Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khi cô giáo bị cưỡng chế ra khỏi lớp!

Nguyễn Hoàng Chương(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có thể nhận thấy nhiều giáo viên hiện nay đang mang tâm trạng của “kẻ độc hành”!

Năm học 2022-2023 này, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 triển khai cho lớp 10, việc tập huấn giáo viên thấy chỉ qua loa có mấy buổi. Dạy học theo sách giáo khoa mới, giáo viên nào cũng lo…

Dạy môn văn vốn đã khó khiến học sinh thích thú, mỗi giáo viên có mỗi cách giảng riêng: có người chuyên tâm với cái đích là kiểm tra, điểm thi; có người rất say sưa thuyết giảng, nhưng nhiều khi như… độc thoại; một số khác thì chăm chú “ứng dụng công nghệ thông tin”…

Mỗi cách giảng đáp ứng số học sinh này nhưng lại không đáp ứng số học sinh kia. Cùng một bài giảng, có lớp thích thú, có lớp thụ động. Và hoàn toàn có thể có tình huống bài giảng được học trò khen nhưng đồng nghiệp dự giờ thì… chê.

Thật là khó lắm! Nếu cứ dạy theo “đường xưa lối cũ” thì giờ dạy có thể trôi “ngọt lịm”, nhưng những cái cũ cần thay đổi vốn đã là viên thuốc đắng bọc đường. Còn đổi mới phương pháp thì đôi lúc học sinh không thích, thậm chí phản ứng. Mà đâu chỉ môn văn, dạy theo sách giáo khoa mới, các môn lý, hóa, sinh… đều chung cảnh ngộ.

Đứng trước “làn sóng” mới, mỗi giáo viên có sự đón nhận khác nhau: người linh hoạt, người cần thời gian để dứt quán tính cũ, có người vẫn bảo thủ… Do vậy, mỗi nhóm giáo viên cần có những biện pháp tác động phù hợp từ nhà quản trị để điều chỉnh phương pháp giảng dạy theo yêu cầu đổi mới.

Cho nên, việc giúp giáo viên trong công việc không ai khác hơn là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, các tổ (nhóm) chuyên môn, các đoàn thể trong nhà trường. Nếu việc này mà chậm, hoặc chưa được quan tâm thì giáo viên bị đẩy vào thế độc hành!

Với mô hình quản lý trường học hiện nay, sẽ là không thật lòng nếu nói rằng ban quản trị nhà trường chưa hiểu về giáo viên thuộc quyền. Để cho họ phải độc hành chỉ có thể quy vào sự thiếu tử tế, thậm chí là vô cảm - biết rồi, nhưng… để đấy.

Với cách quản trị ấy, giáo viên luôn đơn độc và áp lực lúc lên lớp, bên cạnh đó còn tiềm ẩn bao mối mâu thuẫn phi tích cực trong nhà trường, như căng thẳng trong các quan hệ, bức bối trong giải quyết các “vấn đề”. Sự vụ lùm xùm cô giáo dạy văn tại một trường ở Huế bị cưỡng chế ra khỏi lớp mới đây phải chăng cũng là giọt nước tràn ly trong thực tế ở trường học hiện nay ai cũng “riêng một góc trời”(?).

Về sự vụ này, có thể có những sự nhìn nhận khác nhau, nhưng dù là gì thì giáo dục từ trời Âu sang đất Á luôn gắn với hình ảnh cao đẹp của người thầy, huống chi là ở xứ ta, nơi mà thứ bậc “Quân - Sư - Phụ” dù sao vẫn là một thứ “hương sắc” ghi dấu với nhiều thế hệ. Hành động xô đẩy người thầy, dù với lý do gì cũng là hành động không thể chấp nhận.

Nhìn ở góc độ quản trị, liệu đây có phải chỉ là vấn đề của các cá nhân trong cuộc? Nói cách khác, để xảy ra chuyện như vậy, liệu ban quản trị trường học có vô can? Trời có lúc nắng lúc mưa; biển cũng có hồi êm đềm, có khi sóng dữ. Học đường cũng vậy, một bộ quy tắc ứng xử luôn cần thiết và cần kiên trì biến nó thành thói quen của mọi thành viên.

Nội dung bộ quy tắc không phải được xây dựng để đối phó với các đợt kiểm tra mà nó cần đạt hiệu quả vận dụng thích hợp hoàn cảnh ở từng cơ sở. Mỗi trường học đều có nét riêng chỉ những người trong cuộc mới tường tận, nên các ràng buộc của quy tắc nhằm điều chỉnh một cách thích hợp hoạt động sư phạm của các chủ thể, đặc biệt là các vị lãnh đạo nhà trường.

Tuy vậy, cũng khó tránh một cách tuyệt đối chuyện xảy ra xung đột bất ngờ, những lúc đó, người đứng đầu cần có mặt để giải quyết theo hướng giữ gìn danh dự người thầy và không làm học trò tổn thương.

Hiện nay, học sinh hay đòi được đổi giáo viên bộ môn, thậm chí là giáo viên chủ nhiệm. Có ai đặt câu hỏi tại sao điều này không còn là chuyện hiếm? Nếu ban quản trị hiểu đội ngũ và đưa sự hiểu biết này vào việc cân nhắc trước những tác động để ngăn chặn từ xa những khả năng xấu khi phân công giáo viên thì hẳn sẽ giảm được đáng kể vấn nạn này; hoặc đã có những biện pháp kiểm soát thường xuyên và chặt chẽ công việc và hiệu quả giảng dạy của giáo viên.

Mục đích của tất cả những việc này là trợ giúp mọi người chu toàn phận sự của mình, với cách làm xuất phát từ sự thấu cảm, tình đồng nghiệp và tình yêu thương học trò. Quả ngọt của việc quản trị hợp tình hợp lý sẽ là kỷ cương, là sự an vui và tiến bộ của mỗi người dưới mái trường chung. Ngược lại, tính toán “bất ổn” có thể dẫn đến các hành vi lệch chuẩn, thậm chí làm xói mòn đạo lý chốn học đường.

Được biết sau những vụ bạo lực học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trương thành lập ban phòng, chống bạo lực học đường ở mỗi trường học. Việc này cũng cần thiết, song quan trọng hơn, cần tiếp cận vấn đề một cách toàn diện trong tác dụng tương hỗ giữa lãnh đạo trường học - tổ (nhóm) chuyên môn - giáo viên - học sinh - phụ huynh để tạo những cú hích đủ động năng cho chuyển động hướng tâm “Tiên học lễ, hậu học văn”. Không ai khác, chính những người chọn nghiệp “gõ đầu trẻ” cần phải sống đời sống đong đầy sự thấu hiểu và sẻ chia.

(*) Nhà giáo

1 BÌNH LUẬN

  1. Hết chỗ để nói nữa rồi. Hành vi cưỡng chế giáo viên không chỉ là phản cảm mà còn là khó có thể tưởng tượng. Hơn nơi nào hết, giáo dục là lĩnh vực mà ở đó sự mẫn cán/ thấu cảm/ văn minh… trong ứng xử học đường cần phải thể hiện một cách đầy đủ nhất. Tất nhiên, tất cả những điều này phải bắt đầu từ những con người đứng đầu, chứ không phải ai khác.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới