Khai thác nước ngầm quá mức khiến ĐBSCL ‘chìm’ nhanh hơn
Trung Chánh
(TBKTSG Online) – Tình trạng khai thác nước ngầm quá mức trong khi việc quản lý còn lỏng lẻo khiến nguồn nước ngầm bị cạn kiệt, xâm nhập mặn, ô nhiễm và có thể khiến vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) “chìm” nhanh hơn.
ĐBSCL: Giữa mùa lũ lo chuyện hạn mặn
![]() |
Người dân tỉnh Bến Tre đổi nước ngọt sinh hoạt trong đợt hạn mặn vừa qua. Ảnh: Trung Chánh |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đưa ra nhận định tại phiên giải trình “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập” do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội tổ chức trực tuyến hôm 17-8.
Ông Hà cho rằng, công tác điều tra cơ bản về nguồn nước ngầm ở Việt Nam còn rất mỏng, chỉ tập trung ở các khu vực phát triển như các thành phố lớn hoặc khu vực khó khăn về nước. Cơ quan quản nhà nước chưa đầu tư, đánh giá đúng số lượng, chất lượng của nguồn nước ngầm để đưa ra những chính sách cung cấp cho phát triển kinh tế.
Dẫn chứng cho đánh giá quản lý nguồn nước ngầm còn lỏng lẻo, theo ông Hà, ở ĐBSCL và Tây Nguyên việc khoan nước ngầm không chỉ cung cấp cho sinh hoạt, mà còn cho trồng cây ăn trái, công nghiệp và nuôi thủy sản. “Tình trạng này dẫn đến cạn kiệt, có thể mất cân bằng và khả năng nước ngầm sẽ bị xâm nhập mặn trong thời gian rất sớm và bị ô nhiễm do các nguồn thải bên trên”, ông Hà cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bài toán quan trọng hiện nay là làm sao sớm có được số liệu điều tra cơ bản; phải làm rõ hơn các quy định liên quan đến công tác quy hoạch, khai thác, sử dụng; đưa ra các quy định, quy chuẩn kỹ thuật liên quan cũng như tăng cường các biện pháp trách nhiệm của cơ quan quản lý, đặc biệt là nâng cao nhận thức cho người dân trong khai thác, sử dụng nước ngầm.
Theo ông, về lâu dài, cần tính đến việc bổ sung nước cho nguồn nước ngầm, nhưng trước mắt phải có đánh giá tình trạng và tác động của việc khai thác nước ngầm thời gian qua để có kết luận chính xác.
Dẫn lại tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô vừa qua, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ở tỉnh Bến Tre, có 100% số xã đã bị xâm nhập mặn với độ mặn đạt trên 10 phần ngàn, gây thiệt hại hàng chục ngàn héc ta lúa và cây ăn trái của địa phương. Nhiều tháng liền, người dân Bến Tre rơi vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt, sản xuất và phải mua nước ngọt với giá từ 60.000-200.000 đồng/m3.
Riêng Cà Mau là vùng đất thấp, đa phần chỉ cao hơn mực nước biển 0,5 mét, nhưng liên tục bị lún với tốc độ 1-2 cm mỗi năm, trong khi nước biển dâng 1 cm/năm, cho nên, khả năng sau 25 năm đa phần diện tích tỉnh này sẽ xấp xỉ mặt nước biển. |
Một kịch bản xấu có thể xảy đến, đó là vào năm 2050, nước biển sẽ dâng thêm 21-25 cm cho toàn dải ven biển Việt Nam và có khả năng đến năm 2100 sẽ lên 44-73 cm, đó là chưa kể nước dâng do bão, thủy triều ven bờ cũng như do sụt lún đất vì khai thác nước ngầm quá mức.
Điều này có thể khiến 10% vùng Đồng bằng sông Hồng, 15% vùng ĐBSCL, 14% TPHCM và từ 20-30% diện tích đất của tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hậu Giang và Cà Mau có thể bị ngập nước vào cuối thế kỷ này, gây ảnh hưởng đến sinh kế của 20 triệu người dân và hàng ngàn doanh nghiệp.
“Vấn đề kiểm soát mặn, giữ ngọt, ngăn nước biển dâng làm sạt lở bờ biển suốt từ Tiền Giang đến Cà Mau, Kiên Giang và nhiều điểm ở khu vực miền Trung đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”, ông Hiển nhấn mạnh và đặt câu hỏi: “Chúng ta thuận thiên, tức là sống chung với ngập lụt, nước biển dâng hay chúng ta phải ngăn chặn nó, giữ cho bằng được hệ thống đê kè như Hà Lan?”.