Khi doanh nghiệp bắt tay với trường nghề
Hoàng Nhung
![]() |
Các học viên được đào tạo theo phương pháp “song hành” tại doanh nghiệp xử lý nước thải được đào tạo và thực hành theo tiêu chuẩn Đức vừa được cấp bằng tốt nghiệp tại trường Cao đẳng Kỹ nghệ II. Ảnh: Ralf Baecker |
(TBKTSG) – Hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và các trường nghề là xu hướng của những năm gần đây nhằm tạo nguồn lao động có thể đáp ứng nhanh nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác…
Khan hiếm lao động có tay nghề
Tại buổi tọa đàm về hướng nghiệp và khởi nghiệp giữa lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trường Cao đẳng Kỹ nghệ II và đại diện các doanh nghiệp diễn ra hôm 25-11, phía doanh nghiệp đã nêu lên thực trạng khan hiếm nguồn lao động có tay nghề cũng như những băn khoăn trong hoạt động hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp với trường nghề đang được thí điểm.
Ông Trần Văn Lợi, Giám đốc công ty TNHH Cơ khí Dân Tiến, chia sẻ hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thiếu nguồn lao động. Sinh viên ra trường một phần đi xuất khẩu lao động, một phần vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; còn lớp thợ cũ, lành nghề thì đã lớn tuổi mà chưa có lớp kế thừa.
Lãnh đạo một công ty sản xuất hàng nội thất cho biết việc tuyển dụng nhân sự của công ty trong những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tuyển đội ngũ thợ mộc. Trước đây, công ty tuyển học sinh tốt nghiệp lớp 12, thậm chí chỉ cần tốt nghiệp lớp 9 và doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo nghề mộc tại công ty. Nhưng nay công ty đã phát triển lên một quy mô lớn hơn và không thể tự tổ chức đào tạo nữa. Hơn nữa, dù là làm nghề mộc, người lao động vẫn cần có những kiến thức cơ bản về nội thất, về thiết kế, sản xuất… Công ty rất muốn tìm kiếm, đặt hàng ở các trường cao đẳng, trung cấp nghề nhưng trên thực tế, nhiều trường chưa đào tạo nghề mộc…
Lâu nay, trước thực trạng phần lớn sinh viên được đào tạo từ các trường nghề khi ra trường đều không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, hầu hết doanh nghiệp đã phải tự tổ chức đào tạo nguồn lực cho mình. Tuy vậy, giải pháp căn cơ và lâu dài được đặt ra vẫn là phải thu ngắn khoảng cách giữa chất lượng đầu ra của cơ sở đào tạo với yêu cầu đầu vào của lao động tuyển dụng vào doanh nghiệp. Những năm gần đây đã có hình thức hợp tác đào tạo (gọi là đào tạo song hành) giữa doanh nghiệp với các trường nghề nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, cho biết do nhà trường được cho cơ chế tự chủ về tài chính nên đã và đang kết hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức và một số đơn vị khác thí điểm đào tạo song hành với mong muốn sinh viên vừa được học kiến thức cơ bản tại nhà trường vừa được thực hành tại các doanh nghiệp, và khi ra trường họ có việc làm ngay.
Theo đó, từ năm 2014-2017, sáu giáo viên của trường này cùng 17 cán bộ tại các công ty xử lý nước thải ở Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Khánh Hòa, Cần Thơ và TPHCM đã tham gia một khóa đào tạo nâng cao theo tiêu chuẩn Đức. Đây là chương trình đào tạo bám sát nhu cầu thực tế của ngành xử lý nước thải với việc thực hành trên các thiết bị, máy móc ngay tại doanh nghiệp và làm được những việc mà doanh nghiệp yêu cầu. Vừa qua, 23 học viên của khóa đào tạo này đã nhận bằng tốt nghiệp “Kỹ thuật viên thoát nước và xử lý nước thải”.
Song hành như thế nào?
Theo bà Hằng, vấn đề khó khăn hiện nay là không có nhiều doanh nghiệp sẵn lòng tạo cơ hội cho sinh viên được thực hành chuyên sâu tại doanh nghiệp. Một điều chắc chắn, sinh viên thì không thể đạt kỹ năng, kỹ xảo như người lao động đã có kinh nghiệm và tay nghề đang làm việc tại doanh nghiệp, nhưng nếu không tạo cơ hội cho họ thì sự hợp tác đào tạo cũng không thể phát huy hiệu quả một cách tốt nhất. Bà Hằng cho rằng cứ một người lao động kèm cặp cho 1-2 học viên và có sự sắp xếp khoa học thì doanh nghiệp và nhà trường hoàn toàn có thể song hành đi đến mục tiêu.
Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng những chương trình đào tạo song hành cần tạo điều kiện cho sinh viên có một thời gian học và hành tại doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận với trang thiết bị, máy móc và điều kiện làm việc thực tế theo yêu cầu của doanh nghiệp. Ông Quân cho rằng việc này có lợi cho cả đôi bên.
Về phía doanh nghiệp, kể từ ngày 1-1-2018, người lao động thử việc từ 1-3 tháng sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, sử dụng lao động sinh viên trong thời gian thực tập thì không phải đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, tiền lương trả cho học viên cũng thấp hơn vì họ chỉ đang học việc. Bên cạnh đó, thời gian này là quá trình trải nghiệm sự gắn bó giữa đôi bên, làm cơ sở cho sự lựa chọn hoặc đi đến những quyết định giao kết sau này.
Về phía nhà trường, việc học viên được học đi đôi với hành giúp nâng cao khả năng thích nghi với công việc thực tế ngay sau khi ra trường. Đó là điều mà lâu nay các cơ sở đào tạo thiếu. Chưa kể sắp tới đây, điều kiện dành cho giảng viên ở các trường nghề là phải có kinh nghiệm làm việc tại doanh nghiệp một trong thời gian ngắn.
Cũng theo ông Quân, để các chương trình đào tạo song hành đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhà trường và doanh nghiệp phải cùng ngồi lại với nhau ngay từ đầu, từ khâu thiết kế ngành đào tạo, khung chương trình đào tạo, hệ tiêu chuẩn tuyển sinh, cho đến mối tương quan hợp tác, hỗ trợ nhau trong suốt quá trình đào tạo. Việc doanh nghiệp bỏ ra vài trăm triệu đồng để thực hiện một dự án đào tạo song hành với nhà trường tưởng chừng là một khoản kinh phí lớn, nhưng thật ra đó là tiết kiệm nếu đội ngũ học viên ra trường đáp ứng được yêu cầu và làm việc ổn định cho doanh nghiệp trong khoảng 3-4 năm.
Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, xã hội hóa trong dạy nghề đang là xu hướng.Việc hợp tác đào tạo song hành giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp có thể dưới nhiều hình thức: có thể là sự kết hợp trong một số chương trình đào tạo, cũng có thể là cùng nhau mở trung tâm đào tạo và cùng quản lý điều hành… Bộ cho biết theo định hướng đào tạo nghề của quốc gia, đến năm 2025 sẽ có khoảng 30% trường nghề thuộc khu vực ngoài công lập; cho phép các trường cao đẳng tự chủ về tài chính và kết hợp với doanh nghiệp nâng cao kinh phí hoạt động.