tiêu dùng và nhu cầu ảm đạm ở thị trường Trung Quốc khiến hoạt động kinh doanh của họ không khả quan như dự báo.

Báo cáo hôm 29-7 của McDonald’s (Mỹ) cho biết, doanh thu trên toàn cầu lần đầu tiên giảm kể từ năm 2020. Ảnh: Fatafat News

Một loạt tên tuổi lớn không đạt kế hoạch

Trong những tuần gần đây, báo cáo kết quả kinh doanh suy yếu trong quí 2 của một số tên tuổi doanh nghiệp lớn như chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald’s, hai nhà sản xuất ô tô Nissan và Tesla, cũng như hãng thực phẩm và đồ uống Nestle khiến nhà đầu tư lo lắng.

Các công ty toàn cầu này đối mặt hai vấn đề mấu chốt. Đầu tiên, lãi suất cao đang ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng. Tiếp đó là sự kém hiệu quả của nền kinh tế Trung Quốc.

Báo cáo hôm 29-7 của McDonald’s (Mỹ) cho biết, doanh thu trên toàn cầu lần đầu tiên giảm trong hơn 3 năm do người tiêu dùng tránh xa các món đắt đỏ trên thực đơn và thị trường Trung Quốc suy yếu.

“Tâm lý của người tiêu dùng ở hầu hết các thị trường lớn của chúng tôi vẫn ở mức thấp”, CEO Chris Kempczinski của McDonald’s nói. Đó là lý do thúc đẩy chuỗi bán thức ăn nhanh nhanh triển khai combo giá rẻ chỉ 5 đô la ở thị trường Mỹ hồi tháng 6.

Tuần trước, Tesla báo cáo biên lợi nhuận trong quí 2 rơi xuống mức thấp nhất trong 5 năm. Hãng xe điện của Mỹ ghi nhận mức lợi nhuận ròng 1,48 tỉ đô la Mỹ, không đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra cho quí 2. Con số lợi nhuận đó cũng giảm đến 45% với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chủ yếu là do Tesla cắt giảm mạnh giá bán xe để kích cầu, trong khi tăng chi tiêu đáng kể cho các dự án trí tuệ nhân tạo (AI). Cổ phiếu Tesla giảm giá sâu đến 12% trong ngày công bố kết quả kinh doanh.

Trong khi đó, hãng xe Nissan của Nhật Bản cắt giảm triển vọng lợi nhuận cả năm sau khi đợt bán hàng giảm giá sâu ở Mỹ gần như xóa sạch hoàn toàn lợi nhuận trong quí vừa qua. Nissan cũng đang chật vật duy trì thị phần trong bối cảnh cạnh tranh giảm giá gay gắt ở Trung Quốc.

Lợi nhuận hoạt động của Nissan trong quí từ tháng 4 đến tháng 6 đạt tổng cộng 995 triệu yen (6,5 triệu đô la Mỹ), giảm sâu so với 128,6 ngàn tỉ yen cùng kỳ năm trước. Mức lợi nhuận này chỉ là một phần nhỏ so với mức dự báo lợi nhuận trung bình 164,4 ngàn tỉ yen của các nhà phân tích.

Trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, Nestle (Thụy Sĩ) báo cáo mức tăng trưởng doanh số bán hàng nửa năm thấp hơn dự báo của các nhà phân tích. Công ty thực phẩm đóng gói lớn nhất thế giới cũng hạ triển vọng tăng trưởng doanh số cả năm xuống ít nhất 3% từ mức khoảng 4% đặt ra trước đó. Nestle giải thích, giá bán giảm nhanh hơn dự kiến buộc công ty phải điều chỉnh dự báo lợi nhuận.

Các công ty lớn khác gồm hãng hàng tiêu dùng nhanh Unilever, hãng thẻ Visa và hãng siêu xe Aston Martin cũng lưu ý, nhu cầu đang suy yếu ở Trung Quốc. Trong quí 2, tăng trưởng doanh thu của Unilever không đạt dự báo dù biên lợi nhuận cải thiện. Giới phân tích cảnh báo, nhu cầu của nền kinh tế lớn thứ hai khó có thể đảo ngược do suy thoái bất đông sản kéo dài và triển vọng việc làm bất ổn làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng.

Theo Stefan-Guenter Bauknecht, nhà quản lý danh mục đầu của Công ty quản lý tài sản DWS Group, người dân Trung Quốc không sẵn sàng chi tiêu vì họ lo sợ triển vọng việc làm bất ổn.

