Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khi nhà bán hàng đứng dưới ‘luật chơi’ của sàn thương mại điện tử

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thương mại điện tử (TMĐT) đang hỗ trợ các nhà sản xuất và kinh doanh thuận lợi hơn trong việc bán hàng và tiếp cận khách hàng nhanh chóng. Tuy nhiên, các nhà bán hàng cho rằng vẫn còn nhiều rào cản và khó khăn khi kinh doanh và đưa hàng hóa lên chợ online.

Đáng chú ý nhiều doanh nghiệp, chủ cửa hàng hiện quá phụ thuộc vào kênh bán hàng qua cú nhấp chuột nên đang gặp không ít bất lợi khi các chủ sàn TMĐT đang tạo ra những “sân chơi” riêng, buộc nhà bán hàng phải theo nếu muốn được bán hàng trên sàn của họ...

Phụ thuộc "luật chơi" của chủ sàn

Dù đánh giá cao những thuận lợi khi kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), nhưng các nhà kinh doanh than phiền họ đang gặp khá nhiều rủi ro khi kinh doanh qua online. Bức xúc nhiều hiện nay của chủ cửa hàng hay doanh nghiệp là việc các sàn TMĐT cứ thích thì tăng phí, không dựa theo một cơ sở nào.

Chị Hoài Thu, đại diện Rebaca, doanh nghiệp bán mỹ phẩm trên nền tảng TikTok Shop và quảng bá sản phẩm trên TikTok, phản ánh TikTok đã 4 lần tăng mức phí thanh toán, giai đoạn đầu chỉ 1,5%, sau đó nhích lên tăng, liên tục tăng và hiện đã là 10,8%.

Theo chị Thu, Rebaca bán hàng trên TikTok Shop gần 2 năm chủ yếu qua hình thức tiếp thị liên kết. Từ đó đến nay, các chi phí vận hành trên sàn doanh nghiệp đã thanh toán đầy đủ, nhưng phía Tiktok Shop lại không xuất hoá đơn để doanh nghiệp có chứng từ về chi phí quảng cáo. Do vậy, doanh nghiệp không thể tính vào chi phí để được khấu trừ thuế, kể cả chi phí liên quan đến tiếp thị liên kết.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH một thành viên Trái Dừa ở TPHCM, bà Lê Thị Phượng Diễm, cũng nêu bức xúc các sàn TMĐT liên tục tăng phí lên cao gây khó cho các nhà bán hàng như công ty bà.

Theo bà Diễm, trong 9 tháng đầu năm 2023, sàn TMĐT Shopee đã 2 lần tăng phí thanh toán. Lần đầu tăng từ 2,5% lên 3%; không lâu sau đó chủ sàn này tiếp tục tăng từ 3% lên 4%, áp dụng từ ngày 1-9 vừa qua.

Phó giám đốc Công ty Trái Dừa lưu ý: nhìn qua các con số tăng trên thì tưởng chừng là không đáng kể. Tuy nhiên, để doanh nghiệp hoạt động được, phải trả thêm cho chi phí cố định, phí quảng cáo... nâng tổng chi phí lên đến 22-23% doanh thu. Đây là tỷ lệ rất cao và hoàn toàn phụ thuộc vào "luật chơi" của Shopee.

Trong khi đó, nhà bán hàng chỉ nhận được thông báo từ phía Shopee trước vài ngày và thực hiện theo, chứ không có phương án nào khác.

Không riêng hai doanh nghiệp nói trên mà tình trạng bị các chủ sàn TMĐT thông báo tăng phí cũng được nhiều nhà kinh doanh, chủ cửa hàng khác phản ánh trong thời gian qua. Dù khá bức xúc nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết phải ngậm bồ hòn thực hiện theo vì nằm dưới cơ là phụ thuộc vào chủ sàn TMĐT.

Xu hướng mua sắm trên các sàn TMĐT ngày càng tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp, cửa hàng đẩy mạnh kinh doanh qua các nền tảng TMĐT. Ảnh minh họa: TL

Chuyển sang bán hàng online là xu hướng hiện nay của nhiều cửa hàng, doanh nghiệp nhằm mở rộng thêm kênh bán hàng thay vì chỉ bán hàng trực tiếp ở kênh vật lý truyền thống như lâu nay. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vì quá phụ phụ thuộc vào kênh bán hàng online, thậm chí là bỏ hẳn kênh bán hàng truyền thống nên gặp trở ngại khi chủ sàn TMĐT ra "luật chơi" mới.

