Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khả năng nói “không”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khả năng nói “không”

Nguyễn Nguyên Thảo

Khả năng nói “không”
minh họa: Khều.

(TBKTSG) – So với các năm, mùa xét trao giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay có nhiều “xì căng đan” hơn cả. Sau khi ban tổ chức công bố con số hồ sơ đề cử (và tự đề cử) khổng lồ, giới truyền thông đã đặt ngược lại câu hỏi: giá trị giải thưởng này thế nào, quy chế xét giải, sức thuyết phục chuyên môn ra sao mà có thể trở thành một cuộc đua hứng thú với các văn nghệ sĩ đến như vậy?

Vài tuần trước khi công bố giải, giới truyền thông lại được một phen rộn ràng vì có một số nhà văn đã tự rút tên khỏi giải.

Dư luận đặt câu hỏi: các nhà văn rút tên khỏi các giải thưởng lớn phải chăng vì họ đã nhìn thấy những bất thường từ các giải thưởng này và phải chăng họ đã “tránh giải” với thái độ khá quyết liệt?

Việc các nhà văn lớn trên thế giới tự rút tên mình khỏi bảng đề cử các giải thưởng uy tín là chuyện bình thường, không mới. Và không chỉ là các giải thưởng dành cho nhà văn, ở lĩnh vực báo chí cũng như một số loại hình nghệ thuật khác, những cuộc khước từ như vậy cũng không ít. Một trong những hiệu ứng dư luận từ các vụ khước từ đó là người ta sẽ phải nhìn lại giá trị thực sự của các giải thưởng, và phổ quát hơn là câu hỏi: giải thưởng liệu có đủ sức bảo chứng cho một sự nghiệp sáng tạo?

Trở lại nền văn nghệ còn đậm các yếu tố “quốc doanh bao cấp” ở Việt Nam, có vẻ như việc từ chối các giải thưởng văn nghệ chính thống chỉ mới xảy ra trong vài năm gần đây. Thi thoảng người ta thấy ở các giải thưởng của Hội Nhà văn, có vài cây bút từ chối giải thưởng để tỏ bày sự không hài lòng ở một điểm nào đó trong cơ chế xét tặng, bình chọn. Song, những phản ứng đó mang tính lẻ tẻ và thường ít nhận được sự đồng cảm. Không ít người khi từ chối giải thưởng còn bị cho là gàn dở, trái khoáy, thích gây sốc, tự đánh bóng… Để rồi sau đó, “vắng mợ thì chợ vẫn đông”.

Nhưng, việc nói không với giải thưởng lớn năm nay của một số tên tuổi cho thấy thái độ, sự thức tỉnh của những người trong cuộc trước các dạng thức phong tặng danh hiệu nặng tính xin-cho, ban phát. Việc đánh đồng giá trị giải thưởng với quá trình cống hiến là một trong những nhận thức sai lầm và ấu trĩ cần phá bỏ.

Như đã nói, điều đáng mừng là trong đời sống văn nghệ đã bắt đầu có những cá nhân tạo ra tiền lệ khước từ. Bởi vì, người sáng tạo không chỉ sống bằng tác phẩm của mình, mà còn bảo vệ những giá trị mình làm ra với một thái độ quyết liệt, không khoan nhượng hay thỏa hiệp. Tẩy chay sự giả hình là một việc làm cần thiết, thể hiện phẩm giá của người trí thức. Khả năng nói không chứng tỏ người nghệ sĩ có sức mạnh để vượt qua sức hấp dẫn của cái giả, cái hão huyền và phù phiếm đang vây bủa. Nhìn vào thái độ dám khước từ của họ, chúng ta có thể lạc quan vì phẩm chất độc lập, sự tự trọng vẫn còn đó, sống động trong không gian sáng tạo nghệ thuật.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới