Thứ tư, 4/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khách sạn ‘sống’ vì được chọn làm nơi cách ly

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch và khách sạn. Nhiều khách sạn phải đóng cửa hoặc mở nhưng hoạt động cầm chừng. Một số khách sạn sống được nhờ nhận làm nơi cách ly cho cư dân nhập cảnh, người thuộc diện F1 hoặc làm nơi ở cho nhân viên của các nhà máy trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo số liệu của công ty bất động sản Savills Việt Nam, mô hình khách sạn chuyển đổi thành cơ sở cách ly y tế với tỷ lệ lấp đầy có thể lên tới 78% đang được coi là một điểm sáng của ngành này.

Savills Việt Nam cho biết trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, tỷ lệ phòng lấp đầy trung bình ở các khách sạn 3 đến 5 sao tại Hà Nội thường xuyên đạt mức 74%, cao nhất trong 10 năm vừa qua với giá phòng trung bình đạt 113 đô la Mỹ/phòng/đêm. Nhưng đến năm 2020, dưới ảnh hưởng của Covid-19, tỷ lệ lấp đầy của thị trường này chỉ còn trung bình 30%, giá phòng cũng giảm xuống còn khoảng 81 đô la Mỹ/phòng/đêm. Trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm, với tỷ lệ lấp đầy chỉ còn 25%, giá phòng trung bình khoảng 72 đô la Mỹ/phòng/đêm.

Tại Đà Nẵng, địa điểm du lịch trọng điểm của Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy các khách sạn ở đây vào thời điểm 2019 đạt 61% với giá phòng trung bình là 108 đô la Mỹ/phòng/đêm. Đến 2020 giảm chỉ còn 17% với giá phòng 54 đô la Mỹ/phòng/đêm. Còn năm nay tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn 3-5 sao tại Đà Nẵng giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm vừa qua, chỉ còn 11% và giá phòng trung bình chỉ đạt 49 đô la Mỹ/phòng/đêm

Còn tại TPHCM, với những tác động của đợt dịch thứ 4, những quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn trong quí 2 vừa qua chỉ đạt 18% với giá phòng trung bình là 69 đô la Mỹ/phòng/đêm. Mặc dù vậy, khi so sánh với điểm “trũng” nhất của thị trường vào đợt dịch đầu tiên của 2020, con số này đã tăng 5 điểm phần trăm, tương đương mức tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái về tỷ lệ phòng khách sạn được lấp đầy. Từ quí 2 vừa qua đến nay, giá phòng trung bình đã tăng khoảng 3 đô la Mỹ mỗi quí, với lực đẩy đến từ các cơ sở và dịch vụ cách ly tập trung có giá thuê cao hơn từ 5-60% so với giá trung bình của thị trường.

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc, Savills Việt Nam đánh giá về phân khúc các khách sạn chuyển đổi thành cơ sở cách ly tập trung cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường khách sạn nghỉ dưỡng, đặc biệt là với những cơ sở nhỏ và vừa. Hiện nay có khoảng 10% số lượng các khách sạn trên thị trường được chuyển đổi thành các cơ sở cách ly, và con số này có thể tăng lên trong thời gian sắp tới, để đáp ứng nhu cầu cấp bách về việc cách ly và hỗ trợ chống dịch.

Tại Hà Nội, đã có khoảng 20 khách sạn chuyển đổi theo mô hình này, tương đương khoảng 1.600 phòng và 18 khách sạn mới vừa được đưa thêm vào danh sách. Còn ở Đà Nẵng là khoảng 34 khách sạn với khoảng 3.000 phòng. Con số này ở TPHCM là 25 khách sạn với hơn 3.000 phòng.

Cũng chính từ xu hướng này, thị trường TPHCM đã chứng kiến điểm sáng ở một số khách sạn tại khu vực quận Tân Bình, khu vực gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, với tỷ lệ lấp đầy lên đến 78%. Tất cả các khách sạn 5 sao trong khu vực này đều đã được sử dụng thành các cơ sở cách ly y tế. “Nhu cầu về khách sạn cách ly đang có xu hướng tăng lên, với nhóm đối tượng khách hàng có thể đến từ các nhân viên thuộc phi hành đoàn, các nhà ngoại giao quốc tế, các chuyên gia nước ngoài - những người thường xuyên nhập cảnh ra vào Việt Nam,” ông Troy nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới