Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khai thác cát sông bền vững, bài toán khó của ĐBSCL

Nguyễn Thị Thu Hồng – Đinh Tấn Phong*

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cát sông là tài nguyên khoáng sản được xếp vào loại không tái tạo, vì thế việc sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên này là bài toán cần sớm tìm được lời giải. Tuy vậy, thực trạng khai thác cát quá mức ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay đang khiến cho bài toán này ngày một phức tạp.

Việc triển khai các dự án quanh khu vực ĐBSCL vô cùng khó khăn do khan hiếm nguồn cung cát đắp nền. Trong ảnh: Sà lan vận chuyển cát tại Tiền Giang. Ảnh: H.P

Nguy cơ cạn nguồn cát sông trong 10 năm tới

ĐBSCL được xem là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Điều này được thể hiện rõ hàng năm với mức gia tăng nhiệt độ trong không khí, xâm nhập mặn, sụt lún, ngập lụt đô thị, lượng mưa thấp dần... Đáng chú ý, hiện tượng sạt lở bờ sông, sụt lún địa hình tại khu vực ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng.

Theo nhiều nghiên cứu, việc sử dụng không hợp lý nguồn cát ở ĐBSCL là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến những điều này.

Cát sông là tài nguyên khoáng sản được xếp vào loại không tái tạo nhưng lại là nguồn tài nguyên cấp thiết trong quá trình đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông. Do vậy, trong hơn 20 năm qua, việc khai thác nguồn khoáng sản cát sông ở ĐBSCL đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho cả vùng, mang lại hàng trăm tỉ đồng cho các doanh nghiệp khai thác cát.

Tuy nhiên, theo một kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam việc khai thác cát quá mức khiến tình trạng sạt lở ở ĐBSCL ngày một nhiều. Trên thực tế, việc khai thác cát sông không chỉ gây sạt lở tại chỗ mà tác động dây chuyền kéo dài đến cả trăm ki-lô-mét (km) về phía hạ lưu. Hiện tượng này không chỉ xảy ra trên dòng chính mà cả các dòng phụ lưu, nhánh sông khác.

Đơn cử như tại Cần Thơ, chính quyền thành phố đã ghi nhận số đợt sạt lở trong năm 2023 là 41 đợt, tăng 3,7 lần so với 2022, tuy nhiên, chiều dài sạt lở lên đến 2.435m, tăng 8,7 lần so với năm trước. Nghĩa là trong năm 2023, những đợt sạt lở có chiều dài lớn hơn so với 2022. Điều này kéo theo thiệt hại tăng 12 lần so với năm trước lên mức 34,4 tỉ đồng.

Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho thấy, lượng cát đổ về ĐBSCL hiện nay chỉ vào khoảng từ 2 - 4 triệu m3/năm. Trong khi đó, lượng cát khai thác hằng năm lên đến 35 - 55 triệu m3/năm. Như vậy, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác như hiện tại thì trữ lượng cát tích lũy từ hàng trăm năm qua ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt trong 10 năm tới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định hình thái và khả năng chống chịu của đồng bằng.

Thực tế, vấn đề sạt lở bờ sông đã làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội như mất sinh kế người dân, gia tăng nguy cơ đói nghèo, bất ổn xã hội. Trong khi đó, ngân sách nhà nước phải tốn thêm kinh phí cho công tác di dời, tái định cư và các an sinh xã hội khác kèm theo.

Ngoài ra, sạt lở còn làm cho hệ sinh thái bờ sông bị phá vỡ, môi trường sinh sống của nhiều loài động thực vật bị đe dọa. Khai thác cát quá mức cũng làm dòng chảy của nước, trầm tích và các tầng chứa nước bị ảnh hưởng. Hậu quả gây nhiễm mặn đất và cạn kiệt các tầng chứa nước, sự di cư của các loài cá bị hạn chế, gia tăng ô nhiễm. Sự suy thoái của hệ sinh thái, gây khó khăn cho nông nghiệp, thủy sản, du lịch cũng như hạn chế nguồn nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính từ 20-200 triệu đồng khi bị phát hiện có hành vi khai thác cát trái phép. Mặc dù vậy, lợi nhuận có được từ việc khai thác cát trái phép lại có thể lên tới hàng tỉ đồng mỗi ngày. Do đó, lợi nhuận khai thác cát trái phép thường lớn hơn rất nhiều so với số tiền bị xử phạt nên dẫn đến nạn “cát tặc” tại ĐBSCL vẫn tồn tại nhiều năm qua.

Cân nhắc các giải pháp khai thác bền vững

Trước tiên, cần thay đổi tư duy trong nhìn nhận về vai trò, chức năng của nguồn tài nguyên cát. Theo đó, không chỉ xem cát sông là vật liệu phục vụ cho hoạt động xây dựng, mà cát sông còn đóng vai trò rất quan trọng trong phòng, chống sạt lở, thiên tai, bảo tồn hệ sinh thái sông nước (cát hoặc đất pha cát sẽ là môi trường sinh sống của nhiều loài động, thực vật đặc hữu)…

Đồng thời, thay đổi thói quen sử dụng cát sông để san lấp nền trong xây dựng các công trình giao thông bằng việc chuyển sang phương án xây cầu cạn (thay cho đắp nền) để làm cao tốc tại ĐBSCL. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, xây cầu cạn là một công nghệ phù hợp với địa hình nền đất yếu như ĐBSCL.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cần đánh giá thực trạng sử dụng cát sông trong xây dựng (tình hình sử dụng cát sông ở lĩnh vực nào chiếm ưu thế, số lượng sử dụng bao nhiêu...). Việc này giúp cho cơ quan chức năng có những số liệu khoa học làm căn cứ để đưa ra chính sách quản lý cát sông một cách tối ưu trong tương lai.

Cùng với đó, hoàn thiện quy định pháp luật nhằm xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong khai thác trái phép cát sông. Cụ thể, ngoài mức xử phạt vi phạm hành chính cần bổ sung chế tài về bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả về môi trường và xã hội do hành vi vi phạm pháp luật về khai thác cát sông gây ra.

------------------

(*) Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới