Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi địa phương ‘cát cứ giao thông’

Nam Hưng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Mãi cho đến chiều 11-10, cùng với Hải Phòng, thành phố Hà Nội mới bỏ quy định cách ly y tế tập trung đối với khách đến địa phương này từ TPHCM qua đường hàng không.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội vẫn giữ quy định cách ly tập trung 7 ngày với nhóm khách nói trên dù từ ngày 6-10 Bộ Y tế đã có công văn về việc áp dụng biện pháp phòng chống dịch đối với người về từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Trong đó nêu rõ người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm ngày đầu.

Tại Đà Nẵng, một chuyến bay phải chậm nhiều giờ do chờ… xác nhận từ địa phương trong khi trước đó một ngày, Cục Hàng không đã ban hành quy định, quy trình cụ thể để tiếp nhận các chuyến bay đến các cảng hàng không địa phương.

Và rồi, tính đến tối 11-10, trong khi Hà Nội, Hải Phòng… đã bỏ quy định cách ly y tế tập trung đối với người về từ TPHCM thì Gia Lai, Quảng Bình và Lâm Đồng yêu cầu hành khách bay đến từ TPHCM phải cách ly tập trung 7 ngày liên tục tại khách sạn, tự trả phí và thanh toán tiền xét nghiệm Covid-19. Điều này hoàn toàn có thể gọi là bất chấp các quy định của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải, chỉ đạo của Chính phủ.

Có thế thấy, từ đầu tháng 10-2021, TPHCM và các tỉnh lân cận đã nới lỏng các biện pháp giãn cách. Từ những kết quả khả quan ở các địa phương này, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cũng như Bộ Y tế đã đưa ra những quy định mới, liên quan đến việc di chuyển, cách ly tại nhà đối với những người đến từ khu vực trên.

Với hàng không, để mở lại các đường bay thương mại, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế và các địa phương đã họp bàn góp ý nhiều lần xây dựng quy định tạm thời về triển khai các đường bay nội địa chở khách định kỳ. Trong giai đoạn ngắn ban đầu mở bay, Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra yêu cầu rất cao khi yêu cầu khách bay phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính và phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú khi đến. Tuy nhiên, vài tỉnh, thành phố vẫn yêu cầu các ly tập trung 7 ngày, sau đó là cách ly tại nhà, mọi chi phí cách ly khách phải tự chi trả. Điều này được nhiều người nhận định rằng mở ra như vậy chẳng khác nào không muốn cho người ta di chuyển.

Cũng là chuyện đi lại, tại các tỉnh, thành phía Nam, để nối lại một cách thuận tiện nhất có thể việc đi lại cho người dân, TPHCM đã chủ động gửi kế hoạch, đề xuất, đề nghị liên quan đến các tỉnh Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bình Dương nhiều ngày. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, một sự thống nhất giữa các địa phương vẫn chưa thể bởi mỗi địa phương đều đưa ra quy định giám sát y tế có phần khác nhau.

Không phải đến bây giờ sự không đồng thuận giữa các địa phương mới diễn ra mà từ cách đây vài tháng, việc không đồng bộ giữa các tỉnh, thành đã khiến hàng hóa khó thông thương khiến nơi thì thiếu, nơi thì thừa vì không tài nào bán được.

Thời điểm đó, dù Bộ Giao thông Vận tải đã có quy định về xe luồng xanh được phép vận chuyển hàng hóa nhưng ở mỗi tỉnh, việc cho xe (kèm tài xế, phụ xe) đi qua thì áp dụng quy định khác nhau. Có tỉnh, yêu cầu người trên xe phải có xét nghiệm nhanh covid-19 và cũng có tỉnh, xác nhận xét nghiệm được chấp thuận là xét nghiệm RT-PCR.

Trong đại dịch, cơ quan công quyền “mệt” là điều đương nhiên nhưng người dân, doanh nghiệp cũng đâu thể nào “khỏe”, nếu không muốn nói là nhiều người, nhiều doanh nghiệp sức cùng, lực kiệt. Dòng người từ thành phố lớn đã có những chuyến hồi hương bất đắc dĩ bởi không còn sức trụ lại thành phố và bởi nhiều doanh nghiệp đóng cửa, tạm dừng hoạt động.

Đành rằng, vì lý do để an toàn trước dịch bệnh, nhiều địa phương đã “be bờ, đắp đập” nhằm hạn chế tối đa ca nhiễm, nhưng trước các quy định của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch mà Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban thì mỗi địa phương lại hiểu theo một cách, hành xử theo một cách. Đến mức, trong phiên họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 sáng ngày 9-10, Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu giao thông thống nhất trên toàn quốc, "không cát cứ, không chia cắt".

Không có tỉnh, thành nào dám nhận là "cát cứ" nhưng có lẽ, sự e ngại quá đà hoặc mối lo trách nhiệm trước dịch bệnh khiến những quy định trở nên “nhùng nhằng” cho đến hai ngày sau, liên quan chuyện cách ly hay không cách ly.

Bấy lâu nay, chúng ta nghe nhiều về “hộ chiếu vaccine”, hiểu đơn giản là việc đi lại của công dân các nước sẽ được công nhận lẫn nhau dựa vào các quy định về y tế trong thời kỳ dịch bệnh. Trong nước, cũng có nhiều kế hoạch, phương án liên quan "hộ chiếu vaccine" được đưa ra nhằm chuẩn bị đón khách quốc tế đến du lịch, làm ăn. Tuy nhiên, khi chuyện đi lại nội địa vẫn còn nhiều thứ chưa thông giữa các tỉnh, thành thì lấy gì tính đến chuyện đón khách nước ngoài, cho một hy vọng đưa ngày bình thường trở lại?

1 BÌNH LUẬN

  1. Trên thực tế ngoại trừ vài tỉnh phía Nam, đa số các tỉnh vẫn có thể duy trì số ca mắc ở mức lẻ tẻ và có thể nhanh chóng truy vết dập dịch. Rất nhiều tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh vẫn phát triển kinh tế tốt theo cách này. Yêu cầu họ từ bỏ những công cụ hữu hiệu của họ như cách ly hay xét nghiệm trong khi tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt thì họ không thể hình dung được sẽ xảy ra chuyện gì. Chẳng có tấm gương nào trong nước cho họ thấy là sẽ tốt hơn ngoại trừ nguy cơ phong tỏa diện rộng và thiệt hại về người và kinh tế. Tốt nhất hãy thí điểm sống chung thành công ở một tỉnh để xây dựng một mô hình thích hợp, đến lúc đó tỷ lệ phủ vaccine đã cao thì cũng là lúc sống chung thật sự. Ai cũng muốn cuộc sống bình thường nhanh trở lại, nhưng mong muốn không là không đủ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới