Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khách mua sắm trực tuyến ở Đông Nam Á tăng thêm 70 triệu người trong mùa dịch

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) –Kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến, lượng khách mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử ở 6 nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam tăng thêm khoảng 70 triệu người, theo ghi nhận từ một báo cáo mới công bố, có nhan đề “Đông Nam Á, ngôi nhà cho chuyển đổi số, của Công ty mạng xã hội Facebook và hãng tư vấn quản lý Bain & Company.

Các biện pháp hạn chế đi trog đã dịch Covid-19 đã thúc đẩy thương mại điện tử tăng trưởng bùng nổ ở Đông Nam Á. Ảnh: Brandinginasia

Theo báo cáo, khi giới chức trách khuyến cáo người dân ở nhà để kìm hãm đà lây lan của dịch bệnh Covid-19, Đông Nam Á chứng kiến làn sóng phổ cập nhanh chóng của các dịch vụ số hóa như thương mại điện tử, giao thực phẩm và thanh toán trực tuyến.

5 lý do hàng đầu thúc đẩy mua sắm trực tuyến

Báo cáo này dựa trên cuộc khảo sát ý kiến hơn 16.000 tiêu dùng ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam nhận định, vào cuối năm nay, sẽ có hơn 70% người từ 15 tuổi trở lên ở 6 nước Đông Nam Á này mua sắm trực tuyến. Báo cáo dự báo số người mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử ở Đông Nam Á sẽ đạt con số 350 triệu người vào cuối năm nay và 380 triệu người vào năm 2026.

Cuộc khảo sát của Facebook và hãng tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company cho thấy 5 lý do hàng đầu khiến người tiêu dùng trong khu vực chuyển sang mua sắm trực tuyến là: Covid-19 khiến hạn chế di chuyển, tiếp xúc; tiết kiệm thời gian, giao dịch thuận tiện và có nhiều chương trình khuyến mãi; dễ dàng so sánh giá cả; phục vụ 24/7.

Báo cáo cho biết Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, tiếp tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với lượng khách mua sắm trực tuyến tăng khoảng 15%, từ 144 triệu người trong năm 2020 lên 165 triệu người trong năm 2021.

Nhiều nước Đông Nam Á đang xoay xở  ứng phó với sự tái trỗi dậy của dịch bệnh Covid-19 do tính chất lây lan cực nhanh của biến thể Delta và tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 còn thấp. Khi lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại khiến người tiêu dùng không thể đến các cửa hàng và siêu thị thường xuyên, các thị trường thương mại điện tử tăng trưởng bùng nổ.

Cuộc khảo sát của Facebook và Bain & Company phát hiện thấy trong nhóm khảo sát, tỷ lệ người cho biết họ mua sắm thường xuyên trên các tảng thương mại điện tử đã tăng từ 33% trong năm 2020 lên 45% trong năm nay, với mức tăng mạnh nhất diễn ra ở Singappre, Malaysia và Philippines.

Người tiêu dùng trong khu vực cũng sẵn sàng thử nghiệm các thương hiệu và nền tảng thương mại điện tử mới, do vậy, yếu tố quan trọng để duy trì lòng trung thành của họ là phải mang lại trải nghiệm tốt. Cuộc khảo sát cho thấy người tiêu dùng ở Đông Nam Á mua sắm trung bình trên 7,9 nền tảng thương mại điện tử trong năm 2021 so với 5,2 nền tảng trong năm ngoái.

Các cam kết trách nhiệm với các vấn đề xã hội, môi trường và quản trị (ESG) trở thành một trong những lý do hàng đầu thúc đẩy người tiêu dùng chuyển sang thương hiệu mới. Người tiêu dùng Đông Nam Á sẵn sàng trả cao hơn để mua một sản phẩm được sản xuất có trách nhiệm và bền vững với mơi trường.

Báo cáo của Facebook và hãng tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company dự báo số người mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử ở Đông Nam Á sẽ đạt con số 350 triệu người vào cuối năm nay và 380 triệu người vào năm 2026. Ảnh: Facebook

Chi tiêu mua sắm trực tuyến đạt mức trung bình 381 đô la/năm/người

Facebook và Bain & Company ước tính chi tiêu mua sắm trực tuyến ở Đông Nam Á sẽ tăng 60% trong năm nay, từ 238 đô la Mỹ/người trong năm 2020, lên 381 đô la/người trong năm nay. Thị phần bán lẻ trực tuyến trong tổng doanh số bán lẻ của khu vực cũng tăng vọt từ 5% trong năm ngoái, lên 9% trong năm nay, tăng nhanh hơn so với ở Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ

Báo cáo nhận định: “Trong 5 năm tới, doanh số thương mại điện tử của Đông Nam Á sẽ bắt kịp tốc độ tăng trưởng ở các nước lớn này với mức tăng 14% mỗi năm”.

Khi hoạt động mua sắm dịch chuyển lên không gian số, các nền tảng công nghệ tài chính cung cấp những dịch vụ như “mua trước, trả sau”, ví điện tử và tiền kỹ thuật số cũng nhanh chóng phổ cập.

Theo báo cáo trên, trong 3 tháng đầu năm nay, 88% vốn đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân ở khu vực Đông Nam Á chảy vào ngành công nghệ và internet và 56% trong số đó được rót vào ngành công nghệ tài chính.

“Chúng ta đang chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ với quy mô tăng gấp 3 lần của lĩnh vực công nghệ tài chính ở Đông Nam Á. Chúng ta không chỉ thấy giới chức trách đang tháo dỡ những rào cản quản lý mà còn dòng vốn đang cuồn cuộn chảy vào lĩnh vực này”, Dmitry Levit, người sáng lập Quỹ đầu tư vốn mạo hiểm Cento Ventures, nói trong báo cáo.

37% người tham gia khảo sát cho biết họ thích thanh toán bằng ví điện tử hơn so với 28% thích sử dụng tiền mặt, 19% thích sử dụng thẻ  tín dụng và thẻ ghi nợ, 15% thích chuyển khoản ngân hàng.

Philippines, Malaysia và Việt Nam là những nước có tốc độ phổ cập ví điện tử nhanh nhất trong khu vực, lần lượt với tỷ lệ tăng trưởng 133%, 87% và 82%.

Báo cáo cho rằng tốc độ số hóa nhanh chóng trong thương mại ở Đông Nam Á cho thấy cơ hội to lớn trong nền kinh tế số của khu vực.

“Khu vực Đông Nam Á sẽ là thị trường thương mại điện tử tăng trưởng trong ít nhất 10 năm tới khi các sản phẩm, ngành kinh doanh và các nhà sản xuất, bán sĩ, bán lẻ mới xuất hiện”, Justin Hall, đối tác của Quỹ đầu tư vốn mạo hiểm Golden Gate Ventures, nói trong báo cáo.

Theo CNBC, Facebook

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới