(KTSG) - Cảng Chân Mây tại tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những điểm đến thường xuyên của các tàu biển du lịch quốc tế trong hành trình đến Việt Nam. Tuy nhiên, ngành du lịch Cố đô thừa nhận rằng thời gian trải nghiệm và mức chi tiêu của khách đi tàu biển tại đây còn ở mức khiêm tốn. Và để cải thiện tình hình này, có nhiều thứ cần phải làm.
- Dừng hàng loạt du thuyền, du lịch tàu biển tê liệt vì Covid-19
- Du lịch tàu biển: không phải ai cũng thích
Du lịch tàu biển ở Thừa Thiên Huế có khuynh hướng phát triển mạnh lên từ sau năm 2015 khi bến cảng Chân Mây số 01 được nâng cấp xong và đi vào hoạt động.
Theo số liệu của Ban quản lý cảng Chân Mây, trong hai năm 2018-2019, số tàu biển đến cảng Chân Mây của Thừa Thiên Huế rất cao, chiếm khoảng 45-57% trong tổng số lượt khách đến Việt Nam bằng đường biển. Trong năm 2022, lượng khách đi tàu biển qua cảng Chân Mây chỉ có 850 người. Đến năm 2023, chỉ trong bảy tháng đầu năm đã có 13.300 khách tàu biển (chiếm 44% tổng số khách đến Việt Nam theo đường tàu biển) qua cảng Chân Mây. Hiện số liệu về tàu du lịch biển đăng ký ghé cảng này trong giai đoạn 2024-2026 đã tăng dần.
Những số liệu về lượt tàu, lượt khách tăng sau mỗi năm có thể xem là một chỉ dấu cho sự phục hồi du lịch và cũng là thời điểm để tái khởi động hoạt động du lịch tàu biển quốc tế tới cảng Chân Mây. Sự hiện diện khá thường xuyên của các hãng du lịch tàu biển hạng sang tại Chân Mây, như Royal Caribbean, Celebrity Cruise, Tui Cruise, Costa Criere, Viking Ocean Cruise, Mary Queen 2… đã phần nào khẳng định khu cảng này như một điểm đến đáng chú ý trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới. Tuy nhiên, hiện trạng vận hành hoạt động du lịch tàu biển nơi đây nếu phân tích kỹ lại cho thấy còn nhiều điều bất cập, buộc phải điều chỉnh.
Mổ xẻ những vướng mắc
Tại cuộc hội nghị về du lịch tàu biển Thừa Thiên Huế diễn ra trong tuần vừa qua, ngành du lịch tỉnh đã đưa ra những thống kê mang tính tương đối. Trung bình chỉ có khoảng 10% lượng du khách tàu biển cập cảng Chân Mây đến thành phố Huế tham quan. Có những chuyến tàu đưa 3.500 khách đến Chân Mây thì có chưa tới 20 khách lên Huế, đa phần du khách đi Đà Nẵng và Hội An hoặc ở lại trên tàu.
Theo ông Nguyễn Văn Chương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần cảng Chân Mây, có những khó khăn dẫn đến con số khiêm tốn này. Đó là Thừa Thiên Huế vẫn chưa có cảng hành khách riêng biệt. Các tàu du lịch đang cập cảng chung với cảng hàng hóa, khiến khách du lịch ngại xuống tàu. Hành trình di chuyển từ cảng vào trung tâm thành phố mất nhiều thời gian (hơn một tiếng đồng hồ) trong khi việc tìm kiếm phương tiện khó khăn chưa kể giá dịch vụ cao.
Điểm thứ ba mà ông Chương nhắc đến là việc khai thác tiềm năng du lịch biển ở địa phương chưa hợp lý, chưa thực sự tận dụng được lợi thế về mặt tài nguyên ven biển. Chẳng hạn như dịch vụ và sản phẩm du lịch tại các khu vực bãi biển lân cận cảng như Bình An, Cảnh Dương, Lăng Cô còn nghèo nàn để phục vụ đối tượng khách tàu biển này.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty du ngoạn Việt - đơn vị chuyên du lịch tàu biển - cho hay có những lúc tàu du lịch biển đến đúng lúc hoạt động vận chuyển than diễn ra, khiến bãi xe bị bẩn, hành lang tàu bị đen ố khi neo đậu thời gian dài và bụi than bay vào áo quần, giày của khách. Đó là chưa kể nạn người trong cảng đem xe vào trong cảng, giành khách, phá giá và đôi co với các công ty làm dịch vụ - đối tác của hãng tàu - rất phản cảm.
“Các cơ quan chức năng cần chấm dứt tình trạng giành giật khách, phá giá bên trong cảng Chân Mây. Bởi cảnh đó không khỏi khiến khách so sánh giá, từ đó không sử dụng dịch vụ của hãng tàu nữa. Về lâu về dài, hãng tàu có khả năng sẽ cắt dần chuyến đến cảng Chân Mây”, ông Xuân Anh tỏ vẻ bức xúc.
Cũng tại cuộc hội nghị nói trên, một số doanh nghiệp lại quan tâm vấn đề làm thế nào để duy trì những dòng khách đến và trở lại. Tùy vào từng dòng khách, nếu là khách Âu, Mỹ thì đa số sẽ chọn Huế hoặc Hội An bởi họ thích văn hóa. Thời gian gần đây, lượng khách Âu, Mỹ đi du lịch bằng tàu biển giảm hẳn, thay vào đó là khách đến từ Trung Quốc. Nhưng điều này không có nghĩa là các dòng khách Âu và Mỹ mãi không quay lại trong tương lai và các doanh nghiệp này cho rằng trước hết cần giải quyết bài toán “đường đi không thuận tiện và phát sinh chi phí” mới mong có thể đón du khách trở lại Huế, chưa nói tới chuyện giữ chân khách tàu biển ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.
Cần sự đầu tư đồng bộ
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cũng thừa nhận đó là những khó khăn, vướng mắc mà ngành du lịch đang gặp phải và để giải quyết thì cần phải có những giải pháp đồng bộ.
Ông Phúc đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét hỗ trợ giảm cảng phí cho các tàu du lịch vào cảng biển Thừa Thiên Huế định tuyến hoặc nhiều lần. Ngoài ra, tỉnh cần kêu gọi đầu tư, các cụm mua sắm - ẩm thực - vui chơi giải trí quy mô lớn với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời đốc thúc các dự án đang triển khai trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh sớm hoàn thành, đưa vào vận hành nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch tàu biển.
“Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Hiệp hội du lịch tỉnh, các ngành, đơn vị và địa phương liên quan trong việc tiếp tục đầu tư, nâng cấp các sản phẩm phục vụ khách tàu biển”, ông Phúc nói.
Ông cũng cho hay ngoài sản phẩm chủ lực văn hóa - di sản đang phát huy hiệu quả đối với dòng khách du lịch tàu biển, ngành du lịch sẽ xây dựng chính sách phát triển, hỗ trợ hình thành, nâng cao chất lượng một số điểm đến, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa vùng cao, làng nghề truyền thống, giá trị sinh thái có chất lượng cao, mang tính khác biệt nhằm đa dạng sản phẩm, tăng thêm sự chọn lựa cho khách du lịch cũng như miễn giảm một số loại phí cho khách tàu biển.
Trong khi đó, đại diện Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế cũng đưa ra những kiến nghị nhằm giải quyết các vấn đề nội tại cảng.
Để khắc phục hạn chế về hạ tầng (vừa tiếp nhận tàu hàng hóa và tàu khách du lịch), Công ty cổ phần cảng Chân Mây có thể ưu tiên không gian hậu cần khi đón tiếp tàu khách bằng cách sắp xếp tinh gọn nhất các thiết bị xếp dỡ hàng hóa, đầu tư nhiều thiết bị, hạn chế bụi phát tán từ các kho bãi và tăng cường dọn dẹp vệ sinh.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn hàng hải trong vùng nước cảng biển khu vực Chân Mây, thu hút tàu du lịch đến cảng biển Thừa Thiên Huế, cần xử lý dứt điểm tình trạng người dân nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản lấn chiếm luồng hàng hải.
Tham dự hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng thừa nhận dù tỉnh có rất nhiều lợi thế phát triển du lịch tàu biển nhưng hạ tầng cơ sở cảng du lịch, nguồn nhân lực còn thiếu, trang thiết bị quản lý, giám sát, kiểm tra và hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được đầu tư hiệu quả…
Ông Bình cũng nhìn nhận khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển của các doanh nghiệp địa phương chưa nhiều, chất lượng dịch vụ đón khách du lịch tàu biển còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ đón khách cao cấp. Vậy nên, ngành du lịch tỉnh cần đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật tốt nhất, đầy đủ nhất để phục vụ khách tàu biển như phương tiện vận chuyển, các nhà hàng, các điểm tham quan, các quầy hàng mua sắm, quà lưu niệm…
Từ Chân Mây đi 35 km hướng Đà Nẵng đã đến đô thị đông đúc, trong khi 60 km mới tới Huế!