“Cho đến khi tăng trưởng cải thiện, Trung Quốc sẽ là thị trường yếu nhất trong các khu vực lớn”, Bauknecht nói.

Hãng xe điện Tesla của tỉ phú Elon Musk đạt lợi nhuận ròng1,48 tỉ đô la Mỹ trong quí 2, giảm đến 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: WSJ

Giảm dự báo triển vọng kinh doanh vì nhu cầu suy yếu

Cho đến nay, khoảng 40% công ty đại chúng ở Mỹ và châu Âu đã báo cáo kết quả kinh doanh quí 2, với đa số đạt được mức thu nhập dự kiến.

Nhưng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán thế giới trong năm nay, việc các công ty đạt thu nhập như mong đợi nhìn chung gây thất vọng. Nhà đầu tư muốn nhìn thấy lợi nhuận của họ vượt kỳ vọng.

Brian Mulberry, giám đốc quản lý danh mục đầu tư khách hàng của Zacks Investment Management nhận xét, mùa báo cáo thu nhập hiện tại có những kết quả tốt xấu đan xen.

“Chúng tôi bắt đầu thấy môi trường lãi suất cao trong thời gian dài đang gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng thu nhập và doanh thu của doanh nghiệp”, Mulberry nói.

Theo dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán London (LSEG) thu nhập trên mỗi cổ phiếu trong quí 2 ở thị trường chứng khoán Mỹ tăng 12% so với một năm trước. Công ty chứng khoán Bank of America Securities (BofA Securities) ghi nhận, thu nhập của doanh nghiệp ở châu Âu tăng 4% trong cùng kỳ, đánh dấu quí có tốc độ tăng trưởng dương đầu tiên kể từ năm 2022.

Nhưng BofA Securities lưu ý, trong báo cáo thu nhập quí 2, nhiều doanh nghiệp nhận thấy, nhu cầu của người tiêu dùng đang yếu đi. Số doanh nghiệp giảm dự báo thu nhập và doanh thu cho cả năm 2024 cũng tăng lên. Tesla và Hyundai dự báo doanh thu sẽ giảm hơn 20% trong năm nay do nhu cầu xe điện toàn cầu giảm mạnh hơn dự kiến. CATL (Trung Quốc), nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới báo cáo doanh thu quí hai giảm 13%

Các nhà phân tích của BofA Securities nhận xét, dù dù kết quả kinh doanh quí 2 nhìn chung khá tốt nhưng nhà đầu tư vẫn bất an trước các dấu hiệu căng thẳng của người tiêu dùng.

“Người tiêu dùng, đặc biệt là ở tầng lớp thu nhập thấp, đang chịu áp lực”, Mark Schneider, CEO của Nestle nói trong cuộc họp báo gần đây.

Dù vậy, vẫn có những điểm sáng trong mùa báo cáo thu nhập. Tại Mỹ, Alphabet, công ty mẹ của Google ghi nhận sự tăng trưởng mới về doanh thu ở mảng điện toán đám mây.

Hãng xe General Motors và tập đoàn dược phẩm dược phẩm và thiết bị y tế Johnson & Johnson công bố lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ. JP Morgan, ngân hàng lớn nhất Mỹ chứng kiến lợi nhuận cán mức cao kỷ lục.

Tại châu Á, các nhà sản xuất chip châu Á ngày càng lạc quan hơn về triển vọng nhu cầu khi họ hưởng lợi từ làn sóng đầu tư AI toàn cầu.

“Nhu cầu AI đang rất nóng.  Tất cả khách hàng của chúng tôi đều muốn đưa chức năng AI vào thiết bị của họ”, C.C. Wei, Chủ tịch kiêm CEO của TSMC (Đài Loan), nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới nói. Cổ phiếu của TSMC đã tăng giá 56% tính đến thời điểm hiện tại trong năm 2024.

Bất chấp những dự báo lạc quan, cổ phiếu của các nhà sản xuất chip lớn ở châu Á đang chịu áp lực phải theo kịp kỳ vọng ngày càng tăng. “Tăng trưởng lợi nhuận của các hãng chip khó đáp ứng kỳ vọng quá cao của nhà đầu tư. Vì vậy, trong ngắn hạn, cổ phiếu chip có thể không tăng nhiều”, nhà phân tích Lee Min-hee của BNK Investment & Securities bình luận.

 Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới