Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khác biệt nhân cách và giáo dục cá biệt

Nguyễn Minh Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trường học đang thực sự có vấn đề về chức năng xã hội hóa (hay xã hội học giáo dục). Có lẽ cái mà giáo dục cần làm là dạy trẻ cách suy nghĩ chứ không phải suy nghĩ cái gì, cung cấp cho trẻ các lựa chọn và tôn trọng sự lựa chọn của chúng. Trong quá trình tham gia vào môi trường đã chọn, trẻ sẽ điều chỉnh bản thân để thích ứng với xã hội ấy.

Nửa đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 lùi dần và cuộc sống đang quay trở lại bình thường thì xã hội Việt Nam cũng một lần nữa quay lại với nỗi âu lo về nguy cơ dẫn đến nạn tự tử trong thanh thiếu niên. Đây là một trong những dòng thông tin “nóng” trên bề mặt báo chí và truyền thông xã hội rất được quan tâm, bên cạnh thông tin về những di chứng thời hậu dịch và về những trường hợp bắt giam, khởi tố ở các lĩnh vực chính trị xã hội khác.

Những trường hợp tự tử trong độ tuổi học sinh sinh viên để lại trong lòng dư luận các ý kiến trái chiều, và có thể là cả những chấn thương tâm thần nơi người thân của các bạn đó. Các vụ việc có vẻ riêng lẻ nhưng cho thấy trường học đang thực sự có vấn đề về chức năng xã hội hóa (hay “xã hội học giáo dục, là quá trình theo đó, con người học cách thích ứng với xã hội, tiếp thu các giá trị của xã hội, và tuân thủ các quy tắc xã hội”(1)). Và theo John J. Macionis, “quá trình này, con người tương tác xã hội kéo dài suốt đời, qua đó cá nhân phát triển khả năng và học hỏi các mẫu văn hóa của mình”(2).

Khi thông tin về những trường hợp tự tử được loan ra, các chuyên gia tâm lý ngay lập tức phân tích, mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến hành động tự tử; những người làm giáo dục cũng gián tiếp nhìn thấy trách nhiệm của mình trong đó. Nhưng có lẽ, dù nguyên nhân là vì áp lực học đường, áp lực từ cha mẹ, từ những xung đột tuổi trẻ…, hay là sự tích hợp nhiều yếu tố, thì cũng cần rất nhiều thời gian để giải mã từng trường hợp cụ thể.

Triết gia người Anh - John Locke có khái quát trong tác phẩm “Vài suy nghĩ về giáo dục” của mình: “Sự khác biệt trong tư cách và khả năng của con người là do giáo dục tạo nên. Nếu sau này, chúng tốt hay xấu, người ta sẽ căn cứ trên giáo dục mà khen hay chê chúng”(3). Do vậy, phải chăng mức độ lưu tâm của những người làm giáo dục về sự khác biệt nhân cách và giáo dục cá biệt cũng sẽ được biểu hiện qua các hiện tượng xã hội, bao gồm các hoạt động và sự vụ diễn ra nơi trường học? Còn theo nhà xã hội học người Pháp - Emile Durkheim, “tự tử là hiện tượng cá nhân, nhưng tỷ lệ tự tử, nạn tự tử là hiện tượng xã hội và có mối liên hệ tỷ lệ nghịch với mức độ đoàn kết, gắn kết, hội nhập xã hội”(4). Ông cũng nhấn mạnh là các lực lượng xã hội phải chịu trách nhiệm về mức độ và hình thức tự tử ở nhiều xã hội khác nhau.

Tuổi mới lớn, tuổi dậy thì, hay tuổi thành niên luôn là những độ tuổi làm đau đầu không chỉ các bậc phụ huynh mà cả xã hội. Vậy nếu cần làm khác đi, giáo dục có thể làm gì để những bạn trẻ không (hoặc ít) lựa chọn cái chết? Trong khả năng tìm hiểu hạn chế của người viết bài này, xin được giới thiệu một góc nhìn về quá trình giáo dục trưởng thành qua tác phẩm của nhà nhân học Margaret Mead. Đó là tác phẩm Tuổi trưởng thành ở Samoa(5), được xuất bản dựa trên luận án tiến sĩ của chính tác giả. Đây là công trình nghiên cứu thực địa tại nơi mà văn hóa và giáo dục của người Samoa làm cho con người trong các xã hội tiện nghi vật chất và được xem là “tiến bộ” phải soi chiếu lại.

Tại Samoa, những đứa trẻ sáng dạ, phát triển sớm được công khai biểu thị sự phát triển sớm cá tính của mình thông qua các hoạt động, đặc biệt là nhảy múa, từ đó hạn chế triệu chứng chán nản. Còn với những đứa trẻ chậm hiểu, chúng không bị thúc giục và kéo đi quá khả năng khiến chúng phải mệt mỏi với việc kham một nỗ lực bất khả và dẫn đến bỏ cuộc hoàn toàn. Chính sách giáo dục này của người Samoa hướng tới xóa nhòa những khác biệt cá nhân, nhờ vậy, giảm thiểu sự ganh ghét, đua tranh, và giúp những “đứa trẻ chậm hiểu tiếp thu đầy đủ để tạo ra một nền tảng đủ vững chắc đảm bảo gánh vác sức nặng văn minh trên vai”.

Theo ông tổ ngành nhân học Mỹ - Franz Boas, chúng ta đã quá quen việc đồng nhất mọi hành động của văn hóa (người lớn), mọi tiêu chuẩn phổ biến mà chúng ta tự giác tuân theo để áp đặt lên các đối tượng khác, lên (nền) văn hóa khác. Từ đó, các thành viên trong chuỗi giáo dục nhà trường hoạt động theo một lối suy nghĩ đồng nhất, bỏ qua cá biệt, và nhất là họ không có đủ không gian để nhìn nhiều góc/hướng cũng như không có đủ thời gian để phản tỉnh.

Đó là thứ mà nhà nhân chủng học Claude Lévi Strauss gọi là “cái nhìn từ xa”, tức phải đứng đủ xa để nhìn về phía (nền) văn hóa thanh thiếu niên rất khác biệt so với thế giới người lớn; mặt khác người lớn cũng cần xem xét thế giới của mình từ bên ngoài bản thân mình, như thể nó thuộc về thế giới khác.

Quay lại phạm vi nghiên cứu của Margaret Mead, bà có đưa ra nhìn nhận về việc cần tập trung tất cả nỗ lực giáo dục vào việc dạy cho trẻ về những lựa chọn mà chúng sẽ phải đối mặt. “Trẻ phải được dạy cho biết là có rất nhiều con đường mở ra cho chúng, không ai trừng phạt sự thay đổi, và gánh nặng đưa ra sự lựa chọn hoàn toàn là của chúng. Không bị ngăn trở bởi định kiến, không giận dữ bởi việc quy định theo một tiêu chuẩn quá sớm, chúng phải nhìn thấu rõ những lựa chọn trước mắt mình”.

Như vậy, quá trình xã hội hóa có giúp con người thích ứng với xã hội, tiếp thu các giá trị của xã hội và tuân thủ các quy tắc của xã hội hay không còn phụ thuộc vào thiết chế giáo dục, vào những thành viên đảm nhiệm vai trò giáo dục, để giúp người học “nội tâm hóa” các giá trị đạo lý, quy tắc chuẩn mực xã hội và giảm đi những lựa chọn đau thương.

Về phần mình, thế giới người lớn cũng cần soi chiếu một cách kỹ lưỡng hơn rằng “liệu chúng ta, những người có hiểu biết về rất nhiều cách sống, sẽ để cho con em mình tự do lựa chọn một trong số (cách sống) chúng biết?” như Margaret Mead xác quyết về sự khoan dung phổ quát. Có lẽ cái mà giáo dục cần làm là dạy trẻ cách suy nghĩ (chứ không phải suy nghĩ cái gì), cung cấp cho trẻ các lựa chọn và tôn trọng sự lựa chọn của chúng. Trong quá trình tham gia vào môi trường đã chọn, trẻ sẽ điều chỉnh bản thân để thích ứng với xã hội ấy.

-----------

(1) Trần Hữu Quang, Xã hội học nhập môn, NXB Khoa học xã hội 2019

(2) John J. Macionis, Xã hội học, Trần Nhựt Tân dịch, NXB Thống kê 2004

(3) John Locke, Vài suy nghĩ về giáo dục, Dương Văn Hóa dịch, NXB Tri thức 2017

(4) Trương Văn Vỹ, Tự tử như là một hành vi lệch lạc - quan điểm của Emile Durkheim về sai lệch chuẩn mực xã hội, Tạp chí Phát triển Khoa học & Công nghệ, tập 14, số X1, 2011

(5) Margaret Mead, Tuổi trưởng thành ở Samoa, Phạm Minh Quân dịch, NXB Thế giới 2021

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới