Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khi big tech bị gắn ‘vòng kim cô’ bởi luật chống độc quyền

Mai Nguyễn Dũng (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các công ty lớn về công nghệ (big tech) như Apple, Google, Facebook, Amazon, Microsoft đang bị nhiều quốc gia trên thế giới kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua một loạt quy định và vụ kiện nhằm kiểm soát độc quyền và ngăn chặn hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.

Thực tế cho thấy, người dùng hiện nay gần như chỉ có một công cụ tìm kiếm duy nhất - Google. Yahoo gần như đã chết, Bing chỉ có một thị phần ít ỏi. Những ai sử dụng iPhone chỉ có thể tải ứng dụng thông qua Appstore mà không thể thông qua bất kỳ một bên thứ ba nào khác. Các trang web khi muốn sử dụng nền tảng điện toán đám mây cũng chỉ có vài ba lựa chọn ít ỏi: Amazon Web Services, Google Cloud và Microsoft Azure. Ba công ty này chiếm đến gần hai phần ba thị phần trong mảng này. Facebook gần như trở thành một “nhà nước”: vừa có quyền lập pháp (ban hành bộ Tiêu chuẩn cộng đồng), hành pháp (thực thi bộ tiêu chuẩn đó) và tư pháp (tháng 5-2021, Facebook đã thành lập Hội đồng giám sát nội dung - như Tối cao pháp viện).

Một loạt vụ kiện hướng vào big tech

Trước nỗi lo về quyền tự do lựa chọn của người dùng ngày càng bị thu hẹp, các nước đều áp đặt những quy định nghiêm ngặt đối với các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường/vị trí độc quyền. Các doanh nghiệp nắm thị phần có thể chi phối một ngành có những nghĩa vụ đặc biệt (special responsibility). Chúng không được thực hiện một số hành vi nhất định, trong khi những những công ty nhỏ hơn lại được phép. Đó chính là nền tảng cho một loạt vụ kiện chống lại big tech.

Châu Âu là một trong những nơi có nhiều nỗ lực chống lại các big tech nhất thế giới. Khi ra mắt hệ điều hành Windows XP, Microsoft đã đính kèm phần mềm Windows Media Player (WMP). Ủy ban châu Âu (EC) sau đó đã phạt Microsoft vì lợi dụng vị trí độc quyền để thực hiện loại trừ các doanh nghiệp khác ra khỏi thị trường cung cấp ứng dụng giải trí trên hệ điều hành này. EC cho rằng người dùng sẽ sử dụng WMP mặc định thay vì một ứng dụng của bên thứ ba nào khác.

Đang có nhiều nỗ lực để kiểm soát sự lớn mạnh của big tech. Các nỗ lực lập pháp liên tục được đề xuất, các vụ kiện được tiến hành thường xuyên. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng được hoan nghênh, nhất là dưới góc nhìn của lý thuyết về “hủy diệt sáng tạo”…

Google cũng bị EC gọi tên trong ba vụ kiện chống độc quyền khác nhau: Google Shopping, Google Adsense và Google Android. Ở vụ việc sau cùng, EC cáo buộc Google đã yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại cài sẵn nhiều ứng dụng do hãng này phát triển, thanh toán cho các nhà sản xuất một khoản tiền để cài đặt Google làm trình tìm kiếm mặc định, cũng như ngăn cản các nhà sản xuất cài một phiên bản Android khác không do Google chấp thuận. Mức phạt mà EC đưa ra là 4,34 tỉ euro, lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại.

Apple và Amazon cũng không nằm ngoài tầm ngắm của các cơ quan quản lý cạnh tranh. Tháng 11-2020, EC đã ra thông báo sơ bộ rằng Amazon đã vi phạm quy định về chống độc quyền do các hành vi bóp méo cạnh tranh trên các thị trường bán lẻ trực tuyến. Trong hai năm qua, Apple cũng phải chống lại một loạt vụ kiện từ chính phủ nhiều quốc gia, như châu Âu, Nga, Úc, Mỹ, Ý... Tháng 6-2020, EC cùng lúc mở hai cuộc điều tra nhắm vào nhà sản xuất iPhone vì bắt buộc người dùng phải sử dụng hệ thống mua hàng trong ứng dụng (in-app purchase) độc quyền của Apple, cũng như các điều khoản và điều kiện của dịch vụ thanh toán Apple Pay.

Các nỗ lực lập pháp chống lại big tech

Tần suất của các vụ điều tra và kiện tụng cũng như mức độ của các khoản phạt có xu hướng tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, điều đó dường như vẫn chưa đủ. Bên cạnh luật chống độc quyền, nhiều quy định pháp lý mới đã được đề xuất và ban hành, tạo ra các “vòng kim cô” siết lại các big tech.

Tháng 8-2021, Hàn Quốc thông qua luật áp đặt các hạn chế đối với chính sách thanh toán của Google và Apple. Các nhà phát triển giờ đây có thể tránh phải trả khoản hoa hồng 30% cho App Store hay Play Store khi cho phép người dùng thanh toán qua các kênh khác. Đứng trước một loạt vụ kiện, cả hai công ty đều cho biết họ sẽ cắt giảm tỷ lệ hoa hồng từ 30% xuống còn 15%.

Ở mức độ cao hơn, trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warran khẳng định: “Các công ty công nghệ lớn ngày nay có quá nhiều quyền lực - quá nhiều quyền lực đối với nền kinh tế, xã hội và nền dân chủ của chúng ta”. Bà đề xuất một kế hoạch nhằm giải tán (break up) và quy định big tech chặt chẽ hơn. Dù bà Elizabeth không thắng cử, nhưng quan điểm lập pháp của bà vẫn ảnh hưởng đến chính trường Mỹ hiện tại.

Tháng 7-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua một sắc lệnh hành pháp ngăn chặn các hành vi hạn chế cạnh tranh đối với big tech. Sắc lệnh thúc giục Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) “rà soát lại những vụ sáp nhập tồi tệ trước đây” mà các chính quyền trước đó đã chấp thuận, cũng như thành lập Hội đồng cạnh tranh Nhà Trắng để dẫn dắt các phản ứng của chính phủ trước sức mạnh ngày càng tăng của các ông lớn công nghệ.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 7 năm nay, Nghị viện châu Âu đã đã thông qua hai sắc luật quan trọng: Đạo luật về Dịch vụ kỹ thuật số (Digital Services Act - DSA) và Đạo luật về Thị trường kỹ thuật số (Digital Markets Act - DMA). Đây được xem là nỗ lực mới của EU, biến EU thành hệ thống tư pháp đầu tiên trên thế giới thiết lập một tiêu chuẩn toàn diện để điều chỉnh môi trường số.

Với mục đích thiết lập một sân chơi bình đẳng để thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, trong vấn đề chống độc quyền, DMA đã tạo ra khái niệm hoàn toàn mới: “người gác cổng” (gatekeeper). Đây là những công ty tạo ra nút thắt cổ chai trong thị trường đa bên, giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chúng kiểm soát toàn bộ hệ sinh thái số của người dùng, được tạo thành từ các dịch vụ nền tảng khác nhau như thiết bị phần cứng, thị trường trực tuyến, hệ điều hành, dịch vụ đám mây và công cụ tìm kiếm trực tuyến.

Những người gác cổng này sẽ phải tuân thủ một số nghĩa vụ và và hạn chế nhất định. Điều này xuất phát từ lo ngại về sức ảnh hưởng của big tech, vốn đã nổi lên như những người gác cổng trong thị trường kỹ thuật số với quyền năng hoạt động như những nhà hoạch định quy tắc riêng. Những quy tắc này đôi khi dẫn đến các điều kiện không công bằng cho các doanh nghiệp sử dụng các nền tảng này và ít sự lựa chọn hơn cho người dùng. DSA và DMA được kỳ vọng tăng cường pháp quyền và cung cấp sự bảo vệ tốt hơn cho công dân EU và mang lại cơ hội mới cho các doanh nghiệp EU trên không gian số.

Điều gì đang chờ đợi chúng ta?

Trong kỷ nguyên 4.0, khi ranh giới giữa trực tuyến và ngoại tuyến đang mờ dần, sự bành trướng trên không gian số còn kéo theo quyền lực trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả chính trị, kinh tế, xã hội. Vì vậy, các chính phủ và hệ thống pháp luật đang có nhiều nỗ lực để kiểm soát sự lớn mạnh của big tech. Các nỗ lực lập pháp liên tục được đề xuất, các vụ kiện được tiến hành thường xuyên phản ánh những quan ngại nói trên.

Tuy nhiên, những cố gắng không phải lúc nào cũng được hoan nghênh. Lý thuyết về “hủy diệt sáng tạo” (creative destruction) của nhà kinh tế học gốc Áo Joseph Schumpeter phát biểu rằng, áp lực cạnh tranh dài hạn quan trọng nhất đến từ các doanh nghiệp mới đang tiêu diệt các doanh nghiệp sẵn có thông qua việc hình thành sản phẩm và dịch vụ mới. Chính sách chống độc quyền hiện tại đã bỏ qua yếu tố này, với giả định rằng big tech đã bị dán nhãn có khả năng thống trị các lĩnh vực trên môi trường số một cách vĩnh viễn.

Nghiên cứu từ lịch sử của Myspace, Nokia, Kodak, Apple’s iTunes, Microsoft’s Internet Explorer cho thấy rằng sự độc quyền sẽ không được duy trì mãi mãi. Tất cả các doanh nghiệp này đều chứng kiến ​​thị phần của họ tan rã khi đối mặt với các sản phẩm và công ty mới sáng tạo. Điều này cho thấy rằng chúng ta có cơ sở để hoài nghi về chính sách chống độc quyền hiện tại đối với big tech.

(*) Khoa Luật UEH

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới