Thứ Năm, 3/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Khi GAP từ ‘thực hành nông nghiệp tốt’ biến thành ‘kẽ hở’

Tân An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Thực trạng rau chợ dễ dàng khoác áo rau VietGAP và xuất hiện chễm chệ trên kệ hàng siêu thị được báo Tuổi Trẻ đăng tải trong tuần qua cho thấy đang có không ít kẽ hở trong quản lý hệ thống tiêu chuẩn này. Hậu quả là chữ GAP từ nghĩa gốc là “Good Agricultural Practices” (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) lại biến thành “gap” (kẽ hở, lỗ hổng) qua thực tế những gì được báo chí phanh phui. Tại sao tình trạng này lại xảy ra?

Một quầy rau ở siêu thị Co.opmart. Ảnh: N.K

Trên lý thuyết, hệ thống cấp chứng nhận VietGAP được quản lý rất chặt chẽ với đầy đủ quy định pháp lý có từ khá lâu. Đầu năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Quyết định 379/QĐ-BNN-KHCN về quy trình VietGAP. Đến năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11892-1:2017 Thực hành nông nghiệp tốt tại Việt Nam (VietGAP) do Cục Trồng trọt biên soạn, Bộ NN&PTNN đề nghị và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định.

Thế nhưng, qua quá trình người viết bài này đi tìm thông tin về VietGAP thì kết quả lại khá bất ngờ: Thông tin VietGAP hóa ra không dễ tìm chút nào, dù có hàng loạt văn bản với đầy đủ quy định về quy trình cập nhật thông tin và đầu mối quản lý việc này.

Thông tin tù mù một cách khó hiểu

Từ năm 2008, khi Bộ NN&PTNT công bố tiêu chuẩn VietGAP đến cuối năm 2015, tổng diện tích trồng rau VietGAP chỉ khoảng 3.200 héc ta, tương đương 0,4% diện tích trồng rau của cả nước(*). Đến cuối năm 2017 có 1.406 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với diện tích khoảng hơn 18.200 héc ta, trong đó diện tích rau VietGAP chỉ tăng nhẹ lên 3.443 héc ta.

Trong vài năm gần đây, diện tích được chứng nhận VietGAP trong trồng trọt tăng khá nhanh. Đến hết năm 2018 đã có gần 1.900 cơ sở trồng trọt có giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 81.500 héc ta. Theo báo cáo được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT công bố, tính đến giữa năm 2022, cả nước đã có 463.000 héc ta cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương, còn số đơn vị được cấp chứng nhận VietGAP là 6.211 cơ sở.

Thế nhưng, khi người viết bài này muốn tìm danh sách chi tiết những vùng trồng, các cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP và các tổ chức chứng nhận VietGAP thì không biết tìm ở đâu. Thông tin này không tìm thấy trên trang web của Bộ NN&PTNT. Trên trang web Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thì chỉ có con số thống kê đã dẫn ở trên trong bộ tài liệu hội nghị.

Tìm đến trang web Cục Trồng trọt thì có hẳn một logo ghi chữ VietGAP và link đến địa chỉ vietgap.gov.vn, tuy nhiên trang web này không tồn tại. Địa chỉ tên miền này được Trung tâm Internet Việt Nam ghi nhận là “được Cục Trồng trọt giữ chỗ”, như vậy nghĩa là chưa hề có trang web nào được xây dựng với tên miền này. Thông tin liên quan nhất đến VietGAP trên trang web cục này là bản danh sách các tổ chức chứng nhận VietGAP được đăng từ tháng 4-2019(**).

Trong quá trình tìm kiếm thông tin, người viết tìm thấy một trang web khác tại địa chỉ vietgap.com, thoạt nhìn có cảm giác như đây là trang web của cơ quan nhà nước phụ trách về VietGAP nhưng hóa ra không phải. Trang này lại trực thuộc Viện An toàn thực phẩm (FSI) mà viện này lại do Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert lập ra. Ngay cả tên miền vietgap.com cũng thuộc sở hữu của VinaCert.

Hóa ra, trang vietgap.com cũng chỉ là của một đơn vị cung cấp dịch vụ cấp giấy chứng nhận VietGAP. Tất nhiên vì lẽ đó, trên trang này chỉ có thông tin những đơn vị, vùng trồng do đơn vị này cấp chứng nhận mà thôi.

Với thông tin tù mù khó hiểu như vậy, thử hỏi người dân phải làm sao khi muốn kiểm tra một vùng trồng hay cơ sở có chứng nhận VietGAP qua các cổng thông tin công khai của nhà nước?

Trách nhiệm của ai?

Trước khi vụ mạo danh rau VietGAP được phát hiện, trên trang web hai doanh nghiệp được cho là cung cấp rau thường dán tem VietGAP vào siêu thị có rất nhiều thông tin giới thiệu về việc cung ứng rau VietGAP và cả rau hữu cơ.

Tuy nhiên, cả bên mua hàng lẫn cơ quan quản lý nhà nước về VietGAP đều không kiểm tra xem thông tin VietGAP có xác thực hay không. Thậm chí một doanh nghiệp trong số này còn giới thiệu trên trang của họ ảnh của giấy chứng nhận VietGAP được cấp từ năm 2011, tức hết hạn đã rất lâu nhưng không ai thắc mắc gì, đặc biệt là đơn vị mua “rau VietGAP”.

Về mặt quản lý nhà nước, Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định tại điều 4, việc cấp mã số chứng nhận VietGAP theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản, Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi. Như vậy, đầu mối quản lý và cấp giấy chứng nhận VietGAP là ba đơn vị này.

Đầu mối quản lý đã có, còn thông tin liên quan đến VietGAP thì sao? Theo Thông tư 18/2019/TT-BNNPTNT “Quy định việc cung cấp thông tin, cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt” có hiệu lực từ đầu năm 2020 thì khoản 1 điều 14 quy định Cục Trồng trọt là đơn vị “chủ trì, hướng dẫn tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo số liệu để tổng hợp, cập nhật, khai thác, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt trong phạm vi cả nước”.

Trong cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt, khoản 6 điều 6 có quy định thông tin về VietGAP, sản xuất hữu cơ do các tổ chức chứng nhận VietGAP chịu trách nhiệm cập nhật. Thông tin được cập nhật chi tiết gồm: Tên, địa chỉ trụ sở chính; địa chỉ sản xuất; đối tượng sản xuất, diện tích, sản lượng, loại hình sản xuất; số quyết định cấp giấy chứng nhận hoặc số của giấy chứng nhận.

Trong khi đó, cũng theo Thông tư 18/2019 thì Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chịu trách nhiệm cập nhật dữ liệu về tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận sản phẩm cây trồng đã đăng ký hoặc được chỉ định.

Đến đây thì các đầu mối chịu trách nhiệm về cấp phép VietGAP đối với rau quả đã rõ.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản là đầu mối cấp phép cho các tổ chức chứng nhận VietGAP.

Cục Trồng trọt chịu trách nhiệm về việc cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các vùng trồng, cơ sở kinh doanh rau quả VietGAP.

Như vậy, đến bao giờ các dữ liệu của VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt sẽ được cập nhật để người dân tra cứu dễ dàng? Đó là chưa kể đến dữ liệu của VietGAP trong hai lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản cũng phải tra cứu được tương tự.

Kẽ hở trong VietGAP chỉ có thông tin mới lấp kín được và có như vậy thì những vụ rau đội lốt VietGAP mới không còn đất sống.

(*) http://agritrade.mard.gov.vn/ViewArticle.aspx?ID=5155

(**) http://www.cuctrongtrot.gov.vn/TinTuc/Index/4343

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới