Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi biến đổi khí hậu trở thành vấn đề an ninh quốc gia

Đoàn Khắc Xuyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) Các cơ quan Chính phủ Mỹ bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh nội địa và Văn phòng Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ vừa công bố nhiều báo cáo phân tích về các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia do biến đổi khí hậu gây ra. Xin nhấn mạnh, đó là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Cơ quan Tình báo quốc gia đã lần đầu tiên đưa ra báo cáo phân tích biến đổi khí hậu sẽ tác động thế nào đến các cộng đồng xã hội và làm gay gắt thêm các xung đột địa chính trị. 11 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan, Myanmar, Colombia, Iraq, Honduras và Nicaragua… được xem là những quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương bởi sự bất ổn do biến đổi khí hậu gây ra khi các chính phủ bất lực trong việc xử lý các khủng hoảng lớn như hạn hán, lũ lụt… Xung đột cả bên trong lẫn với bên ngoài rất dễ bùng phát từ đó.

Nói chung, các bản báo cáo đã vẽ nên một tương lai u ám nhưng có thể dự đoán được: sự khan hiếm tài nguyên do biến đổi khí hậu góp phần dẫn tới xung đột nhiều hơn, gay gắt hơn ở trong và ngoài các quốc gia. Đặt trong tầm nhìn xa, rộng, biến đổi khí hậu trở thành vấn đề an ninh quốc gia là vì vậy.

Từ đó, lại nghĩ về mấy tin tức gần đây ở ta. Ngày 18-10, ông Ngô Vĩnh Phong, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ba Tơ, Quảng Ngãi, cho biết kiểm lâm cùng công an xã và trạm quản lý bảo vệ rừng huyện này vừa phát hiện 5 con voọc chà vá chân xám bị bắn chết. Con nặng nhất 15 ki lô gam và nhẹ nhất 5 ki lô gam.

Theo ông Phong, voọc chà vá chân xám tên khoa học là Pygathrix cinerea, thường sống ở rừng Trường Sơn thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai. Đây là một trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới, nằm trong danh sách cực kỳ nguy cấp và có tên trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới.

Tin khác: Công ty TNHH Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đang xây dựng trên lâm phần do đơn vị quản lý một ngôi nhà rộng hơn 250 mét vuông theo kiến trúc nhà dài, một trệt, một lầu hoành tráng. Tầng lầu của ngôi nhà có 9 phòng riêng biệt, được ốp lát toàn bộ bằng gỗ từ trần nhà, tường nhà và nền nhà. Các phòng trên lầu trong ngôi nhà được thiết kế như khách sạn nghỉ dưỡng, có bồn tắm thảo dược.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty Nam Tây Nguyên, xác nhận công ty có sử dụng gỗ để ốp một số hạng mục công trình. Số lượng gỗ nói trên được UBND tỉnh Đắk Nông cho phép công ty tận dụng sau bão vào năm 2019 với khối lượng khoảng 35 mét khối gỗ. Ngoài ra, công ty còn tận dụng thêm một số cây thông ngã đổ trong rừng… Vì là đơn vị tự chủ về tài chính nên công ty dự định xây dựng căn nhà làm trạm dừng nghỉ, phục vụ phát triển du lịch, có thêm nguồn thu để trả lương cho nhân viên công ty.

Tuy nhiên, việc xây dựng một căn nhà gỗ hoành tráng như vậy rõ ràng tạo nên một hình ảnh mâu thuẫn, không phù hợp với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị. Xây dựng ngôi nhà gỗ hoành tráng cạnh rừng cũng có thể gây nghi ngờ về tính pháp lý của gỗ rừng đưa vào sử dụng. Nếu muốn tận dụng, không bỏ phí gỗ rừng bị ngã đổ tự nhiên, sao không dùng để đóng bàn ghế cho học sinh chẳng hạn, sẽ hợp lý và tốt đẹp hơn.

Tất nhiên, vụ giết hại voọc chân xám và vụ xây nhà gỗ hoành tráng trên đất lâm nghiệp chỉ là hai vụ mới nhất trong vô số vụ tấn công vào thiên nhiên từ trước tới nay khiến môi trường sống ngày càng suy thoái.

Với cách nhìn quen thuộc và hạn hẹp ở ta, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường có lẽ chỉ được xem là vấn đề của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù các văn bản ở cấp cao hơn cũng có đề cập. Nhưng, với tình trạng rừng cạn kiệt, gây lũ quét và ngập lụt ở hạ lưu, làm thiệt hại sinh mạng và tài sản của dân mỗi mùa mưa lũ; với tình trạng thiếu nước, thiếu phù sa cho ruộng vườn do tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn, cộng với biến đổi khí hậu làm nước biển dâng dẫn đến xâm nhập mặn, hạn hán ngày càng gay gắt ở vùng đồng bằng… rất nhiều người dân đã phải rời bỏ quê nhà đổ về thành phố, vào các nhà máy, khu công nghiệp để mưu sinh. Từ đó lại làm nảy sinh những vấn nạn khác cho cả đô thị và nông thôn.

Nhìn ở tầm chiến lược lâu dài, không chỉ về kinh tế, dân sinh mà cả an ninh quốc gia, đó chẳng phải là vấn đề đáng được đặt ra tương xứng với tính cấp bách của những mối đe dọa hay sao?

1 BÌNH LUẬN

  1. Các nhà lãnh đạo thế giới đang tập trung lại Glassgow để hứa hẹn những mục tiêu kỳ vĩ cho biến đổi khí hậu. Tuy nhiên có những vấn nạn toàn cầu trước mắt cần phải cấp bách giải quyết, đó là chiến tranh/ nghèo đói/ bệnh tật/ tội phạm… Sẽ không thể giải bài toán biến đổi khí hậu nếu không tập trung sức giải quyết trước hết những vấn nạn nói trên. Đó chính là nguồn gốc dẫn đến sự chia rẽ toàn cầu. Một khi sự chia rẽ còn vô cùng trầm trọng thì không thể nói đến chuyện đoàn kết toàn cầu để cứu lấy trái đất ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới