Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi lúa mì là… “vũ khí không lời”!

Thiên Kim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Người tiền nhiệm của Tổng thống Nga Putin, và cũng là cựu Thủ tướng Nga, ông Dmitri Medvedev gọi lúa mì là một loại “vũ khí không lời”…

Trước hành động đưa quân vào Ukraine của Nga, nhiều quốc gia phương Tây đã gây sức ép với Nga bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này. Để trả đũa, Tổng thống Nga, ông Putin, đe dọa hạn chế xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu, như dầu lửa, khí đốt, phân bón, và đặc biệt là… lúa mì.

Người tiền nhiệm của ông Putin, và cũng là cựu Thủ tướng Nga, ông Dmitri Medvedev rất ủng hộ động thái này, và tuyên bố rằng: “Chúng tôi chỉ cung cấp lương thực và các thực phẩm nông nghiệp cho các quốc gia bè bạn”. Ông ta cũng gọi lúa mì là một loại “vũ khí không lời”.

Lúa mì – vũ khí không lời

Những gì xảy ra sau đó cho thấy lúa mì hoàn toàn có thể là một “vũ khí” quan trọng. Giữa tháng 5 vừa qua, Ấn Độ, quốc gia đứng thứ hai thế giới về sản xuất lúa mì (sau Trung Quốc), đã ra thông báo cấm xuất khẩu lúa mì, vì tồn tại những “mối đe dọa tới an ninh lương thực” của nước này. Có vẻ như Ấn Độ muốn đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho người dân và chỉ ưu tiên cho những quốc gia Nam Á láng giềng.

Rõ ràng là hiện nay, câu hỏi chính đặt ra không phải là có đủ lương thực hay không, mà là… ai có thể mua được, và ở giá nào?

Quyết định cấm xuất khẩu này đã làm cả thế giới hoang mang, góp phần làm mạnh hơn làn sóng “bảo hộ lương thực” do chiến tranh Nga – Ukraine gây ra. Ở Cộng hòa Chad, nơi phụ thuộc rất lớn vào lương thực nhập khẩu từ Nga và Ukraine, giá ngũ cốc và dầu ăn tăng vọt. Ngày 1-6-2022, Tổng thống nước này đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp lương thực và dinh dưỡng, kêu gọi sự trợ giúp thiện nguyện từ cộng đồng quốc tế. Ở nhiều nước châu Phi khác, như Kenya, Nam Phi, người dân đang phải đối đầu với sự thiếu thốn lương thực, thậm chí phải cắt giảm khẩu phần ăn hàng ngày. Tình trạng cũng không khả quan hơn ở nhiều nước Trung Đông, vốn cũng phụ thuộc khá nhiều vào lương thực xuất khẩu từ Nga và Ukraine (theo thống kê, hơn một phần ba lượng lúa mì mà các nước Trung Đông và châu Phi nhập khẩu là đến từ Nga). Nhiều chuyên gia cảnh báo nguy cơ bất ổn lương thực, có thể đẩy hàng triệu người vào nạn đói.

Tại sao tình trạng này có thể xảy ra, trong khi không hề có sự thiếu hụt lúa mì ở mức toàn cầu? Năm 2021, lượng lúa mì thu hoạch ở Nga và Ukraine chỉ chiếm khoảng 28% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu và lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu cũng chỉ chiếm khoảng 30% tổng sản lượng lúa mì trên toàn thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), cả Nga và Ukraine cũng chỉ sản xuất 13% lượng lúa mì toàn cầu, và nếu riêng Ukraine, thì chỉ là 3,7% mà thôi.

Không chỉ là một loại lương thực, lúa mì còn là biểu tượng của sự ổn định

Tuy nhiên, làn sóng “bảo hộ lương thực” và nguy cơ bất ổn lương thực đang diễn ra trên thế giới hiện nay có thể được giải thích từ một góc độ khác. Lúa mì không chỉ là một loại lương thực, nó còn là biểu tượng của sự “ổn định”. Ông Putin đã rất khôn ngoan khi chơi con bài tâm lý “hạn chế xuất khẩu lúa mì”.

Nhớ lại năm 2010, giá cả lúa mì tăng cao đột ngột do sản lượng lúa mì ở Nga sụt giảm, gây ra hoang mang và bất ổn trên toàn cầu. Ở nhiều thành phố như Dakar, Cairo, Mexico, bạo loạn thậm chí xảy ra vì nhiều người dân không có đủ tiền để mua bánh mì.

Có thể nói, lúa mì có thể được sử dụng như một “vũ khí tâm lý”, vì nó có thể tạo sự ổn định hay sự bất ổn ở nhiều quốc gia. Hãy lấy ví dụ Sudan. Năm 2018, chính phủ nước này đã áp dụng một số biện pháp thắt lưng buộc bụng và hậu quả là giá bánh mì tăng lên gấp ba. Năm 2019, làn sóng phản đối của người dân tăng cao, họ đổ ra đường tuần hành với biểu tượng chiếc bánh mì, và kết quả là sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Omar Al-Bachir. Những năm gần đây, khoảng 79% nhập khẩu lúa mì của Sudan đến từ Nga.

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng hệ thống lương thực quốc tế đang vận hành giống y như hệ thống… tài chính quốc tế thời trước năm 2008. Điều đó có nghĩa là một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có nguy cơ xảy ra, trong khi sản lượng lương thực sản xuất ra ngày càng dư thừa hơn.

Trên thực tế, từ khoảng 60 năm trở lại đây, lương thực toàn cầu sản xuất ra có thể đáp ứng đủ nhu cầu người dân thế giới. Vậy nhưng, tuy giá cả lương thực giảm đi nhưng bất bình đẳng trong xã hội lại gia tăng. Vì thế, nếu như nạn đói xảy ra, thì nguyên nhân thực chất không phải là do thiếu lương thực, mà chủ yếu là do một bộ phận người dân không đủ khả năng mua lương thực. Khi người ta sợ hãi thiếu hụt lúa mì, thì điều này lại làm cho giá cả lúa mì đột ngột tăng cao, và kết quả là những người yếu thế trong xã hội phải chịu hậu quả đầu tiên.

Đồng thời, khi một số quốc gia áp dụng giới hạn xuất khẩu để đảm bảo ổn định lương thực trong nước, động thái này lại góp phần tạo ra một sự “thiếu hụt” giả tạo, càng làm khủng hoảng trầm trọng hơn. Theo ông Arif Husain, chuyên gia của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), thì “Nạn đói xảy ra không liên quan tới việc sản xuất lương thực. Nguyên nhân chính là vấn đề tiếp cận lương thực”. Lần này cũng vậy, đe dọa của Nga cấm xuất khẩu lúa mì sang các nước “kém thân thiện” đã tạo ra làn sóng sợ hãi, người dân các nước đổ xô tích trữ lúa mì, giá lúa mì bị đẩy lên cao, trong khi thực tế thì sản lượng lúa mì toàn cầu hoàn toàn có thể cung cấp đủ lương thực cho cả thế giới. Tất nhiên, theo tờ Economist, hệ thống lương thực toàn cầu đã bị lung lay nhiều, do tác động của đại dịch Covid-19, của biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng. Cuộc chiến Nga – Ukraine chỉ làm trầm trọng hơn sự bất ổn này.

Sản lượng dư thừa, nhưng có nguy cơ khủng hoảng lương thực, vì sao?

Từ vài năm trở lại đây, nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng hệ thống lương thực quốc tế đang vận hành giống y như hệ thống… tài chính quốc tế thời trước năm 2008. Điều đó có nghĩa là một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có nguy cơ xảy ra, trong khi sản lượng lương thực sản xuất ra ngày càng dư thừa hơn. Trong hệ thống hiện nay, đóng vai trò quan trọng là các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu lương thực, hạt giống, phân bón. Nếu như các doanh nghiệp này quá gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau, thì hệ thống toàn cầu lại càng yếu ớt, theo nghĩa một biến động nhỏ sẽ có thể kéo theo sự sụp đổ của cả hệ thống lớn.

Hiện nay, bốn “ông lớn” lâu đời của Mỹ và châu Âu thường được gọi là nhóm ABCD (ADM, Bunge, Cargill và Louis Dreyfus) đang kiểm soát 90% thương mại ngũ cốc toàn cầu, mà chủ yếu là lúa mì, gạo, bắp và đậu nành. Các công ty này cũng đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực sản xuất hạt giống, phân bón, phân phối, mà hệ thống lương thực toàn cầu phụ thuộc vào. Các quốc gia trên thế giới hiện có thể chia làm hai nhóm: nhóm siêu nhập khẩu và nhóm siêu xuất khẩu, phụ thuộc lẫn nhau (65% lúa mì xuất khẩu trên thế giới tới từ 5 quốc gia, còn Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới). Con đường vận chuyển hàng xuất khẩu cũng đi qua những vị trí địa lý nhạy cảm. Tất cả các yếu tố này làm cho hệ thống lương thực toàn cầu hiện nay đang rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như môi trường, biến động chính trị. Một mắt lưới nhỏ có vấn đề, cả mạng lưới có thể phải chịu hậu quả.

Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đề xuất trên thế giới, như đa dạng hóa nông nghiệp, giảm lãng phí lương thực, thành lập tổ chức quốc tế về an ninh lương thực… Rõ ràng là hiện nay, câu hỏi chính đặt ra không phải là có đủ lương thực hay không, mà là… ai có thể mua được, và ở giá nào?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới