Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khí đốt đắt đỏ, doanh nghiệp Đức chuyển sang các nhiên liệu thay thế

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhiều doanh nghiệp sản xuất Đức đang dừng hoạt động để đối phó với sự gia tăng giá của năng lượng do Nga siết chặt nguồn cung cấp khí đốt, một xu hướng mà chính phủ Đức mô tả là “đáng báo động”. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác chuyển qua sử dụng nhiệt điện than hoặc cắt giảm sản lượng.

Một bãi tập kết than ở Rheinberg, Đức. Nhiều doanh nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu chuyển sang sử dung than thay cho khí đốt để có thể duy trì sản xuất. Ảnh: NY Times

Hôm 30-8, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức,  Robert Habeck cho biết ngành công nghiệp sản xuất đã nỗ lực để giảm tiêu thụ khí đốt trong những tháng gần đây, một phần bằng cách chuyển sang các nhiên liệu thay thế như dầu thô, hoặc cải thiện quy trình sản xuất theo hướng hiệu quả hơn và giảm sản lượng.

Nhưng ông bày tỏ lo ngại khi một số công ty cũng đã “ngừng sản xuất hoàn toàn” , một diễn biến mà ông nói là “đáng báo động”. “Đó không phải là tin tốt. Vì điều này có thể có nghĩa rằng các ngành sản xuất được đề cập không chỉ đang được tái cấu trúc mà đang trải qua một sự đứt gãy cấu trúc dưới sức ép rất lớn”, ông nói.

Bộ trưởng Robert Habeck nói rằng giá khí đốt tăng đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người, từ các công ty công nghiệp lớn đến các công ty thương mại nhỏ và các doanh nghiệp vừa Ông nói: “Bất cứ nơi nào năng lượng là một phần quan trọng của mô hình kinh doanh, thì ở đó, các doanh nghiệp đang phải trải qua nỗi kinh hoàng”.

Ông cho biết mô hình kinh doanh của các bộ phận sản xuất lớn của Đức dựa trên nguồn khí dồi dào từ Nga, rẻ hơn so với khí đốt từ các khu vực khác. Habeck nói lợi thế cạnh tranh đó, nếu quay trở lại, sẽ không diễn ra sớm.

Những phát biểu của  Robert Habeck  được đưa ra khi Nga bắt đầu đóng cửa đường ống khí đốt Nord Stream 1 sang Đức trong ba ngày để bảo trì. Tình trạng gián đoạn khí đốt này xảy ra khi các nước châu Âu đang tìm cách duy trì hoạt động của nền kinh tế dưới sức ép của giá năng lượng ngày càng đắt đỏ.

Giá khí đốt đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga lần đầu hạn chế giao khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 cách đây ba tháng.

Nhận xét của ông Habeck lặp lại những cảnh báo gần đây của Siegfried Russwurm, Chủ tich Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức (BDI) vào đầu tháng này rằng nhiều doanh nghiệp ở Đức đã phải dừng sản xuất vì “chi phí và thu nhập không còn phù hợp”.

Ông Russwurm cho biết các công ty Đức không chỉ chịu đựng giá năng lượng tăng cao mà còn các đợt tăng lãi suất gần đây ở Mỹ cũng như tăng trưởng suy yếu ở Trung Quốc, một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức.

Sự bi quan được thể hiện rõ trong một khảo sát gần đây của Viện Ifo, một tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức, cho thấy niềm tin kinh doanh của Đức đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp. Chỉ số niềm tin doanh nghiệp Đức trong tháng 9, dựa trên cuộc khảo sát hàng tháng với 9.000 doanh nghiệp, đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm

Một bài viết của tờ New York Times hôm 30-8 ghi nhận doanh nghiệp Đức đang xoay sở nhiều cách để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Chẳng hạn, họ chuyển sang sử dụng nhiệt điện than hoặc chuyển một số hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Thậm chí, họ xem xét các thỏa thuận chia sẻ năng lượng với các doanh nghiệp đối thủ.

Tập đoàn hóa chất BASF, có trụ sở ở thành phố Ludwigshafen, cho biết đang sử dụng dầu thô thay vì khí đốt trong hoạt động sản xuất đồng thời giảm sản lượng ở các nhà máy sử dụng nhiều khí đốt.

Hans Engel, Giám đốc tài chính BASF, tiết lộ tập đoàn đang dựa vào một nhà máy liên doanh sản xuất amoniac ở Freeport, bang Texas (Mỹ), nơi có chi phí sản xuất rẻ hơn vì giá khí đốt ở Mỹ thấp hơn rất nhiều so với ở châu Âu. Amoniac đóng một vai trò quan trọng trong sản xuất phân bón, nhựa và các sản phẩm khác.

Evonik, một công ty hóa chất chuyên sản xuất các sản phẩm được sử dụng trong tủ lạnh, kem dưỡng da mặt và dây đàn violin, cũng dựa vào khí đốt để cung cấp năng lượng cũng như trong các quy trình hóa học để tạo ra các sản phẩm.

Khi giá đốt bắt đầu tăng, các kỹ sư của Evonik đã xem xét những khâu sản xuất nào có thể cắt giảm sử dụng khí đốt. Nhưng giải pháp khả dĩ nhất là tiếp tục duy trì hoạt động nhà máy nhiệt điện than của riêng công ty này sau tháng 10, thời điểm mà nó được lên kế hoạch đóng cửa nhờ hai nhà máy nhiệt điện khí mới được đưa vào vận hành.

Christian Kullmann, Giám đốc điều hành Evonik, cho biết trên truyền hình Đức: “Chúng tôi đã xây dựng hai nhà máy điện khí mới tuyệt vời với kỹ thuật tốt nhất của Đức, nhưng nhận ra rằng chúng tôi không có bất kỳ nguồn khí đốt nào để cung cấp cho chúng”.

Không phải doanh nghiệp Đức nào cũng có một giải pháp như vậy trong tầm tay. Đối với những doanh nghiệp không có mối liên hệ trực tiếp với nguồn năng lượng, câu trả lời là giảm quy mô sản xuất và tìm cách chia sẻ tài nguyên.

Hãng xe Mercedes-Benz gần đây cho biết họ có thể cắt giảm tiêu thụ một nửa lượng khí đốt rồi chia sẻ lượng khí đốt tiết kiệm được với các nhà sản xuất khác trong khu vực thông qua thỏa thuận hợp tác. Và tại nhà máy lắp ráp xe của Mercedes-Benz ở TP. Sindelfingen, nơi sản xuất các mẫu xe EQS và S-Class, xưởng sơn có thể hoạt động mà không cần sử dụng khí đốt ở “chế độ khẩn cấp”.

Chính phủ có kế hoạch cho phép những doanh nghiệp sử dụng nhiều khí đốt bán đấu giá khối lượng khí mà họ không có nhu cầu sử dụng. Các khối lượng khí đốt này có thể được mua bởi những người sử dụng công nghiệp khác, hoặc các thành phố cần chúng để sưởi ấm nhà cửa.

Kế hoạch đó giả định rằng các công ty sẽ có lượng khí dư thừa mà họ có thể bán đấu giá. Nhưng một động thái như vậy sẽ làm tổn thương những doanh nghiệp nhỏ hơn vì họ không có đủ nguồn lực tài chính để đấu giá mua khí đốt.

Khi mùa đông đến gần, các ngành công nghiệp truyền thống tiêu thụ nhiều khí đốt có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thu hẹp quy mô hoặc ngừng sản xuất hoàn toàn. Nhưng đối với những doanh nghiệp đã tìm ra giải pháp, các nhà phân tích cho biết, những thay đổi có thể duy trì  lâu dài.

Theo NY Times, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới