(KTSG) - Hãy đi từ câu hỏi ai quyết định phần lớn sự tồn tại của hệ thống xổ số...?
Tại Hội nghị xổ số kiến thiết khu vực miền Nam lần thứ 130 ngày 24-7-2023, đại diện Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam cho biết trong sáu tháng đầu năm 2023, doanh số phát hành xổ số truyền thống đạt 69.920 tỉ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu đạt 68.843 tỉ đồng, tăng 16,41%9, với tỷ lệ tiêu thụ bình quân đạt 98,46%, trong đó nhiều công ty đạt 100%. Lợi nhuận khủng 8.784 tỉ đồng, tăng 10,45%. Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính xin tăng doanh số phát hành kể từ ngày 1-10-2023.
Bất cứ nhà nghiên cứu xã hội học nào khi đọc mẩu tin này cũng hiểu đời sống kinh tế đang rất khó khăn, nhất là bộ phận đông đảo dân nghèo, những người thuộc nhóm dễ tổn thương.
Bằng chứng khoa học từ các công trình nghiên cứu cho thấy khi nào rơi vào hoàn cảnh nghèo đói, dịch bệnh thì người dân sẽ tìm đến thánh thần và hy vọng nhỏ nhoi từ những cơ may mơ hồ. Rất nhiều người bán hàng rong, buôn bán nhỏ, thợ hồ, người về hưu... ngày nào cũng mua vài ba tờ vé số. Hầu hết trong số họ nhiều năm nay chưa trúng được giải nào kha khá do xác suất trúng cực kỳ thấp nhưng họ vẫn cứ mua, vì với họ việc bỏ ra 10.000 đồng cho mỗi tờ vé số là mua hy vọng đổi đời, hy vọng cho ngày mai.
Mỗi ngày các công ty vé số khu vực Nam bộ phát hành hàng triệu tờ vé số (chỉ tính riêng loại xổ số truyền thống sáu chữ số, chưa kể loại xổ số khác như Vietlott, điện toán, lô tô, thẻ cào), điều đó có nghĩa là mỗi ngày phát ra hàng triệu niềm hy vọng.
Không biết có bao nhiêu phần trăm dân cư đổi đời nhờ trúng số và bao nhiêu tàn mạt vì vé số và phần biến tướng của nó, nhưng có một thực tế là các công ty xổ số ngày một giàu lên, cái bánh lợi nhuận ngày một to ra.
Đã đến lúc công ty xổ số và các cơ quan chức năng có liên quan tính đến việc tăng hoa hồng, mức thưởng bổ sung cho họ và những quyền lợi khác để họ bớt thiệt thòi và giảm thiểu những rủi ro.
Có lẽ không mấy lĩnh vực đạt tỷ lệ lợi nhuận khủng như lĩnh vực xổ số, bởi nó không phải bỏ vốn lớn đầu tư cho nhà xưởng, máy móc, nguyên liệu, nhiên liệu và cả nhân công mà chỉ có dăm ba văn phòng, thuê mướn những người làm hành chính, kỹ thuật điện toán, quay số. Hơn thế nữa, nó lại có một cơ chế hoạt động rất đặc biệt không giống bất cứ đâu, đó là việc phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Để cho hàng triệu tờ vé số đến tay người mua thì công ty xổ số thiết lập nên một hệ thống bốn cấp, bao gồm đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3, và sạp bán lẻ, người bán dạo. Mỗi cấp được nhận số lượng vé nhất định, lợi nhuận qua chiết khấu phần trăm, phần thưởng kèm theo hàng quí, hàng năm với mức giảm dần. Trong đó, anh cấp 1 lớn hơn anh cấp 2, anh cấp 2 lớn hơn anh cấp 3, và tất nhiên miếng lợi nhuận đến sạp bán lẻ và người bán dạo nhỏ nhất, mà nó gợi cho người ta nhớ đến hình ảnh nước chảy từ bồn chứa qua các trạm trung gian, khi đến vòi thì chỉ còn là giọt tí tách, còn các nhà kinh tế học thì ví nó như những vụn bánh rơi ra từ cái bánh lớn.
Câu hỏi ở đây là ai quyết định phần lớn sự tồn tại của hệ thống xổ số? Không khó tìm được câu trả lời. Đó là hàng trăm ngàn người bán vé số dạo mà ta gặp trên đường phố. Nhà báo Lê Tuyết trên VnExpress cho biết mỗi tỉnh Nam bộ có 4.000-6.000 người bán vé số, riêng TPHCM có gần 10.000 người. Như thế đội quân bán vé số dạo ở Nam bộ có thể lên đến hơn 100.000 người. Trong số họ đa phần là người già, phụ nữ, trẻ em, người tật nguyền.
Hàng ngày họ cần mẫn đi đến từng quán cà phê, quán nhậu, chợ, bệnh viện..., van nài khách mua từng tờ vé số. Bất kể mưa nắng, quãng đường xa gần và ốm đau bệnh tật, họ phải bán cho được một định lượng vé nhận từ đại lý vé cấp 3 hay từ sạp vé số, bởi đó là miếng cơm độ nhật của họ.
Các công ty xổ số không phải trả lương, chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho đội ngũ đông đảo này, hay nói khác là không chịu trách nhiệm nhân sự về họ, vì họ không phải là công nhân viên chức công ty. Họ sống nhờ vào hoa hồng từ lượng vé bán được hàng ngày. Mỗi tờ vé số bán ra với giá 10.000 đồng thì người bán trực tiếp được hưởng lợi 1.000 đồng.
Một nghiên cứu sinh của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM làm luận văn về đời sống người bán vé số dạo cho biết một người bán vé số để có thể sống được ở TPHCM thì phải bán ít nhất 150 tờ một ngày. Nếu mọi chuyện hanh thông, tức là bán hết thì sẽ được lời 150.000 đồng/ngày và để bán được hết 150 tờ thì người bán thường phải đi bộ từ 15-20 ki lô mét/ngày. Nhưng trên thực tế không phải ngày nào cũng thuận buồm xuôi gió, có khi bị cướp giật, những ngày mưa, ngập nước bán ế.
Chúng ta hẳn đều thấy cảnh gần 4 giờ chiều những người bán vé số ở các ngã ba, ngã tư đường phố gào khóc, van xin mọi người mua giùm vé số vì 4 giờ 30 phút chiều là thời điểm quay số - nếu không bán hết thì phải chịu mất số tiền bỏ ra coi như mua đứt, vì “luật ngầm” là không cho trả lại. Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam cho biết hiện có chuyện đại lý không cho trả vé ế (và cả tăng giá vé), hội đồng đã có công văn chấn chỉnh.
Nhiều người nói các công ty xổ số đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người nghèo, người tật nguyền. Quả là có như vậy, nhưng ai cũng thấy khoảng cách thu nhập ở hai đầu quá xa. Ở các lĩnh vực sản xuất khác như hàng tiêu dùng, hàng điện tử, thực phẩm..., người bán lẻ thu lợi nhuận 10% trên đầu mỗi sản phẩm là tương xứng, thậm chí là cao, nhưng đối với người bán vé số dạo thì lại thấp so với mức độ “lao động” của họ.
Nếu trừ đi các chi phí như hành chính, in ấn, tổ chức quay số, chiết khấu phát hành và trả thưởng thì lợi nhuận của công ty xổ số rất lớn, như con số gần 8.800 tỉ đồng nói trên. Miếng bánh lợi nhuận to thế sao không chia sẻ với những người bán vé số dạo theo như tinh thần Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thường nói “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Họ đã quá thiệt thòi: không nhà, không cửa (nhà ở xã hội chắc chắn không đến họ), không lương, không bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trẻ em thì thất học, tương lai mờ mịt.
Đã đến lúc công ty xổ số và các cơ quan chức năng có liên quan tính đến việc tăng hoa hồng, mức thưởng bổ sung cho họ và những quyền lợi khác để họ bớt thiệt thòi và giảm thiểu những rủi ro.