Thứ hai, 16/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi chỉ có trời biết, đất biết!

Trần Duy Thành

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chúng tôi được trả công cho ngày làm 8-10 giờ với mức tối thiểu 26,73 đô la Úc/giờ, gọi là làm “bao giờ”; hoặc theo kiểu “ăn khoán” 3-5 đô la Úc/ki lô gam trong cùng quỹ thời gian. Vào mùa thu hoạch trái, mỗi người được phát một cuộn tem có in mã vạch để họ dán vào mỗi khay đựng trái đã hái của mình. Người giám sát sẽ quét mã vạch để theo dõi chính xác về chất lượng lẫn sản lượng trái hái được của mỗi nhân công. Nếu ai cẩu thả - không nhặt sạch sẽ, hay hái những trái còn xanh, hay làm trái bị dập… thì sẽ bị nhắc nhở hoặc phải nhận mức giá “ăn khoán” thấp hơn bình thường cho khay trái không sạch đẹp.

Hai bạn trẻ người Pháp (bên trái) và người Việt (bên phải) hái việt quất tại nông trại Western Berry ở Tây Úc. Ảnh: Nhanh Nguyễn

Thiệt tình là nếu như có ai đó dấy lên lòng tham thì chỉ với một thao tác nhanh trong tích tắc - lén dán tem của họ vào khay trái của người khác, lập tức thành quả sẽ thuộc về tay họ. Tôi từng chứng kiến một vụ tranh cãi um xùm, họ phân bua, thanh minh xem ai gian ai không… Giữa cánh đồng rộng lớn, có trời biết, đất biết, chứ khó có ai biết rõ sự tình để bênh vực cho ai.

Ở Úc, chúng tôi tham gia hội nông dân cùng làm việc với đa quốc tịch - Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Đài Loan, Bhutan và cả Việt Nam. Chúng tôi hay nói vui với nhau rằng chủ đã “bao giờ” thì chúng mình phải lao động với lòng tự trọng để đạt được kết quả xứng hợp với đồng công. Nhưng đã có ai đó dám làm những việc trái khoáy.

Sự việc kể trên khiến tôi suy tư về lòng người. Không ít lần trong cuộc sống, ta cũng bị dao động trước những sự lựa chọn giữa thật thà hay gian trá, giữa tư lợi hay công minh… Và tôi tin rằng khi ta theo tiếng của lương tâm thì ta sẽ biết suy nghĩ, phân định điều ngay lẽ phải.

Tôi cũng luôn tin rằng những ai có sự chuẩn bị hợp lý, chu đáo và đầy đủ thì họ sẽ xứng đáng được (gọi) đến nơi cần đến. Như chúng tôi đang làm việc ở Úc theo diện thị thực 462 với các yêu cầu: dưới 30 tuổi, có trình độ cao đẳng hoặc đại học, có chứng chỉ tiếng Anh, giấy khám sức khỏe tốt, tiểu sử bản thân và nhân thân minh bạch... Nhưng cũng có người không đáp ứng được điều kiện vẫn trót lọt qua được tới nơi.

Tôi từng nghe kể về câu chuyện “chạy” bằng cấp để nộp hồ sơ thị thực visa qua mạng. Bằng những thế lực nào đó, một bộ hồ sơ “chạy” được tạo ra với mức giá không hề rẻ. Liệu “người mua” có lối suy nghĩ “liều thì ăn nhiều” chăng? Rằng cứ “qua mắt” về thủ tục visa rồi qua xứ người chịu “cày cuốc” là có thể bù lại? Nhưng lại bằng cách nào đó, họ bị Bộ Di trú Úc phát hiện và gửi thư cảnh báo, cần xác minh hồ sơ.

Sự thật vốn không thể chối cãi nên kết cục mà ai cũng đoán được là họ bị buộc phải về nước, tiền mất, nợ còn mang, và tất nhiên, bị Úc “ngăn sông cấm chợ” kể từ đó!

Trong cuốn sách Con kiến xây của tác giả Nguyễn Đinh Khoa có một đoạn chia sẻ về quan điểm sống và tiền bạc mà tôi tâm đắc: “Tôi tin vào những đồng tiền chân chính được tạo ra từ thành quả của việc khát khao lao động, chứ không phải xuất phát từ thèm muốn vị kỷ và tính toan bất chính. Đồng tiền sẽ “đủ” ý nghĩa khi ta dành để phát triển bản thân, để giúp đỡ cộng đồng và người xung quanh với cái tâm nhiệt thành. Khi đó, đồng tiền khiến cho cuộc sống ta phong phú và có ý nghĩa hơn, tiếp thêm động lực để ta vững tay lèo lái con thuyền đời mình đến bến bờ viên mãn”.

Ai trong chúng ta cũng sẽ mang nghĩa vụ thiết thực của người trưởng thành, đó là tìm được công ăn việc làm chính trực để kiếm tiền và kiếm sống. Và khi ta sống và kiên định làm theo tiếng lòng, tiếng lương tâm ngay thẳng, thì chẳng điều gì có thể cản trở ta tiến về phía thành quả tốt lành.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới