Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi mẹ mời… “kết bạn”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi mẹ mời… “kết bạn”

Thanh Uyên

(TBKTSG) – Thế rồi cũng đến ngày tôi nhận được lời mời kết bạn của mẹ trên Facebook. Chấp nhận hay từ chối? Hay là block (chặn) tài khoản của mẹ? Bọn bạn tôi vẫn hay làm vậy khi thấy bóng dáng phụ huynh thấp thoáng trên cõi mạng. Có đứa còn kỳ công đi lập một tài khoản Facebook thứ hai chủ động kết bạn với bố mẹ. Thỉnh thoảng nó đăng vài cái ảnh lên cho ra vẻ Facebook mới đang hoạt động, nhưng lịch sử đời nó trên mạng xã hội nào có nằm ở đó.

Tôi lăn tăn quá chừng. Nỗi băn khoăn chưa dứt thì tôi đã nhận được tin nhắn trên Zalo “Sao chưa kết bạn với mẹ?”, kèm một cái sticker hình còn mèo ôm trái tim dễ thương. Dễ nếu năm phút nữa tôi không trả lời thì mẹ sẽ gọi video cho tôi lắm. Từ ngày có điện thoại thông minh rồi dùng mạng xã hội, mẹ tôi bỗng dưng bớt kiên nhẫn đi nhiều. Bà sẽ gọi cho tôi bất cứ lúc nào nếu thấy con gái quá lâu không trả lời. Bà cũng không còn gom chuyện để dành đợi khi nào gọi điện sẽ kể con nghe luôn một thể cho đỡ tốn tiền cước gọi.

“Giờ có công nghệ rồi cái gì cũng phải nhanh cho nó nóng”, mẹ kết luận.

Thế rồi tôi nhấn nút đồng ý kết bạn với mẹ. Tôi không muốn bà nghĩ ngợi nhiều, kiểu như “nó làm gì trên ấy mà phải giấu?”. Lý do khác, bây giờ tôi và mẹ ở cách nhau tám giờ bay, mỗi năm tôi chỉ về nhà một lần. Tôi thật lòng muốn biết cuộc sống xung quanh mẹ tôi hiện hữu ra sao, cuối tuần bà đi chơi với ai, hôm nọ bà có cắm hoa loa kèn không… Người già có chiếc điện thoại chụp hình “mướt” như mẹ tôi, thế nào chẳng cập nhật những hình ảnh, vài dòng tâm trạng hôm đi chơi với bạn bè; thấy điều gì thú vị mà chẳng chia sẻ lên “nhà”.

Bảy giờ sáng, mẹ vào bình luận ảnh đại diện tôi vừa đăng đêm qua: “Sao thức khuya quá vậy con? Cần phải ngủ sớm kẻo ốm”. Một chiếc link bài hát buồn được chia sẻ trên tường cũng có thể khiến mẹ tôi bồn chồn nhắn tin hỏi thăm. Và những người bạn của tôi. Những người bạn mẹ tôi chưa từng gặp mặt một lần nhưng nếu nhỡ mẹ có vô tình thoáng thấy họ lướt qua trên đường, hẳn là mẹ cũng sẽ nhận ra ngay. Thấy ai hay chụp ảnh cùng, ai hay comment trên Facebook của tôi, mẹ sẽ vào “nhà” từng đứa xem rồi thỉnh thoảng thấy đứa nào dễ thương, có vẻ thân với tôi, mẹ không ngại ngần gửi cho lời mời kết bạn.

Mẹ gọi bọn bạn tôi bằng tên trên Facebook. “Ôi cái Chi Nguyễn ở Anh chụp hình đẹp quá”, “Thằng Võ Hoàng viết duyên phết con nhỉ”, “Thằng Nam Ngờ (tức Nam Ng) ăn nói linh tinh, mẹ không hiểu gì cả”… Vậy là ở cách xa hơn mấy ngàn cây số, mẹ tôi biết từng đứa bạn của tôi, không thoát đứa nào. Và cả sếp tôi nữa. “Sếp của con khó tính thế mà có cô người yêu xinh nhỉ?”. Chị em tôi phải phong mẹ làm “thánh soi”.

Thật lòng, đôi lần, tôi cảm thấy bị mất tự do trên mạng xã hội vì mỗi nút like không thoát khỏi màn hình của mẹ. Nhưng đến giờ tôi vẫn không thấy ân hận khi trót làm bạn của mẹ trên Facebook. Mẹ an tâm hơn khi biết nhiều hơn về cuộc sống xa nhà của chúng tôi, về cuộc sống xung quanh nơi các con không gần mẹ. Những lo lắng dường như cũng vơi dần khi được nói chuyện với con hàng ngày.

Còn chúng tôi, cảm giác gần nhà, gần mẹ lại đến mỗi lần xem những bài đăng của mẹ. Cuối tuần rồi mẹ đi chơi ở đâu, cô đồng nghiệp của mẹ có còn thân với mẹ, nhà có gì mới… Người già về hưu như mẹ tìm thấy nhiều niềm vui trên mạng xã hội. Đó không còn là không gian ảo mà là nơi để họ kể những chuyện thường nhật, là nơi kết nối họ với con cháu, họ hàng, bạn bè.

Facebook không phải là công cụ duy nhất giúp khoảng cách địa lý rút ngắn lại, giúp chúng tôi nhìn thấy nhau mỗi khi nhớ nhung. Với chiếc điện thoại thông minh cùng Internet, mẹ dễ dàng chia sẻ mọi thứ với các con. Những cuộc gọi video giúp chúng tôi nhìn thấy mặt nhau, thay vì chỉ nghe giọng và mường tượng hình ảnh đầu dây bên kia. Mẹ có thể nhìn thấy cái chăn tôi đắp như hồi tôi còn ở nhà. Mẹ quay video những món hôm nay mẹ nấu, kể chuyện cô hàng xóm nay cưới vợ cho con, chuyện con chó ở nhà ham chơi đi lạc may tìm được… Sắm mới một cái điện thoại thông minh có camera sắc nét đã từng được chúng tôi bình chọn là “khoản đầu tư sáng suốt nhất trong năm” của gia đình.

Albert Einstein đã từng nói: “Tôi sợ cái ngày mà công nghệ sẽ lấn át sự giao tiếp giữa con người với con người. Thế giới lúc đó sẽ có một thế hệ toàn những kẻ đần độn”. Đó không phải là một tiên đoán sai. Tôi vẫn thường đọc thấy những câu chuyện về việc công nghệ, mạng xã hội đẩy con người xa nhau. Tôi từng chứng kiến những cuộc gặp mặt nhưng chẳng ai giao tiếp với nhau mà lại cắm cúi vào điện thoại. Có nhiều người dành nhiều thời gian kết nối và chia sẻ với những mối quan hệ trên mạng, dần quên đi những mối quan hệ thật sự.

Nhưng thật bất công nếu chỉ nhìn công nghệ như một thực thể tách rời con người. Việc sử dụng điện thoại thông minh như thế nào nằm trong tay bạn. Phía sau màn hình điện thoại đâu chỉ có mối quan hệ ảo. Đó còn là gương mặt hạnh phúc của bố mẹ khi được nhìn thấy con mỗi ngày dù cách nhau mấy múi giờ. Đó có thể là bức ảnh bữa cơm cuối năm mẹ muốn gửi cho con xem cho đỡ nhớ nhà. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới