(KTSG Online) - Công nhân nhà máy may mặc ở Bangladesh đang yêu cầu tăng mức lương tối thiểu lên lần gấp 3 lần so với mức hiện nay, khoảng 3 đô la Mỹ/ngày, tương đương 75 đô la/tháng. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy thấy kỷ nguyên lao động và quần áo siêu rẻ mà nhiều thương hiệu thời trang phương Tây đang dựa vào không còn bền vững.
- Hàng may mặc Bangladesh sắp soán ngôi đầu của Trung Quốc ở thị trường EU
- Hàng dệt may chất đống các kho ở Bangladesh khi phương Tây giảm đơn hàng
Lương không đủ sống
Trong những ngày gần đây, hàng chục nghìn công nhân may mặc ở Bangladesh từ chối làm việc, kêu gọi tăng mức lương tối thiểu lên gần gấp ba lần. Các cuộc biểu tình nổ ra khắp nơi, với các nhà máy bị đốt cháy và máy móc bị đập phá. Khoảng ba trăm nhà máy may ở nước này phải tạm dừng hoạt động.
Căn nguyên của làn sóng biểu tình là người lao động ngành may mặc cần mức lương cao cao hơn để đáp ứng mức sống cơ bản. Họ nhận được được sự ủng hộ rộng rãi, bao gồm từ các thương hiệu thời trang khổng lồ như H&M, Gap và Inditex (công ty mẹ của Zara), vốn đang gia công sản xuất tại Bangledesh. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ các bên liên quan không thể thống nhất được ai sẽ cáng đáng chi phí tăng lương.
Các chủ nhà máy may ở Bangladesh cho rằng, để tăng lương đáng kể cho công nhân, các thương hiệu phương Tây, những khách hàng lớn nhất của họ, cần phải trả nhiều tiền hơn cho quần áo mà họ đặt hàng. Faruque Hassan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), cho biết, dù các tên tuổi lớn trong lĩnh vực thời trang công khai ủng hộ mức lương cao hơn, nhưng trên thực tế, họ lại chùn bước khi chi phí tăng cao và đe dọa chuyển đơn đặt hàng sang các nước khác.
Trong một lá thư gửi cho Hiệp hội hàng may mặc và giày dép Mỹ (AAFA) hồi cuối tháng 9, ông Hassan kêu gọi các thương hiệu và nhà bán lẻ thời trang tăng giá cho các đơn đặt may quần áo ở Bangledesh.
“Điều này rất quan trọng để quá trình chuyển đổi sang thang lương mới diễn ra suôn sẻ hơn”, ông viết.
Theo Rubana Huq, Chủ tịch của Mohammadi Group, một tập đoàn cung cấp hàng may mặc ở Bangledesh, một phần của vấn đề là các thương hiệu thời trang quốc tế cũng đang chịu áp lực chi phí và vật lộn với sự cạnh tranh gay gắt.
“Mỗi lần yêu cầu các thương hiệu trả thêm, dù chỉ 1 cent, chúng tôi cũng rất khó nhận được sự hỗ trợ của họ”, bà nói.
Ủy ban lương tối thiểu của chính phủ Bangladesh đang tổ chức các cuộc đàm phán với sự tham gia của cả đại diện lao động và ngành công nghiệp may mặc để giải quyết mức lương tối thiểu mới cho công nhân. Nhưng các chủ nhà máy may lo ngại, nếu yêu cầu của công nhân về mức lương tối thiểu hàng tháng khoảng 205 đô la được đáp ứng, Bangladesh sẽ mất lợi thế cạnh tranh. Đề xuất của họ về mức lương tối thiểu khoảng 95 đô la đã bị chính phủ Bangladesh bác bỏ vì không giúp giải quyết vấn đề.
Các thương hiệu phương Tây ủng hộ tăng lương tối thiểu nhưng hầu hết không cho biết mức tăng cụ thể là bao nhiêu. Đội ngũ công nhân may quần áo cho họ ở Bangladesh thường kiếm được nhiều hơn đáng kể so với mức lương tối thiểu, nhưng thấp hơn nhiều so với mức lương mà các công đoàn yêu cầu và mức lương đủ sống theo đánh giá của các tổ chức quốc tế.
Hamim Shikder, một công nhân may từng tham gia các cuộc biểu tình, cho biếtm mức thu nhập 125 đô la mỗi tháng mà anh kiếm được, bao gồm 50 giờ làm thêm, chỉ vừa đủ để trả học phí cho con trai cũng như mua hàng tạp hóa và các nhu yếu phẩm ngày càng đắt đỏ. Khi vợ anh bị bệnh sốt xuất huyết, anh phải vay tiền để chạy chữa.
Mô hình thời trang nhanh dựa vào lương thấp
H&M ủng hộ mức lương tối thiểu mới để giúp công nhân may ở Banglesh trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình họ. Nhưng người phát ngôn của H&M từ chối cho biết liệu H&M có trả phí gia công cao hơn để tạo điều kiện cho các chủ nhà máy tăng lương hay không.
Trong khi đó, người phát ngôn của Inditex nhắc lại những tuyên bố công khai gần đây, trong đó, cam kết hỗ trợ mức lương đủ sống cho người lao động trong chuỗi cung ứng.
Mô hình thời trang nhanh của các thương hiệu phương Tây dựa vào mức lương thấp của công nhân may mặc ở châu Á. Các thương hiệu này cạnh tranh để cung cấp quần áo với giá rẻ nhất có thể, ép các nhà máy ở châu Á phải chấp nhận phí gia công thấp. Vì vậy, các nhà máy cũng trả lương thấp cho công nhân.
Sheng Lu, giáo sư nghiên cứu thời trang và may mặc tại Đại học Delaware (Mỹ), nói: “Do sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, các chủ nhà máy ở Bangladesh phải cân bằng giữa việc tăng mức lương tối thiểu và duy trì khả năng cạnh tranh”.
Dữ liệu do H&M cung cấp cho thấy, năm ngoái, khoảng 600.000 công nhân Bangladesh làm việc trong chuỗi cung ứng của H&M kiếm được trung bình 134 đô la/tháng. Con số này cao hơn mức lương tối thiểu nhưng chưa bằng một nửa mức lương 293 đô la/tháng mà công nhân may ở Campuchia kiếm được. Campuchia có mức thu nhập bình quân đầu người thấp hơn Bangladesh nhưng lương tối thiểu của công nhân may mặc lại cao hơn đáng kể.
Theo dữ liệu, công nhân trong chuỗi cung ứng ở H&M ở Ấn Độ kiếm được mức lương cao hơn 10% so với công nhân Bangladesh. H&M đang đặt hàng sản xuất quần áo từ Bangladesh nhiều hơn từ Ấn Độ hay Campuchia.
Trong báo cáo thường niên năm 2022, nhà sản xuất giày và quần áo Puma của Đức tiết lộ, mức lương mà các nhà cung cấp của Puma ở Bangledesh trả cho công nhân cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu, nhưng chỉ bằng 70% mức lương đủ sống, theo đánh giá của một tổ chức thuộc bên thứ ba. Ở một số trung tâm sản xuất khác của Puma, chẳng hạn như Campuchia và Việt Nam, mức lương trung bình của công nhân làm việc trong chuỗi cung ứng của thương hiệu này đã vượt quá mức lương chuẩn đủ sống. Theo Puma, điều quan trọng là phải có cách tiếp cận tập thể đối với vấn đề tiền lương vì thách thức này không thể được giải quyết bởi một thương hiệu duy nhất.
Ngành may mặc của Bangladesh sử dụng hàng triệu công nhân, chủ yếu là phụ nữ, và đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giảm nghèo. Nhưng ngành này cũng có lịch sử đối xử tệ bạc với người lao động. Sau vụ sập nhà máy may ở thủ Dhaka của Bangladesh, khiến hơn 1.100 công nhân thiệt mạng hồi năm 2013, các thương hiệu và nhà máy may bắt đầu thay đổi để cải thiện điều kiện làm việc.
Các tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động ghi nhận, môi trường làm việc ở các nhà máy may của Bangladesh đã an toàn hơn, nhưng họ cho rằng, lương của công nhân vẫn còn quá thấp.
Mosammat Champa Khatun, người làm việc trong một nhà máy may ở Bangladesh, đã tham gia các cuộc biểu tình gần đây để yêu cầu mức lương cao hơn. Mức thu nhập 110 đô la hàng tháng của cô chỉ đủ trang trải chi phí đi lại, thực phẩm và nhà ở ngày càng tăng.
“Với mức lương này, tôi không thể dành dụm tiền tiết kiệm,” cô bày tỏ.
Theo WSJ