Khắc phục bất cập trong đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước
Minh Chí
(TBKTSG Online) - Các nhà xuất bản tại TPHCM khuyến nghị cần có cơ chế ủy quyền cho cơ quan quản lý ngành xuất bản trong việc đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính trình bày về một số quy định liên quan tới việc đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước. Ảnh: Chí Thịnh |
Sáng 6-12, tại hội thảo về đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước diễn ra tại TPHCM, các nhà xuất bản cho biết nên có sự “uyển chuyển” trong việc đặt hàng xuất bản phẩm (tác phẩm, tài liệu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo…). UBND các tỉnh, thành phố cần có cơ chế ủy quyền cho cơ quan quản lý ngành xuất bản trong việc đặt hàng.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TPHCM cho biết hiện tại, việc đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng nguồn ngân sách địa phương do UBND cấp tỉnh phụ trách. Điều này là bất khả thi, bởi khối lượng công việc do UBND TPHCM điều hành, quản lý và xử lý quá nhiều. Nếu không có cơ chế ủy quyền cho sở quản lý ngành hoặc cơ quan chủ quản nhà xuất bản của thành phố thì không cách nào khác là UBND thành phố “ôm” việc đặt hàng và duyệt chi tiết các tựa, số bản in xuất bản phẩm hàng năm.
Bà Thủy kiến nghị việc đặt hàng cụ thể các tựa sách đúng đề tài, dự tính số bản in để phát hành sẽ do cơ quan chủ quản của NXB, nơi có kinh nghiệm thực tiễn nhiều nhất trong việc khảo sát và nắm bắt nhu cầu từ cơ sở, là sở thông tin và truyền thông . Đây sẽ là cơ quan tham mưu thẩm định trình UBND thành phố.
Trước đó, tại cuộc họp giao ban công tác xuất bản năm 2018 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam chủ trì vào đầu năm 2019, NXB Tổng hợp TPHCM đã có trình bày một số bất cập phát sinh từ việc triển khai thực hiện Thông tư 07.
Tuy nhiên, do cũng chỉ là ý kiến tại hội nghị giao ban, nên NXB Tổng hợp TPHCM cũng chỉ được trao đổi lại là việc đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách địa phương thì nên do địa phương linh hoạt vận dụng.
Một số NXB khác cũng đồng quan điểm như trên và cho biết thêm, nên linh hoạt trong việc quy định về chất liệu, kích cỡ, in đen trắng hay màu… xuất bản phẩm (tuỳ NXB hoặc đơn vị đặt hàng).
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, một vấn đề đáng quan tâm về việc đặt hàng xuất bản phẩm là cứ sách in ra sử dụng ngân sách Nhà nước là được cho không, điều này là không hiệu quả.
Nếu có thể, các xuất bản phẩm nên được Nhà nước hỗ trợ một phần thôi, còn lại nên bán (nếu NXB thấy sách hay, có thể bán được). Ví dụ, một tác phẩm làm ra có giá thành 70.000 đồng; Nhà nước sẽ hỗ trợ 50.000 đồng, còn lại 20.000 đồng sẽ do người sử dụng sách chi trả, ông Hải cho biết.
Trước đây, Thông tư liên tịch số 04/2011/TTLT-BTTTT-BTC quy định cơ quan đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng nguồn ngân sách trung ương là cơ quan chủ quản nhà xuất bản trung ương; cơ quan đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng nguồn ngân sách địa phương do UBND cấp tỉnh ủy quyền cho sở quản lý ngành hoặc cơ quan chủ quản nhà xuất bản địa phương. Còn Thông tư 07/2018/TT-BTTTT hiện nay đang giao việc đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng nguồn ngân sách địa phương cho UBND cấp tỉnh. |
Mời đọc thêm
Tăng giá sách, NXB Giáo dục dự kiến tăng doanh thu hơn 100 tỉ