Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi giá bất động sản tăng cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động

Lê Hoài Ân (*) - Trần Thị Xuân Tiên (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sinh ra trong một gia đình có truyền thống đầu tư bất động sản một cách rất an toàn nên tôi cũng chứng kiến các tài sản đó gia tăng giá trị như thế nào trong suốt nhiều năm qua. Đầu tư bất động sản dường như là quyết định đúng đối với nhiều người khi giá đất lúc sốt dường như có thể sốt ở mọi nơi. Tuy nhiên, đằng sau mỗi quyết định đúng của mỗi cá nhân lại có thể góp phần biến thành liều thuốc độc cho nền kinh tế nói chung và mỗi gia đình nói riêng trong dài hạn.

Chúng ta không lạ gì với việc các gia đình chắt chiu từ tiền tiết kiệm để đầu tư những mảnh đất rồi chờ khi nào được giá sẽ bán lại. Đầu tư lô đất nào và ở đâu dường như trở thành một chủ đề phổ biến trong các câu chuyện của nhiều gia đình, hay thậm chí là trong các cuộc tán gẫu với bạn bè. Chúng ta cũng lại càng không lạ với việc các doanh nghiệp cũng chắt chiu từ lợi nhuận kinh doanh để đầu tư đất. Đầu tư bất động sản có một sức hút rất kỳ lạ đối với rất nhiều người, khiến nghề cò đất cũng trở thành nghề tay trái của nhiều người trong xã hội.

Bất động sản hạn chế năng lực cạnh tranh của quốc gia

Một điểm rất đặc biệt, bất động sản là một trong những ngành gia tăng dòng vốn đầu tư nhiều nhất trên sàn chứng khoán trong những năm qua, với mức chênh lệch rất lớn so với những ngành nghề khác. Trong khi đó, các doanh nghiệp các ngành nghề khác khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để phát triển công nghệ sản xuất, từ đó nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Lần đầu tiên lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã chạm mức 100 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập trước sức cạnh tranh yếu của hàng nội địa cũng góp phần minh chứng cho năng lực sản xuất chậm phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Quay lại lịch sử về các nền kinh tế phát triển nhanh ở châu Á, như Hàn Quốc hay Singapore, đều có những giai đoạn chính phủ đã có những chính sách rất mạnh tay để kiềm chế sự phát triển quá nóng của thị trường bất động sản. Nếu một thị trường phát triển quá nóng nhưng vẫn có thể duy trì bền vững thì nó sẽ tạo ra một sức ép rất lớn cho các hoạt động kinh tế thực của xã hội. Khi đó các doanh nghiệp kinh doanh sẽ phải gánh chịu các chi phí sản xuất lớn như chi phí đầu tư cho mặt bằng hay chi phí thuê mặt bằng.

Chúng ta có thể nhận ra những điều này khi với mức chi phí mặt bằng rất cao như ở TPHCM thì số lượng các doanh nghiệp có thể trụ lại và kinh doanh có lãi là không nhiều. Như vậy, quá trình bùng nổ kinh tế không chắc có thể mang lại các giá trị cho các doanh nghiệp, nhưng chính những chủ đất lại là những người được hưởng lợi lớn nhất khi giá cho thuê mặt bằng tăng bằng lần trong những năm qua.

Khuynh hướng để lại đất cho con cái xét về góc độ tài chính không có gì sai nếu như giá đất vẫn tiếp tục tăng như xã hội vẫn suy nghĩ, tuy nhiên thông qua cách làm đó thì dường như toàn bộ nguồn lực và tiết kiệm của xã hội đang được đầu tư vào các tài sản “bất động”, trong khi đó những kỹ năng kinh doanh, kỹ năng sản xuất và cả kỹ năng quản lý tài chính của công dân đang bị mai một, từ đó dẫn đến những người lao động thiếu năng lực cạnh tranh.

Nguồn lực của xã hội ứ đọng trong bất động sản cũng khiến cho nguồn lực để đầu tư phát triển lao động chất lượng cao bị hạn chế. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ chỉ tập trung vào các mô hình kinh doanh thương mại để thu lợi nhuận trong ngắn hạn. Điều đó sẽ có thể khiến năng suất lao động của quốc gia không thể duy trì ở tốc độ cao dù tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn cao hơn hẳn các quốc gia trong khu vực.

Lịch sử cho thấy trong những giai đoạn đầu phát triển thì các quốc gia đang phát triển như Hàn Quốc hay Trung Quốc duy trì một tốc độ tăng năng suất lao động rất nhanh. Trung Quốc thập niên đầu thiên niên kỷ duy trì tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm từ 8-10%, trong khi đó Hàn Quốc từ thập niên 1960-1990 cũng duy trì tốc độ tăng năng suất tương tự.

Do đó, khi so sánh với tốc độ tăng năng suất lao động trung bình hiện tại ở Việt Nam thì chúng ta đang tăng quá chậm, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp. Ước tính với tốc độ tăng trưởng thu nhập trung bình nói trên thì cũng phải vài chục đến cả trăm năm thì chúng ta mới có thể bắt kịp với thu nhập bình quân của những quốc gia như Singapore.

Bất động sản hạn chế nguồn lực của con người

Xét ở tầm vi mô thì việc cả cá nhân cũng đổ dồn vào việc đầu tư bất động sản khiến cho nguồn lực của các gia đình cũng chủ yếu nằm trong bất động sản. Nếu như năng suất lao động chỉ tăng ở mức sấp xỉ 5% ở trên thì mức tăng giá đất mỗi năm đều đang cao hơn rất nhiều.

Đó là lý do mới có một câu chuyện cười lan truyền trên mạng về việc bán đất cho con đi học, con đi học xong về làm lương 8 triệu/tháng trong khi giá đất đã tăng lên chục lần. Nó đang cho thấy những nghịch lý nhưng rất thực tế về câu chuyện sức lao động và giá trị bất động sản ở Việt Nam.

Các gia đình ở nước ngoài, thay vì để lại cho con những mảnh đất, sẽ cố gắng xây dựng những doanh nghiệp để lại cho con cái phát triển tiếp hoặc đầu tư một nền giáo dục tốt nhất để con có thể lựa chọn con đường của mình.

Khuynh hướng để lại đất cho con cái xét về góc độ tài chính không có gì sai nếu như giá đất vẫn tiếp tục tăng như xã hội vẫn suy nghĩ, tuy nhiên thông qua cách làm đó thì dường như toàn bộ nguồn lực và tiết kiệm của xã hội đang được đầu tư vào các tài sản “bất động”, trong khi đó những kỹ năng kinh doanh, kỹ năng sản xuất và cả kỹ năng quản lý tài chính của công dân đang bị mai một, từ đó dẫn đến những người lao động thiếu năng lực cạnh tranh.

Tài sản của con người không chỉ có tài sản tài chính mà bao gồm cả nguồn vốn con người tồn tại bên trong. Các nguồn lực con người này sẽ được chuyển hóa thành giá trị tài chính thông qua quá trình lao động. Một quốc gia có năng suất lao động tốt có nghĩa rằng một giờ làm việc của công dân quốc gia này có thể tạo ra một giá trị của cải vật chất lớn hơn các quốc gia khác.

Nguồn vốn con người không tự phát triển mà cần phải được vun đắp và đào tạo theo thời gian. Xét ở mỗi cá nhân thì chúng ta có nhiều cách để làm giàu, tuy nhiên xét dưới góc độ toàn xã hội thì chính nền kinh tế tri thức thông qua việc gia tăng năng suất lao động là yếu tố duy trì sự phát triển bền vững ở mỗi gia đình và ở mỗi quốc gia.

Nguồn vốn tri thức không thể sinh lợi nhanh như bất động sản khi mua đi bán lại, nó cần một thời gian tích lũy đủ lâu để hỗ trợ quá trình chuyển hóa. Năng suất lao động khác với bất động sản ở điểm nó không chỉ sinh lợi một lần mà lặp lại và duy trì qua các thế hệ, từ đó tạo ra sự thịnh vượng của quốc gia qua nhiều thế hệ.

Việc đầu tư bất động sản không sai ở góc độ của mỗi gia đình, đặc biệt là khi nó được quản lý tài chính tốt. Tuy nhiên, việc cả xã hội tối ưu hóa lợi ích tài chính thông qua việc đầu tư bất động sản sẽ khiến cho năng lực sản xuất của nền kinh tế nói chung và năng suất lao động của mỗi cá nhân bị kìm hãm trong suốt một thời gian dài. Cuối cùng, chưa từng có một quốc gia nào trên thế giới chỉ thịnh vượng nhờ vào việc mua bán bất động sản.

(*) CFA
(**) BUH

1 BÌNH LUẬN

  1. 1 nước thu nhập thấp nhưng giá nhà trên mây ,là 1 nền kinh tế đang xây trên nợ ,tất cả đều từ tiền vay ,lãi suất ngân hàng cộng vào giá nhà ,nền kinh tế bí đầu vay mới rót hết vào BDS ,chính sách dễ dãi nên toàn bán nhà trên giấy những khu nhà ương ương dỡ dỡ kiểu TQ ,họ chỉ dùng nó cho những khoản vay tiếp tục ,nợ trước trả nợ sau

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới