Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi kẻ cướp trở thành anh hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi kẻ cướp trở thành anh hùng

Lê Nam

(TBKTSG Online) - Báo chí hôm 1-2 đồng loạt đưa tin một tên cướp ở Bình Dương gửi trả 100 triệu đồng kèm thư xin lỗi nạn nhân. Dư luận dậy sóng, người khen đây là hành động tử tế, người kêu gọi miễn truy cứu vụ án.

Tóm tắt vụ việc, theo bản tin của báo VnExpress (ngày 1-2): Năm ngày trước, chị Phan Thị Bích Tuyền (25 tuổi, quê An Giang) chạy xe máy ở phường An Phú (thị xã Thuận An, Bình Dương) thì bị nam thanh niên áp sát, giật túi xách đựng 107 triệu đồng cùng 2 chiếc điện thoại. Chị này cố gắng đuổi theo nhưng không kịp nên trình báo công an.

Bất ngờ một ngày sau, bảo vệ UBND phường thấy túi xách đựng 100 triệu đồng cùng lá thư viết tay dài 3 trang giấy ở chốt trực. Người viết thư không để lại tên, tuổi nhưng thừa nhận mình đã gây ra vụ cướp và rất hối hận. Người này trình bày rằng đang nợ tín dụng đen vài triệu đồng. Do không có khả năng trả, bị chủ nợ đe dọa nên anh ta đã nghĩ quẩn làm liều.

Trên một số diễn đàn xã hội, nhiều người ngợi khen hành động của "anh cướp" là đàng hoàng, trung thực, xứng đáng noi theo. "Kẻ cướp chỉ lấy số tiền lẻ 7 triệu đồng, còn 100 triệu đồng xin trả lại cho người bị hại, kèm theo bức thư xin lỗi. Nếu được quyền bình chọn, tôi sẽ chọn đây là một trong những việc tử tế nhất trong năm 2018", trích ý kiến trên một tờ báo.

Chậm lại một chút trước dòng dư luận trên mạng xã hội và sự háo hức khi Tết cận kề, có thể thấy nam thanh niên thực hiện hành vi cướp giật là đáng thông cảm, song vẫn không thể bỏ qua việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xét về các đặc điểm của tội phạm hình sự, hành vi của nam thanh niên trên có đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội, tính có lỗi và tính trái pháp luật hình sự. Thứ nhất, tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi này thể hiện ở tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra (nạn nhân mất 107 triệu đồng; những ảnh hưởng tâm lý với cô gái này trong thời gian bị giật mất tiền). Xét về tình chất và mức độ lỗi thì hành vi trên thể hiện sự chủ động gây ra thiệt hại cho xã hội.

Tình tiết người này ăn năn, hối lỗi, viết thư xin lỗi nạn nhân và gửi trả lại tiền (mà bản chất của việc làm này cần phải điều tra, tìm hiểu mới có thể kết luận) chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, xét về lỗi, hành vi của con người để bị coi là phạm tội phải có sự kiểm soát của ý thức và sự điều khiển của ý chí. Ở đây, theo lời tự sự trong bức thư, hành vi cướp tài sản trên là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của anh ta (nhận thức được hành vi cướp giật là sai, có thể gây nguy hiểm cho người khác nhưng vẫn thực hiện).

Thứ ba, về tính trái với pháp luật, hành vi đã có dấu hiệu được quy định ở điều Điều 171 "Tội cướp giật tài sản" trong Bộ luật Hình sự (hiện hành). Ngoài ra, xét theo các giai đoạn thực hiện tội phạm, hành vi trên của nam thanh niên là "tội phạm hoàn thành". Hành vi này hoàn thành ngay khi anh ta đã giật đi túi xách có 107 triệu đồng, hai chiếc điện thoại. Do đó, việc anh này trả lại 100 triệu toàn bộ số tiền và đồ vật trong túi xách cũng chỉ là tình tiết giảm nhẹ.

Theo lẽ thường, đã có lỗi thì phải phạt. Hình phạt không chỉ là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước nhằm ngăn ngừa tội phạm, trừng trị người phạm tội mà còn mang mục đích phòng ngừa chung, giáo dục và cảnh báo với xã hội.

Đừng vội bàn hình phạt gì cho "anh cướp" trên (cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hay phạt tù) bởi đó là công việc của cơ quan tư pháp, nhưng cần khẳng định rằng: phải có hình phạt trong trường hợp này. Một hình phạt vừa đủ răn đe, cảnh tỉnh, vừa mang tính khoan hồng sẽ giúp anh ta có đủ thời gian suy nghĩ về sai lầm của mình để nỗ lực sống tốt hơn. Một sự phớt lờ, xuýt xoa cho qua vì một hành động mang vỏ bọc "chủ nghĩa anh hùng" hay được lái sang "chuyện hy hữu, bỏ qua đi" sẽ tạo một tiền lệ xấu trong xã hội.

Nếu cướp giật được quyền cho qua, chỉ vì hối lỗi và bù đắp lỗi lầm, thì mai kia sẽ có thêm nhiều vụ cướp giật, trộm cắp khác với những tâm thư, lời xin lỗi. Ngày mai, sẽ có nhiều người "tất tay" những hành vi sai trái bởi họ đã có thêm một màng bảo bọc mới: làm sai - ra sức ăn năn hối cải - được tha thứ.

Khoảng thời gian vài ngày từ khi bị giật túi xách đến lúc nhận lại nó, chị Phan Thị Bích Tuyền - nạn nhân của vụ cướp giật, có lẽ đã phải đứng ngồi không yên trong những ngày gần Tết. Sự mất mát lớn nhất của xã hội khi đó không phải là tiền, vật chất, mà hơn cả là sự nơm nớp lo sợ của người dân mỗi khi ra đường.

Dư luận cũng không nên quên hình phạt tù giam về tội "Cướp giật tài sản" của hai thiếu niên ở TPHCM cuối năm 2015. Vì đói nhưng không có tiền, Tuấn và Tân vờ mua bánh mì của tiệm tạp hoá rồi cướp túi bánh mì, bỏ chạy. Họ bị truy tố về tội cướp tài sản với hình phạt từ 3-10 năm tù giam. Và đến giữa năm 2016, Tuấn bị tuyên phạt 10 tháng tù giam, Tân 8 tháng 20 ngày về tội cướp giật tài sản.

Về tình thì đáng thương, nhưng về lý thì chúng ta hãy thượng tôn pháp luật.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới