(KTSG Online) – Ngày mai, 13-6, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) tổ chức “Diễn đàn ESG – Từ ý tưởng tới hành động” tại khách sạn Rex, TPHCM, và điểm nhấn của sự kiện lần này chính là diễn đàn Net Zero Carbon đầu tiên tại Việt Nam.
Net zero carbon với số đông công chúng là thuật ngữ khá mới và nếu ai biết thì dường như cũng thấy nó khá xa vời, bởi Việt Nam cam kết giảm phát thải về zero, tức net zero carbon vào năm 2050. Thế nhưng, với các nhà nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và một số ít doanh nghiệp thì thuật ngữ này không còn xa lạ. Diễn đàn của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn lần này đề cập tới việc ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp) không còn là ý tưởng trên báo đài hay các thuật ngữ trong tài liệu nghiên cứu, mà đã đến lúc doanh nghiệp biến ESG thành hành động.
Và không lý gì nhà tổ chức sự kiện là Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, tổ chức một diễn đàn định hướng doanh nghiệp phát triển bền vững lại không biến thuật ngữ net zero carbon – cũng là một thành tố quan trọng cho phát triển bền vững – trở thành hiện thực. Thông qua sự hỗ trợ của ESGs & Climate Consulting, diễn đàn được tính toán nhằm giảm lượng phát thải carbon và bù trừ carbon bằng cách đóng góp cho một tổ chức trồng rừng ở miền Trung để hấp thu hết lượng phát thải carbon của diễn đàn.
- Nỗ lực hành động ‘xanh’ của doanh nghiệp đang lớn dần
- Gập ghềnh đường đến Net Zero của doanh nghiệp
- ESG Masterclass khởi động chuỗi hội thảo về ESG
- Biến ý tưởng thành hành động trong thực hành ESG
Thực ra net zero carbon không phải là một khái niệm xa lạ với một số doanh nghiệp “có ý thức xanh”. Khá nhiều du khách khi đến Bến Tre vào tháng 3 năm nay đã được trao hộ chiếu xanh (Net Zero Passport) khi tham gia tour “Net Zero tours Bến Tre”. Đây là tour du lịch được thí điểm tại Bến Tre, do Công ty Truyền thông và Du lịch (C2T) thực hiện. C2T là một thành viên chương trình Sáng kiến Điểm đến an toàn của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn mà chương trình này nhằm mục tiêu kết nối và thúc đẩy các doanh nghiệp du lịch phát triển xanh thông qua truyền thông của tạp chí hơn 3 năm qua.
Khi trải nghiệm “Net Zero tours Bến Tre”, du khách được trao cho một cuốn hộ chiếu Net Zero sẽ được du khách tự ghi chép lại những hoạt động mà họ được trải nghiệm trong suốt chuyến đi, giúp du khách kiểm soát được việc mình làm, lấy đi những gì, trả lại được những gì và tiếp tục sử dụng trong những lần tiếp theo khi về với xứ dừa.
Điểm nhấn trong tour còn nằm ở việc du khách được hướng dẫn cách đo lường và tính toán lượng phát thải đã tạo ra trong suốt chuyến trải nghiệm, sau đó cùng nhau thực hiện bù đắp thông qua các hoạt động như trồng cây bần, cây đước, sử dụng các nông sản, mua đồ thủ công, mỹ nghệ của người dân hoặc mua một cây dừa lâu năm sẽ là những hành động bù đắp phát thải carbon của du khách khi tham gia tour du lịch Net zero carbon ở Bến Tre.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, tổ chức đang tư vấn cho net zero carbon ở Bến Tre, hôm qua nói với người viết rằng net zero carbon và ESG đang là một xu hướng tất yếu trong phát triển bền vững của doanh nghiệp. Hiện nay viện của ông đang tư vấn cho khá nhiều địa phương, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp về hành động cụ thể trong net zero carbon.
Rõ ràng ESG hay net zero carbon đã không còn là ý tưởng hay khái niệm mà các diễn giả nói trong các sự kiện tọa đàm, hội thảo thời gian qua, mà nó đã trở thành hành động cụ thể. Không loại trừ khả năng các sự kiện sắp tới của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cũng đều net zero carbon; và xa hơn nữa là còn có thể tham gia trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng để hấp thụ và bù trừ carbon cho các hoạt động của mình.
Họp hành, làm việc, du lịch, nghỉ ngơi… Mọi thứ đều phải xuất phát từ hành vi của mỗi con người. Để có thể hiện thực hóa chiến lược ESG, trước hết phải bắt đầu từ câu chuyện thay đổi hành vi. Đơn giản là từ đen/ nâu/ xám… chuyển sang xanh. Không nên làm theo kiểu hô khẩu hiệu. Mỗi hành vi nhỏ sẽ tạo thành một xu thế chuyển đổi lớn. Thậm chí là vĩ đại, một khi mọi người cùng đồng tâm nhất trí. Lúc đó mới có thể nói đến chuyện cứu lấy hành tinh và hệ sinh thái toàn cầu. Mỗi công dân, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia, ngay từ bây giờ phải tự hỏi: Thay đổi hành vi gì và như thế nào ?
Có 3 việc, cứ tưởng là nhỏ, nhưng thiết thực, phát sinh thường xuyên mỗi ngày đối với hầu hết mọi người, cần sớm thay đổi. Thứ nhất, đi lại. Nên chuyển sang đi bộ, đi bằng phương tiện công cộng, xe điện… nhằm giảm khí thải ra môi trường. Thứ hai, ăn uống. Hạn chế ship đồ ăn thức uống, tiết kiệm, chừng mực, nhằm giảm rác thải, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thứ ba, không dùng máy lạnh, hoặc chỉ dùng ở 27 độ C.