Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi màu sắc là… tài sản trí tuệ!

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Câu chuyện về màu sắc trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng đầy... màu sắc. Làm thế nào để sở hữu màu sắc?

Yves Klein đã sáng tạo ra công thức tạo ra màu xanh biếc IKB.

Màu sắc là một phần của cuộc sống. Màu sắc khơi dậy cảm xúc, lại mang nhiều ý nghĩa khác nhau, có thể có ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi cá nhân. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi màu sắc cũng là một yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Ví dụ như trong lĩnh vực thương hiệu, màu sắc được sử dụng để tác động đến tâm lý khách hàng, thu hút sự chú ý của khách hàng.

Mỗi thương hiệu nổi tiếng đều gắn với một màu sắc riêng, như màu đỏ của Coca-cola, màu xanh của Pepsi, màu vàng của Fanta... và việc “bảo vệ” màu sắc của thương hiệu cũng chính là bảo vệ thương hiệu. Rõ ràng, màu sắc là yếu tố hàng đầu trong việc xác định một thương hiệu.

Không chỉ thế, màu sắc còn có thể là một... tài sản. Tất nhiên, không ai có thể có quyền sở hữu màu sắc. Chúng ta chỉ có thể sở hữu công thức hay công nghệ sáng chế ra một loại màu mới nhờ vào đăng ký bằng sáng chế, chứ không sở hữu bản thân màu sắc đó. Để trở thành một tài sản, màu sắc cần phải là một kết quả của hoạt động sáng tạo của con người. Câu chuyện màu sắc trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng đầy... màu sắc.

Làm thế nào để sở hữu màu sắc?

Như nói ở trên, công thức hay công nghệ tạo ra một loại màu mới có thể là một tài sản đáng giá. Nếu đáp ứng các điều kiện để đăng ký bằng sáng chế, người chủ sở hữu công thức hay công nghệ này có thể đăng ký bằng sáng chế để được hưởng độc quyền khai thác sáng chế. Ngoài ra, ở Mỹ, Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) còn cho phép đăng ký bằng sáng chế thiết kế (design patent) cho màu sắc khi nó là một phần của sáng chế thiết kế.

Tất nhiên, không ai có thể có quyền sở hữu màu sắc. Chúng ta chỉ có thể sở hữu công thức hay công nghệ sáng chế ra một loại màu mới nhờ vào đăng ký bằng sáng chế, chứ không sở hữu bản thân màu sắc đó.

Nghệ sĩ người Pháp nổi tiếng sau Chiến tranh thế giới thứ 2 Yves Klein đã sáng tạo ra công thức tạo ra màu xanh biếc - có tên là “IKB” - International Klein Blue.

Công thức sáng chế ra IKB được ông bảo vệ bằng hình thức đăng ký “phong bì Soleau” tại Cục Sở hữu công nghiệp Pháp vào tháng 5-1960. Hình thức bảo vệ tài sản trí tuệ này cho phép ông được độc quyền sản xuất loại sơn có màu xanh IKB này, và vì thế gián tiếp “sở hữu” màu xanh này.

Năm 2014, Công ty Surrey NanoSystems tung ra Vantablack - một “màu” đen đến mức có khả năng hấp thụ 99,96% ánh sáng. Vantablack không phải một loại sơn mà là một lớp phủ đặc biệt được làm từ vô số các ống nano carbon siêu nhỏ. Vantablack được thiết kế để sở hữu đặc tính không phản xạ ánh sáng và được sử dụng cho các mục đích quân sự như sơn máy bay. Vantablack là một công nghệ mới, vì thế công ty Surrey NanoSystems đăng ký bằng sáng chế để bảo vệ sáng chế này.

Tuy nhiên, kể từ khi nghệ sĩ người Anh gốc Ấn Độ Anish Kapoor mua độc quyền sử dụng loại màu này trong nghệ thuật, thì câu chuyện Vantablack trở nên phức tạp hơn nhiều. Anish Kapoor dùng Vantablack để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật “ảo giác” vô cùng ấn tượng, gây tiếng vang trong giới hâm mộ nghệ thuật.

Tuy nhiên, nghệ sĩ này dùng độc quyền của mình để ngăn cản các nghệ sĩ khác tiếp cận và sử dụng vật liệu này để sáng tạo nghệ thuật, và vì thế gặp sự phản ứng khá dữ dội từ các nghệ sĩ khác. Để trả đũa Anish Kapoor, Stuart Semple, một nghệ sĩ người Anh đã sáng chế ra màu “hồng không thể hồng hơn” và cấm bán sản phẩm này cho... Anish Kapoor.

Trên trang web của Semple bán màu hồng Semple, người mua phải cam kết không phải là Anish Kapoor, có quan hệ với Anish Kapoor hay bán lại cho họa sĩ này. Câu chuyện không dừng lại ở đó, Stuart Semple lại tiếp tục chế ra loại màu đen riêng, cũng được coi là “đen không thể đen hơn” và tiếp tục bán cho các nghệ sĩ khác ngoài... Anish Kapoor. Hiện giờ, cuộc chiến “màu sắc” này giữa hai nghệ sĩ vẫn chưa kết thúc.

Nhãn hiệu và màu sắc

Tất nhiên, khi màu sắc là một phần của nhãn hiệu, nó cũng sẽ được bảo vệ bởi pháp luật về nhãn hiệu. Tuy nhiên, Luật SHTT các nước chỉ bảo vệ màu sắc của nhãn hiệu trong phạm vi hẹp. Việc sử dụng một màu sắc tương tự cho sản phẩm hay dịch vụ tương tự chỉ bị coi là vi phạm quyền về nhãn hiệu nếu việc sử dụng đó có nguy cơ gây nhầm lẫn ở khách hàng.

Gần đây, càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp đăng ký màu sắc như nhãn hiệu. Một trong những điều kiện để đăng ký nhãn hiệu là khả năng phân biệt của dấu hiệu. Khả năng phân biệt này cho phép người tiêu dùng phân biệt được hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp này với hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp khác.

Trong khi đó, màu sắc thường được người tiêu dùng nhìn như một yếu tố thẩm mỹ, chứ không hẳn là yếu tố để xác định nguồn gốc nhà sản xuất. Không chỉ thế, số lượng màu sắc là có hạn, việc công nhận màu sắc là một nhãn hiệu có thể gây cản trở việc sử dụng màu sắc ở các doanh nghiệp khác. Vì thế, các cục về SHTT ở các nước thường hiếm khi công nhận màu sắc như một nhãn hiệu, trừ một số trường hợp ngoại lệ.

Ví dụ, ở Pháp, Cục Sở hữu công nghiệp chỉ cho phép đăng ký nhãn hiệu là một “sắc thái” màu hoặc là sự kết hợp giữa nhiều sắc thái màu với nhau với điều kiện sắc thái này được xác định bởi một mã số màu quốc tế được công nhận (như mã màu Pantone).

Tùy theo khả năng phân biệt của nhãn hiệu màu trong từng trường hợp mà Cục Sở hữu công nghiệp Pháp đưa ra quyết định chấp nhận hay từ chối đăng ký. Ví dụ ở Pháp Hermes đã đăng ký thành công màu vàng cam như nhãn hiệu, cũng như Ikea với màu vàng pha xanh nổi tiếng.

Theo luật về nhãn hiệu của Mỹ hay của Anh thì màu sắc có thể được đăng ký như nhãn hiệu, nếu như nó có khả năng phân biệt, và không chỉ đơn giản vì mục đích trang trí hay sử dụng. Để chứng minh khả năng phân biệt của nhãn hiệu màu, người nộp đơn phải đảm bảo các bằng chứng rằng người tiêu dùng đã gắn liền màu sắc đó với sản phẩm, dịch vụ liên quan.

Theo Luật SHTT của Việt Nam thì màu sắc chỉ được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu khi màu sắc được kết hợp với hoặc được thể hiện dưới dạng dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình, để đảm bảo khả năng phân biệt của nhãn hiệu.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng, màu sắc của nhãn hiệu đã đạt được khả năng phân biệt, thì việc đăng ký màu sắc đó như nhãn hiệu ở Việt Nam sẽ dễ dàng hơn. Các trường hợp đăng ký một màu sắc duy nhất như nhãn hiệu thường bị Cục SHTT từ chối bảo hộ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới