Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi các mạng viễn thông tìm kiếm nguồn thu từ ‘đám mây’

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trước sự phát triển của công nghệ, xu hướng dịch chuyển cuộc gọi thoại truyền thống sang sử dụng các phần mềm gọi điện (Zalo, Viber…) đã làm cho các mạng viễn thông bị sụt giảm nguồn thu rất lớn. Để tồn tại, các nhà mạng buộc phải chuyển sang cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) và hiện mảng dịch vụ này đang trở thành “cứu tinh” cho họ.

Triển lãm giới thiệu giải pháp thành phố thông minh của Viettel. Ảnh: DNCC

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ “trên mây”

Thời gian gần đây, thông tin các nhà mạng hợp tác với các bộ ngành, tỉnh thành để tư vấn, cung cấp dịch vụ CNTT, chuyển đổi số được công bố ngày càng nhiều. Trong đó Viettel và VNPT là hai nhà mạng khá nhanh trong việc dịch chuyển sang đầu tư cung cấp dịch vụ số.

Cách đây hai tháng, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel đã ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud và trở thành doanh nghiệp nội địa cung cấp dịch vụ điện toán đám mây với quy mô lớn.

Viettel Cloud bao gồm trung tâm dữ liệu (data center), các nền tảng công nghệ, các phần mềm dịch vụ cho đến các công nghệ bảo mật, dịch vụ tư vấn, quản trị, vận hành… với tổng hơn 70 sản phẩm dịch vụ trải rộng từ các dịch vụ ở mức hạ tầng vật lý như cho thuê chỗ đặt máy chủ, cho tới các nền tảng dịch vụ như các nền tảng trí tuệ nhân tạo và nền tảng internet vạn vật.

Viettel Cloud sở hữu hạ tầng trung tâm dữ liệu nhất Việt Nam, với 13 trung tâm dữ liệu, quy mô hơn 9.000 rack trên 60.000 m2 mặt sàn. Tới năm 2025, Viettel Cloud sẽ được đầu tư thêm 10.000 tỉ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Theo lộ trình, tới năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỉ đồng với quy mô 34.000 rack.

Để cung cấp được dịch vụ công nghệ số như trên, Viettel Cloud sở hữu đội ngũ kỹ sư, chuyên gia về điện toán đám mây tại Việt Nam với quy mô trên 500 nhân sự cùng với gần 1000 nhân sự công nghệ thông tin, quản trị mạng và an toàn thông tin.

Nhờ nỗ lực đẩy mạnh cung cấp dịch vụ CNTT, năm 2022 doanh thu của Viettel tăng trưởng 6,1%, doanh thu hợp nhất đạt 163,8 ngàn tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 43,1 ngàn tỉ đồng (tăng 3% so với năm 2021), nộp ngân sách nhà nước 38 ngàn tỉ đồng (tương đương năm 2019 – trước đại dịch Covid). Trong đó, doanh thu từ các giải pháp CNTT của Viettel tăng trưởng 58% trong năm qua. Khách thuê bao Viettel Money phát triển mới tăng gấp 6 lần so với các năm, vượt mốc 5 triệu.

Cùng với việc tiếp tục chuyển đổi số cho các ngành giáo dục, y tế, giao thông, Viettel đã triển khai trung tâm điều hành thông minh cho chính quyền 35 tỉnh/thành phố, xây dựng trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) cho 20 tỉnh/thành phố. Không chỉ cung cấp giải pháp, Viettel trở thành đối tác tư vấn chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trở thành nhà cung cấp dịch vụ số, Viettel hiện đã phục vụ hầu hết người dân Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu của Brand Creativity, có tới 73% người được hỏi ngẫu nhiên hiện đang sử dụng ít nhất một dịch vụ do Viettel cung cấp.

Tại một sự kiện mới đây, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel nói: “Văn hoá Viettel đã xây dựng một thái độ độc đáo: luôn tìm thấy cơ hội trong khó khăn, sẵn sàng đối diện với thách thức để phát triển.”

Sở dĩ ông Thắng nói như trên vì từ cách đây vài năm, Viettel đã nhanh chóng dịch chuyển sang mảng CNTT khi nhận thấy doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống sụt giảm.

VNPT cũng là nhà mạng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ CNTT cho khách hàng. Ảnh chụp một phòng giao dịch của VNPT. Ảnh: DNCC

Sau Viettel, VNPT cũng là một trong những nhà mạng đầu tư mạnh cho cung cấp dịch vụ số. Năm 2022, tổng doanh thu của VNPT đạt 55.209 tỉ đồng, lợi nhuận 6.629 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt 5.228 tỉ đồng.

Trong đó, doanh thu một số nhóm dịch vụ số doanh nghiệp của VNPT có mức tăng khả quan so với năm 2021 như: hạ tầng số (tăng 57%), giáo dục số (tăng 74%), quản trị doanh nghiệp (tăng 68%). Năng lực hạ tầng cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu tăng 15%, hạ tầng điện toán đám mây SmartCloud tăng hơn 5 lần so với năm 2021.

Năm 2022, VNPT đã tìm cơ hội kí kết hợp tác với các bộ/ban/ngành trong triển khai các dự án chuyển đổi số. Song hành cùng các địa phương trong xây dựng chính quyền số, đến nay VNPT đã cung cấp trung tâm điều hành thông minh tại 40 tỉnh/thành…

Bên cạnh đó, VNPT đã cung cấp nhiều giải pháp công nghệ cho các doanh nghiệp lớn trong nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank…) và hợp tác với các tập đoàn lớn của nước ngoài (Nokia, Cisco, Microsoft, Qualcomm, NTT, Singtel, Hitachi…) để tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh mới, đồng thời nắm bắt các xu hướng công nghệ, thị trường và chuyển đổi số.

Tìm kiếm doanh thu từ các loại hình phi truyền thống

Trong ba nhà mạng lớn, hiện MobiFone có phần hơi chậm chân trong việc tìm kiếm những mảng doanh thu mới khi dịch vụ viễn thông truyền thống suy giảm mạnh.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2023 được nhà mạng này tổ chức vào đầu tháng một, chính thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đã nhắc nhở khi dịch vụ viễn thông truyền thống suy giảm mạnh thì MobiFone phải chuyển sang không gian phát triển mới.

Được biết, năm 2022 MobiFone đã tập trung phát triển 3 trụ cột là hạ tầng số, nền tảng số và dịch vụ nội dung số. Tháng 4-2022, MobiFone ra mắt hệ sinh thái tài chính số với dịch vụ ví điện tử MobiFone Pay và tiền điện tử Mobile Money. Hết năm 2022, MobiFone phát triển được 600 nghìn khách hàng đăng ký sử dụng các dịch vụ với doanh thu bán hàng trên 550 tỉ đồng.

Trong năm 2022, MobiFone đã đẩy mạnh định hướng “Make in MobiFone” và sản xuất công nghiệp, mang lại doanh thu tăng trưởng trên 60% so với năm 2021…

Tại hội nghị trên, nói về những khó khăn với doanh nghiệp này, ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch MobiFone cho biết năm 2022 là năm nhiều thách thức.  Dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại, nhắn tin SMS của giảm mạnh. Sau dịch Covid 19, khách hàng chuyển sang gọi điện nhắn tin trên các nền tảng OTT (như Zalo, Viber…) khiến doanh thu các nhà mạng sụt giảm.

Chủ tịch MobiFone dự báo năm 2023 sẽ là năm đầy khó khăn, dịch vụ OTT tiếp tục gây áp lực lên nhà mạng này làm giảm doanh thu. Tuy nhiên, MobiFone sẽ thực hiện kế hoạch mới và triển khai các sáng kiến nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển mở ra không gian mới, tránh phụ thuộc vào viễn thông truyền thống.

Còn ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone cho rằng nhiệm vụ sống còn của MobiFone phải là mở rộng không gian mới khi các dịch vụ truyền thống sụt giảm.

Đây cũng chính là lý do mà MobiFone lần đầu tiên đề cập việc đầu tư trung tâm dữ liệu tại Hòa Lạc, xây dựng hạ tầng số trong thời gian tới…

Ông Phạm Đức Long cho rằng giữa bối cảnh khó khăn, MobiFone phải đi bằng “hai chân”. Trong đó một chân bám vào dịch vụ cốt lõi là mảng di động và “thâm canh”, gia tăng trên tập khách hàng của mình, còn “một chân” mở sang dư địa mới. MobiFone cần đầu tư mạnh cho trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây vì đây là nền tảng hạ tầng số tương lai. Song muốn có điện toán đám mây phải có con người.

Được biết, để chuẩn bị nhân lực để đẩy mạnh cung cấp dịch vụ chuyển đổi số thời gian tới, MobiFone vừa đăng tuyển dụng 300 nhân sự CNTT. Nhằm thu hút nhân lực, MobiFone đưa ra mức thu nhập hàng năm lên đến 480 triệu đồng cùng nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn khác như: bảo hiểm chăm sóc sức khỏe với quyền lợi 8.000 đô la Mỹ, được ăn trưa… Các vị trí tuyển dụng khá đa dạng, từ lập trình viên, kỹ sư dữ liệu, chuyên viên kiểm thử phần mềm, quản trị cơ sở dữ liệu, vận hành hệ thống, an ninh thông tin… cho đến kỹ sư công nghệ thông tin internet vạn vật, chuyên viên phân tích dữ liệu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới