Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khát vọng trở về tự nhiên

Trung Chánh

(KTSG Online) – Hiện nay, xu hướng tiêu dùng thực phẩm nói chung và lúa gạo nói riêng không chỉ là ngon mà còn phải là an toàn và tương lai không xa là những sản phẩm tự nhiên, tức quá trình phát triển của cây trồng phải hoàn toàn tự nhiên, không can thiệp bằng hoá chất.

Đây cũng là con đường mà nhiều doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam, trong đó có Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An hướng đến, KTSG Online đã trao đổi với ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc công ty về hướng đi này.

KTSG Online: Trên trang chủ của trang web công ty ông có ghi “hành trình trở về tự nhiên”, ông có thể chia sẻ về thông điệp này?

Ông Phạm Thái Bình: Trong ngành hàng lúa gạo ở Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, mấy chục năm qua, sản xuất không còn được tự nhiên dựa trên những ưu đãi của thiên nhiên, tức cây lúa không phát triển tự nhiên dựa vào đất phù sa, dòng sông nước ngọt...

Hiện nay, việc canh tác lúa của người nông dân gần như mất hoàn toàn tự nhiên vì sử dụng phân, thuốc hoá học quá mức. Vì vậy, gần như 100% sản phẩm lúa gạo đều tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đâu đó có vài thửa trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ hoặc chuẩn GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế) hay sản xuất theo hướng xanh, sạch, bền vững của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra nhưng số lượng đó vẫn còn rất ít.

Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng hoá chất đã gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của cả người sản xuất và tiêu dùng. Trong đó, đã phát sinh nhiều loại bệnh xuất phát từ gạo không an toàn.

Trong khi đó, xu thế của thế giới và Việt Nam là phải tiêu dùng sạch, an toàn. Muốn vậy, không còn cách nào khác, chúng ta phải sản xuất an toàn, bền vững hay nói cách khác là trở về tự nhiên như ngày xưa, tức không sử dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật bằng hoá chất. Đây là khát vọng của công ty và chúng tôi đã bắt đầu thực hiện điều đó.

KTSG Online: Hiện nay, Trung An đang ở giai đoạn nào của “hành trình trở về tự nhiên”, thưa ông?

Trở về tự nhiên là điều chúng tôi mong muốn nhưng trong bối cảnh hệ sinh thái đã thay đổi, một diện tích đất lớn đã bị ngấm hóa chất, nước cũng nhiễm bẩn, thậm chí, nước ở thượng nguồn chảy về cũng bị ô nhiễm cho nên muốn trở về với thiên nhiên như ngày xưa là rất khó.

Nếu bên ngoài vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng hoá chất thì chúng tôi khó mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ, tức sản xuất theo kiểu trở về tự nhiên trên diện tích rộng mà chỉ theo quy mô nhỏ, trong phạm vi doanh nghiệp có thể cán đáng.

Do đó, đầu tiên Trung An chọn sản xuất với tiêu chuẩn đảm bảo an toàn và thứ hai là sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Sản xuất an toàn là kiểu cũng sử dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật nhưng phải đúng quy trình và có thời gian cách ly đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không còn tồn dư trong gạo. Đây là bước thứ nhất mà công ty đã đi gần 10 năm nay, với diện tích gần 1.000 héc ta.

Với sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ, chúng tôi đã được Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ thế giới cấp giấy chứng nhận từ năm 2008. Tuy hiện nay diện tích cho loại hình sản xuất này vẫn còn nhỏ, chỉ đạt được 100 héc-ta nhưng sắp tới, chúng tôi sẽ tăng lên 200 héc-ta.

Bên cạnh khó khăn hiện cũng có những thuận lợi là nhiều quốc gia thế giới và Việt Nam cũng đang phát động phát triển theo hướng thân thiện môi trường. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự hội nghị COP26 và cam kết với thế giới đến 2050 đưa Việt Nam là nước có chỉ số phát thải CO2 bằng 0.

Song song đó, Việt Nam cũng phát động canh tác (gồm nuôi cá và trồng cây ăn trái) và sản xuất theo hướng bền vững, tức là đi theo hướng sạch. Đây là những điều kiện thuận lợi cho những bước đi tiếp theo của Trung An.

KTSG Online: Được biết, Trung An cũng đang liên kết sản xuất sạch với nông dân. Vậy mô hình này đem lại lợi ích ra sao cho doanh nghiệp, nông dân và ngành lúa gạo Việt Nam?

- Vấn đề liên kết là phạm trù rộng hơn nhưng muốn sản xuất theo hướng bền vững thì mô hình liên kết là hữu hiệu nhất bởi người nông dân phải sản xuất theo yêu cầu của quy trình canh tác do doanh nghiệp đưa ra. Đây là bước ngoặt để “tẩy” bớt hoá chất ra khỏi đồng ruộng để trở về tự nhiên một cách nhanh hơn.

Ngoài lợi ích đó, liên kết còn giúp làm giảm chi phí sản xuất, giúp nông dân canh tác có kế hoạch, sản phẩm được đảm bảo ổn định để cung cấp cho người tiêu dùng một cách lâu dài và bền vững.

Thời gian gần đây, Chính phủ đã phê duyệt một số quyết định, đề án để ngành nông nghiệp, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cử Long (ĐBSCL) phát triển theo hướng xanh, sạch, thân thiện môi trường.

Trong đó, với ngành lúa gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai dự án lúa - tôm, tức một vụ lúa - một vụ tôm. Đây là mô hình để bà con nông dân trồng lúa không hoá chất thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo vụ sau cho sản xuất tôm.

Ảnh: Trung Chánh

KTSG Online: Cụ thể, khi tính bài toán kinh tế thì mô hình liên kết này hiệu quả ra sao, thưa ông?

Nếu so sánh về hiệu quả kinh tế thì mối liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp trong mô hình này có hiệu quả rất cao.

Ví dụ, sản phẩm chúng tôi liên kết sản xuất với nông dân đang xuất đi châu Âu và xây dựng chương trình để vào Mỹ có giá trên 1.000 đô la Mỹ/tấn, trong khi giá gạo Việt Nam xuất khẩu hiện nay chỉ hơn 400 đô la Mỹ/tấn. Rõ ràng, riêng doanh nghiệp đã có hiệu quả cao rồi.

Người nông dân cũng được hưởng lợi vì được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá ổn định ở mức rất cao. Ở Vụ Thu Đông vừa rồi, mô hình sản xuất một lúa - một tôm, chúng tôi thu mua cho nông dân lên đến 8.500 đồng/kg lúa tươi. Đây là mức giá mà chúng tôi đã bao tiêu cho nông dân.

Nói tóm lại, mô hình liên kết sản xuất theo hướng xanh, sạch thân thiện với môi trường tất cả đều có lợi. Đặc biệt, điều lợi lớn nhất về xã hội là chúng ta có môi trường trong sạch.

KTSG Online: Về nhu cầu của thị trường, xu hướng tiêu dùng ra sao đối với lương thực, thưa ông?

Nếu nói về lương thực, trước đây người tiêu dùng Việt Nam chỉ cần ăn no và đủ thôi, nhưng bây giờ, vẫn muốn chọn ăn ngon và đặc biệt phải an toàn. Chính vì thế, trên các kệ hàng siêu thị, người tiêu dùng sẵn sàng mua các loại gạo giá 100.000 đồng/kg.

Đặc biệt, ở châu Âu, nếu gạo không an toàn là họ không nhập. Mỹ cũng thế, gạo không an toàn là không thể vào quốc gia họ được. Kể cả Malaysia hay một số quốc gia Đông Nam Á, xu hướng tiêu dùng đều phải là gạo chất lượng cao và họ sẵn sàng chấp nhận mua giá cao.

Hiện nay, Trung An xuất gạo chất lượng cao vào châu Âu và không những được thị trường này chấp nhận mà còn đặt hàng nhiều. Khách hàng đặt nhiều nên có khi chúng tôi không đủ để giao.

Khách hàng cũng có nhu cầu rất lớn với các sản phẩm bún, bánh phở làm từ gạo an toàn như thế này.

Như ở Đức, bây giờ người ta đặt hàng 5 container/tháng nhưng chúng tôi cũng chỉ có khả năng cung cấp 3 container. Đây là mặt hàng mới, được chế biến sau gạo cho nên trong thời gian tới công ty sẽ mở rộng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Rõ ràng, nhu cầu trên thế giới cho sản phẩm sạch là rất nhiều, không đáng lo về đầu ra.

KTSG Online: Ông có thể nói rõ hơn về việc Trung An xuất sản phẩm chế biến sau gạo vào châu Âu?

Sản phẩm gạo an toàn của Trung An được chúng tôi làm ra sợi bún, bánh phở, sau đó sấy khô, đóng gói và xuất khẩu. Chúng tôi đã xuất khẩu từ hơn một năm nay và sản phẩm sau gạo này có giá 2.000-2.500 đô la Mỹ/tấn, chứ không dừng lại 1.000 đô la Mỹ/tấn như xuất gạo thô.

Nói về nhu cầu, ở Hà Nội và TPHCM, khi chúng tôi đưa sản phẩm này ra, người tiêu dùng rất ưa chuộng và có nhu cầu rất nhiều. Thế nhưng, hiện nay chúng tôi cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường nội địa do xuất khẩu cũng còn đang thiếu.

KTSG Online: Thị trường có nhưng để mở rộng được mối liên kết doanh nghiệp, nông dân thì cần chính sách gì, thưa ông?

Chính sách thì đã thuận lợi rồi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đưa ra lộ trình mở rộng khi phê duyệt hai đề án về phát triển sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu ở vùng Tứ Giác Long Xuyên của ĐBSCL để thí điểm phát triển 50.000 héc-ta.

Đây là diện tích thí điểm trong đề án còn thực tế từ nay đến năm 2025, riêng Trung An sẽ làm từ 100.000 - 200.000 héc ta, đó là chưa kể Tập đoàn Lộc Trời cũng thực hiện khoảng 100.000-200.000 héc ta. Rõ ràng, ở đây có sự vào cuộc của bộ, ngành đến doanh nghiệp và người nông dân nên thời gian tới sẽ tăng tốc rất nhanh.

Mấy chục năm nay, đất nước chúng ta còn hạn hẹp về nguồn lực, phải đầu tư nhiều thứ nên có thể ĐBSCL được đầu tư ít hơn, thế nhưng, bây giờ Chính phủ đã tập trung nhiều hơn cho ĐBSCL, bao gồm cả nông nghiệp.

Nói tóm lại, việc gì cũng phải đúng thời cơ, thời điểm và đặc biệt nhu cầu thế giới bây giờ cũng khát khao sản phẩm sạch. Do đó, đây là thời điểm thích hợp nhất để phát triển và nhân rộng mối liên kết hợp tác. Tôi nghĩ, thời gian tới không chỉ dừng lại 10.000 - 20.000 hay 100.000 héc-ta mà mục tiêu của Hiệp hội ngành hàng lúa gạo là sẽ có 1 triệu héc-ta.

Khi Thủ tướng khi đến Kiên Giang làm việc về quy hoạch ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất và cơ bản cũng đã được đồng ý là làm 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Tôi nghĩ, từ nay đến 2025 khả năng chúng ta đạt được 50% là chắc chắn.

KTSG Online: Xin cảm ơn ông!

Tin mới