Thứ tư, 13/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Khi nào thợ hàn hết ‘bất cẩn’?

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Thợ hàn bất cẩn khiến xỉ hàn văng ra gặp vật liệu dễ cháy dẫn đến hỏa hoạn” thường là nguyên nhân của nhiều vụ cháy đã được báo chí đăng tải trong hàng chục năm qua. Nguyên nhân đã cũ, nhưng thiệt hại về con người và tài sản do cái cũ này luôn mới, không ngờ tới vậy mà vẫn tồn tại, vì sao?

Xỉ hàn là các hạt kim loại nóng trên 1.000 độ C vì vậy dễ dàng gây cháy lớn khi gặp các vật liệu như vải, giấy, nhựa, mút xốp, gỗ... Những vụ hỏa hoạn do văng xỉ hàn gây cháy lâu nay đâu phải ít, thương vong và thiệt hại cũng nhiều.

Còn nhớ, vụ cháy thảm khốc năm 2002 ở tòa nhà ITC tại TPHCM làm 60 người chết, 70 người bị thương cũng do thợ hàn giàn đèn trần của vũ trường Blue ở tầng 3 đang sửa chữa để xỉ hàn bắn vào lớp xốp cách âm gây hỏa hoạn. Mới đây, hôm 7-12-2023 ở Phan Thiết, thợ hàn sửa tàu đánh cá đã để xỉ hàn rơi vào dầu dưới hầm máy gây hỏa hoạn, đám cháy lan ra 11 tàu cá gây thiệt hại hơn 40 tỉ đồng. Trước đó, Hà Nội cũng có các vụ cháy do thợ hàn bất cẩn gồm một xưởng sản xuất bánh kẹo làm 8 người chết, một quán karaoke khiến 13 người chết và một quán bar làm 6 người thiệt mạng. Vụ cháy nhà hàng Ruby ở Đồng Nai năm 2019 khiến 6 người chết cũng do thợ hàn làm bén lửa vào mút xốp…

Các vụ việc diễn ra cho thấy, quy định an toàn yêu cầu trong quá trình hàn cắt kim loại phải che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt tối thiểu 10 mét… đã bị bỏ qua. Cũng theo quy định, chứng chỉ sơ cấp thợ hàn là một trong những loại giấy tờ cần thiết về mặt pháp lý để một người làm việc trong ngành cơ khí hàn. Văn bằng này chứng minh việc một người đã hoàn tất khóa đào tạo nghề hàn với đầy đủ kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn cần thiết. Nhưng theo số liệu do công an huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang công bố tháng 4-2023, tại huyện này có trên 400 thợ hàn nhưng chỉ có 15 người có chứng chỉ thợ hàn và được huấn luyện nghiệp vụ an toàn phòng cháy.

Nếu các số liệu này là chính xác thì việc quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong thời gian qua thiếu chặt chẽ. Và còn thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đưa ra tại một hội nghị về phòng cháy chữa cháy gần đây: “hiện nay chưa ai cấp phép cho thợ hàn, kiểm tra máy của thợ hàn cũng chưa có”(*) cũng cần được kiểm tra để giải quyết.

Thiết nghĩ, với tính chất lao động đặc thù nguy hiểm, thợ hàn ngoài kỹ năng nghề phải được tập huấn và có chứng chỉ về nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, nắm vững đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ trong hàn cắt kim loại. Họ cũng phải được đào tạo để biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh.

Tình trạng rất nhiều thợ hàn “tay ngang” không được đào tạo về an toàn lao động, an toàn cháy nổ hiện nay có thể xem như là một quả bom nổ chậm cần tháo ngòi nổ càng sớm càng tốt. Nếu các cơ quan quản lý không siết chặt yêu cầu đào tạo nghề hàn thì nguy cơ cháy nổ do thợ hàn bất cẩn, vi phạm an toàn lao động vẫn có thể sẽ tiếp diễn.

(*) https://thanhnien.vn/tho-han-la-tac-nhan-gay-chay-no-kinh-khung-nhung-chua-ai-cap-phep-1851499032.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. Cháy đâu chỉ do thợ hàn ? Nguyên nhân chính từ giáo dục – đạo tạo mà ra. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Học bừa, dạy ẩu, chính là thủ phạm.

  2. Cách đây hai chục năm, tôi làm ở vũ trường. Vũ trường sửa chữa nhiều lần, nhiều lần cũng bị thợ hàn gây ra đám cháy, nhưng đều bị dập lúc còn mới cháy nhỏ. Lý do là khi dẫn thợ hàn tới chỗ cần hàn thì tôi cầm theo một bình chữa cháy 4 kg và hướng dẫn thợ hàn cách sử dụng. Chỗ ITC cháy cũng bị thợ hàn làm cháy nhưng do không biết cách sử dụng bình chữa lửa , ông thợ chạy đi hứng nước để chữa cháy, kết quả hứng được nước thì lửa đã cháy lớn rồi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới