Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khánh Hòa được định hướng là thành phố trực thuộc Trung ương

THái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29-3-2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương với định hướng phát triển trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế.

Nha Trang sẽ là đô thị loại 1 và Khánh Hòa sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 - Ảnh: TL

Theo Quyết định số 318/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch, Khánh Hòa có diện tích 5.137 km2 với 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 2 thành phố trực thuộc tỉnh, một thị xã và 6 huyện; dân số trên 1,2 triệu người và lấy kinh tế biển là nền tảng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Đến năm 2030, Khánh Hòa có 2 đô thị loại I là thành phố Nha Trang và Cam Lâm, Cam Ranh là đô thị loại II. Trong đó, Nha Trang sẽ là đô thị hạt nhân, Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics và huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

Cũng theo quy hoạch, huyện Vạn Ninh sẽ là đô thị du lịch biển cao cấp, thị xã Ninh Hòa được quy hoạch là đô thị công nghiệp và huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống...

Trong tương lai, Khánh Hòa được xác định là cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển. GRDP bình quân đầu người của địa phương thời kỳ 2021-2030 là 8,3%/năm, đạt nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.

TTXVN đưa tin, để đạt mục tiêu là thành phố trực thuộc Trung ương, Khánh Hòa sẽ tập trung theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ở địa phương này, kinh tế biển là nền tảng, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Tỉnh cũng định hướng phát triển đột phá vùng ven biển; phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng và miền núi; đẩy mạnh đô thị hóa đi đôi với phát triển hài hòa, đảm bảo kết nối đô thị - nông thôn; sử dụng hiệu quả không gian biển gắn với khu vực đất liền; hình thành các hành lang kinh tế kết nối không gian phát triển và tăng cường hiệu ứng lan tỏa, tham gia vào các hành lang kinh tế quan trọng quốc gia.

Khánh Hòa cũng xác định sẽ phát triển đột phá 3 vùng trọng điểm - động lực phát triển của tỉnh - là Khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh.

Theo Baochinhphu.vn, thành phố trực thuộc trung ương là đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh, nằm dưới sự quản lý của trung ương. Hiện cả nước có 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Một đô thị trở thành thành phố trực thuộc trung ương phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn được quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về phân loại đơn vị hành chính như: quy mô dân số từ 1.500.000 người trở lên; diện tích tự nhiên từ 1.500 km2 trở lên; cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định, trong đó mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt bình quân của cả nước; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đạt 90%...

 

1 BÌNH LUẬN

  1. Cuộc đời luôn có đầy rẫy những cuộc đua để cố giành lấy những danh hiệu nào đó. Đôi khi tưởng là hào nhoáng nhưng rỗng tuếch. Đáng buồn hơn là có những cuộc đua nhưng không rõ đích đến thực sự là gì ? Phần Lan được đánh giá là đất nước hạnh phúc nhất thế giới, ở đó người dân luôn trung thành với phương châm 3 Không: Không tự so sánh mình với ai/ Không tách rời mình với tự nhiên/ Không chia cắt mình với cộng đồng. Không biết ở ta, liệu có địa phương nào có sáng kiến cho cuộc đua giành danh xưng “Công dân hạnh phúc nhất”, hoặc “Địa phương hạnh phúc nhất”, thay vì từng địa phương phải đua nhau lên thành phố TƯ ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới