Khi các nhà sản xuất tranh nhau mua mẫu thiết kế
Hùng Lê
(TBKTSG Online) - Hai doanh nghiệp sản xuất và thương mại đồ gỗ lớn là AKA Group và Tân Thành Furniture đã tranh nhau tăng giá mua để được sở hữu mẫu thiết kế chiếc ghế của một sinh viên với cái giá mua được đẩy lên hơn gấp 10 lần so với giá ban đầu.
Đồ nội thất gỗ Việt trước thách thức 'cánh cửa' EVFTA
Thách thức 20 tỉ đô la xuất khẩu đồ gỗ, nội thất
Không khí của buổi đấu giá các mẫu thiết kế -Ảnh: Hùng Lê |
Tranh nhau đấu giá mua mẫu thiết kế
Sự "tranh giành" quyết liệt và sôi động này diễn ra trong khuôn khổ trao giải cuộc thi thiết kế đồ gỗ nội thất Việt Nam - giải thưởng Hoa Mai do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) tổ chức vào ngày 12-3. Đây cũng là lần đầu tiên các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đồ gỗ có cuộc đấu giá những sản phẩm thiết kế của những thí sinh đạt giải thưởng này sau 17 năm tổ chức giải thưởng. Cuộc thi chỉ dành cho sinh viên học ngành thiết kế ứng dụng và chuyên ngành nội thất.
Sau hơn chục lần hai bên giằng co thay đổi tăng giá mua, kết quả Tân Thành Furniture đã giành quyền sở hữu thiết kế chiếc ghế dựa (đạt giải nhì) với giá mua 42 triệu đồng trong khi giá đề xuất ban đầu chỉ 4 triệu đồng. Nhà thiết kế chiếc ghế này, Quách Minh Quân khá bất ngờ vì đây là lần đầu tiên anh tham gia "sân chơi" lớn này. Điều cậu sinh viên năm 3 ngành thiết kế nội thất (Đại học Tôn Đức Thắng) này ngờ đến là có doanh nghiệp muốn sử dụng thiết kế của mình để thương mại hóa sản phẩm và còn tranh nhau mua thiết kế với số tiền lớn hơn gấp 10 lần.
Trong khi đó, chia sẻ về sự quyết tâm bỏ số tiền lớn để sở hữu mẫu thiết kế này, ông Phạm Chân Quang, Giám đốc Công ty Tân Thành Furniture, cho biết chiếc ghế có thiết kế khá đơn giản nhưng đầy sự tinh tế và sang trọng. Ông Quang tin rằng sản xuất theo mẫu thiết kế này sẽ phù hợp với nhiều thị trường vì tính thẩm mỹ cao.
Lâu nay Tân Thành chuyên làm gia công sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, chưa có sản phẩm thiết kế riêng. Ngoài mẫu thiết kế trên, Tân Thành còn mua thêm bốn mẫu thiết kế khác của các thí sinh đạt giải trong cuộc thi này, trong đó có mẫu thiết kế phải mua đến 50 triệu đồng.
"Mua những mẫu thiết kế này, chúng tôi sẽ có những sản phẩm thiết kế riêng của công ty để giới thiệu đến khách hàng quốc tế nhằm tăng giá trị sản phẩm, thay vì chỉ làm gia công", ông Quang chia sẻ.
Nhà thiết kế với mẫu chiếc ghế có thiết kế được bán đấu giá từ 4 triệu lên 42 triệu đồng. Ảnh: Hùng Lê |
Tuy nhiên, từ mẫu thiết kế đến thành phẩm thương mại còn mất khá nhiều thời gian để điều chỉnh nhằm sản phẩm ra thị trường hoàn chỉnh nhất. Ông Quang kỳ vọng sản phẩm chiếc ghế này cùng những mẫu thiết kế khác sẽ có sản phẩm trên thị trường vào quí 4 tới.
Ngoài Tân Thành, một số nhà sản xuất đồ gỗ, nội thất và kinh doanh đồ gỗ khác như AA Corporation, Gỗ Trường Thành, AKA Group, Công ty Chân Chính, Hanpdpick,... cũng sở hữu một số mẫu thiết kế hoặc sản phẩm của các thí sinh từ việc tham gia đấu giá này.
Đại diện Công ty AA cho biết tính ứng dụng thực tế của một số mẫu thiết kế này khá cao, nên công ty có kế hoạch sử dụng để đưa vào sản xuất nhằm thương mại hóa ra thị trường.
Tăng giá trị từ khâu thiết kế
Lâu nay, phần lớn các doanh nghiệp trong nước hoạt động ngành này chủ yếu làm gia công theo đơn hàng của nhà nhập khẩu, dựa vào những mẫu thiết kế sẵn. Việc có đến hơn 20 nhà sản xuất sản phẩm đồ gỗ góp mặt và cùng tham gia đấu giá đề giành quyền sở hữu những mẫu thiết kế là chuyện lâu nay chưa hề có ở thị trường trong nước.
Động thái này, theo Tổng Thư ký HAWA, ông Nguyễn Chánh Phương rằng bản thân doanh nghiệp nhận thấy cần phải chuyển đổi để nâng cao giá trị sản phẩm, nhất là khâu thiết kế vốn mang lại nhiều giá trị gia tăng trong sản phẩm.
Điểm đáng chú ý, theo ông Phương, từng mẫu thiết kế đưa ra đấu giá với không khí khá sôi động bởi một số doanh nghiệp rất quyết liệt mong muốn được sở hữu khi nhiều lần tăng số tiền mua lên xa hơn giá đề nghị. "Điều này không chỉ thể hiện sự mong muốn đầu tư vào khâu thiết kế của các nhà sản xuất mà còn cho thấy các nhà thiết kế trong nước của ngành này cũng đang phát triển và đưa ra những mẫu thiết kế mang tính ứng dụng hơn", ông Phương chia sẻ.
Đánh giá về chất lượng chuyên môn của Hoa Mai 2019-2020, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, Trưởng ban giám khảo, cũng cho rằng các tác phẩm mùa giải năm nay đồng đều về chất lượng, có sự đột phá cao về tính ứng dụng và thương mại.
Ông Phạm Chân Quang liên tiếp nâng giá mua mẫu thiết kế chiếc ghế trên. Ảnh: Hùng Lê |
"Tất cả các sản phẩm đều cho thấy tiềm năng riêng khi xét theo các tiêu chí mà Ban tổ chức đặt ra. Nhiều sản phẩm tại Hoa Mai năm nay có thể sẽ xuất hiện trên thị trường", ông Khanh nhận định, và cho biết thực tế tất cả 22 mẫu thiết kế lọt vào chung kết và nhận giải thưởng đã được doanh nghiệp mua qua đấu giá, trừ 1 mẫu thiết kế không bán. Như vậy, trải qua 17 lần tổ chức, đây là năm đầu tiên mà các tác phẩm thiết kế đạt giải Hoa Mai sẽ được ứng dụng vào sản xuất.
Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ cả nước đạt 10,5 tỉ đô la, tăng 18 % so với năm trước đó. Ngành chế biến gỗ đặt mục tiêu đạt 20 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu vào năm 2025 như định hướng của Chính phủ và vươn lên thứ 4 những quốc gia xuất khẩu đồ gỗ nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, theo giới phân tích ngành không thể tiếp tục chỉ dựa vào giá trị sản xuất và khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế.
Mặt khác, giá đất đai cho phát triển công nghiệp khá cao dẫn đến việc đầu tư mở rộng quỹ đất cho sản xuất của doanh nghiệp hoạt động trong ngành ngày càng khó khăn hơn.
Giải thưởng Hoa Mai với định hướng tạo sân chơi chuyên nghiệp, tìm kiếm nhân tố thực tài, tôn vinh ý tưởng sáng tạo và cổ vũ xu hướng thẩm mỹ mới trong cộng đồng các nhà thiết kế trẻ Việt Nam. Qua đó sẽ góp phần vào thực hiện mục tiêu dài hạn của ngành gỗ nội thất trong nước.