(KTSG Online) - Tuyến metro số 1 TPHCM đã hoàn thành 93% khối lượng. Tuy nhiên đến nay, kế hoạch kết nối metro số 1 với hệ thống buýt, cầu vượt bộ hành và các phương tiện khác vẫn chưa tiến triển.
- Nhiều gia đình chọn mua nhà tại Thủ Đức, đón đầu xu hướng di chuyển bằng metro
- Chưa nâng cấp hệ thống thu phí tự động cho metro số 1 để đảm bảo tiến độ dự án
Tuyến metro số 1 TPHCM (Bến Thành – Suối Tiên) có 14 nhà ga, bao gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao có tổng chiều dài 19,7 km, bắt đầu từ nhà ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (thành phố Thủ Đức). Hiện ga Ba Son và ga Nhà hát thành phố cơ bản hoàn thành, ga Khu công nghệ cao dự kiến cuối năm 2022 cũng hoàn thành. TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng lắp đặt các nhà ga còn lại để đưa vào vận hành toàn tuyến cuối năm 2023 theo đúng kế hoạch.
Tuy nhiên, tuyến metro số 1 được xây dựng bên trái xa lộ Hà Nội theo hướng cầu Sài Gòn đi Đồng Nai, chỉ có dân cư ngay sát bên các nhà ga như Bến Thành, Ba Son, Thảo Điền, An Phú, An Khánh có cơ hội tiếp cận khi metro số 1 vận hành. Với những khu vực xa ga trên 2 km hoặc bên phải xa lộ Hà Nội, người dân muốn đi metro không thể dễ dàng băng ngang tuyến đường lớn, có lưu lượng giao thông cao rất nguy hiểm, do chưa có cầu vượt bộ hành.
Ngoài việc thiếu cầu bộ hành, một vấn đề nan giải mà tuyến metro số 1 phải đối mặt là làm sao giúp người dân đi đến được các nhà ga từ những nơi cư trú xa tuyến metro này khi chưa có phương án sử dụng xe buýt tuyến ngắn gom hành khách hoặc bãi trông giữ xe cho người dân tại các nhà ga.
Hơn 10 năm qua, giải pháp phát triển mạng lưới xe buýt để gom khách đi, đến các nhà ga metro số 1 được nhắc nhiều nhưng kế hoạch vẫn dậm chân tại chỗ. Một giải pháp vận tải chủ lực hỗ trợ cho metro số 1 là tuyến buýt nhanh BRT số 1 cũng đang “án binh bất động”.
Vừa qua tại phiên họp tình hình kinh tế-xã hội năm 2022 và kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2023, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) đang hoàn tất các thủ tục để khởi công xây dựng hàng loạt cầu bộ hành nối trực tiếp từ nhà ga metro số 1 băng qua bên kia đường xa lộ Hà Nội. Ngoài nhà ga Suối Tiên (hiện hữu đã có cầu vượt bộ hành), các ga khác như ga Khu công nghệ cao, Thủ Đức, Bình Thái, Phước Long, Rạch Chiếc, An Phú, Thảo Điền đều sẽ phấn đấu xây dựng xong cầu vượt bộ hành trong năm 2023.
Cùng với cầu vượt bộ hành, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông công cộng TPHCM cũng đề xuất Sở Giao thông Vận tải cho phép tái cấu trúc toàn bộ hệ thống xe buýt quanh tuyến metro số 1.
Theo đó ngoài việc tổ chức, điều chỉnh các tuyến xe buýt dọc tuyến metro số 1, trung tâm sẽ bổ sung 18 tuyến buýt nhánh, buýt gom tạo thành một hệ thống giao thông hợp nhất đa phương thức, ưu tiên loại phương tiện nhỏ và sử dụng nguyên liệu điện để thu hút hành khách hợp lý hơn.
Sở Giao thông Vận tải trong năm 2023 sẽ triển khai xây dựng bãi đậu xe buýt tại 2 vị trí là ga Văn Thánh và ga Bình Thái. Tại 5 nhà ga: Văn Thánh, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái có diện tích đất phù hợp sẽ xây dựng các bãi đậu xe cá nhân để phục vụ người đi xe đạp, xe máy, ô tô cá nhân chuyển đổi phương tiện tại ga metro.
Ngoài ra, sẽ hình thành thêm các lối đi bộ có mái che kết nối với các nhà ga; lối đi bộ dọc tuyến kết nối từ điểm dừng xe buýt đến giao lộ xung quanh và cải tạo vỉa hè, mảng xanh dọc các đoạn đường song hành, xa lộ Hà Nội nhằm tăng cường khả năng tiếp cận cho hành khách đi bộ tới các nhà ga.
UBND TPHCM đã làm việc với Bộ Xây dựng để nghiệm thu kỹ thuật, chuẩn bị cho đợt chạy thử 10 km đoạn trên cao vào tháng 12-2022. Dự kiến đầu năm 2023, metro số 1 sẽ chạy thử toàn tuyến, sau đó sẽ đưa dịch vụ tiện ích vào các nhà ga để khai thác thương mại cuối năm 2023.
Theo Cổng thông tin UBND TPHCM và TTXVN