Bởi lẽ, các sàn TMĐT đã tạo ra những “sân chơi” riêng, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng theo yêu cầu của họ nếu muốn được bán hàng trên sàn của họ... Các nhà bán hàng và doanh nghiệp sản xuất đặt vấn đề hiện nay cơ quan quản lý nhà nước đã có cơ chế nào để kiểm tra, giám sát việc ban hành mức phí của các sàn hay chưa.

Tuy nhiên, câu trả lời với các nhà kinh doanh hiện nay là không. Tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử và chính quyền TPHCM gần đây, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết việc tăng phí thanh toán trên các sàn hiện nay, Nhà nước không quy định về niêm yết giá.

"Đây là thoả thuận dân sự giữa các sàn và người bán hàng trên sàn", ông Tuấn nói, nhưng lưu ý: theo thỏa thuận ban đầu giữa hai bên, có thể việc tăng phí thanh toán phải được thông báo trước trong bao nhiêu ngày. Các sàn phải nêu rõ cách thức tính giá dịch vụ. Từ đó, nhà cung cấp có quyền tham gia hoặc không tham gia.

Ông Tuấn cũng nói thêm, khi các sàn có quyền tăng giá, phí thanh toán thì các nhà cung cấp có quyền khiếu nại theo quy định khi cảm thấy việc tăng này là không cạnh tranh lành mạnh. Nhà cung cấp có thể gửi đơn, yêu cầu khiếu nại, phản ánh đến Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (trước đây là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng).

Liên quan đến việc tăng phí ở các sàn TMĐT, ông Nguyễn Minh Đức, Phó tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), cho rằng đây là “sân chơi” của các sàn TMĐT, nếu doanh nghiệp mua dịch vụ của họ thì phải chấp nhận, họ tăng phí thì doanh nghiệp cũng phải chịu.

Tuy nhiên người đại diện Vecom cũng lưu ý rằng doanh nghiệp đâu chỉ có giải pháp duy nhất là bán cho các sàn TMĐT, mà doanh nghiệp phải bán hàng đa kênh và cần có chiến lược phát triển bền vững, để không quá phụ thuộc vào một kênh duy nhất.

Chịu thiệt khi gặp rủi ro

Không ít doanh nghiệp, người tiêu dùng than phiền các sàn TMĐT mở ra nhưng hầu như ít quan tâm đến hoạt động giao dịch của người mua – người bán trên sàn, thậm chí cho bán hàng xách tay..., dẫn đến nhà kinh doanh phải chịu thiệt hại.

Sàn TMĐT chỉ là nơi để giới thiệu sản phẩm, còn việc đóng gói sản phẩm để giao cho khách hàng được thực hiện tại kho hàng của người bán. Trong khi đó, sàn TMĐT gần như không quan tâm đến người bán trên sàn, cùng với việc không kiểm soát được đơn vị vận chuyển, dẫn đến hàng bị đánh tráo; không ngoại trừ hàng giả, hàng lậu, hàng cấm… bị tráo đổi trong quá trình hàng vận chuyển đến tay người tiêu dùng.

Theo bà Lê Thị Phượng Diễm của Công ty Trái Dừa - doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng quạt máy trên sàn Shopee, dù hàng hóa đóng gói có dán tem hàng dễ vỡ, nhưng trong quá trình vận chuyển, thùng hàng thường biến dạng móp méo, hư hỏng bên trong, thậm chí có khi bị đánh tráo bằng... cục gạch.

Trong những trường hợp như vậy, bà Diễm cho biết, phần thiệt thòi luôn thuộc về bên bán hàng, dù hợp đồng được ký giữa nhà bán hàng với đơn vị vận chuyển lại thông qua sàn TMĐT.

"Với những bất cập trên, doanh nghiệp muốn phản ánh đến sàn nhưng không được, vì sàn TMĐT Shopee đã ẩn luôn nút khiếu nại của nhà bán hàng", bà Diễm nêu bức xúc.

Còn bà Hoài Thu của Rebaca cho rằng dù tăng phí liên tục nhưng các sàn TMĐT lại không đi kèm nâng cấp, cải thiện dịch vụ khiến các nhà kinh doanh phải chịu thiệt. Cụ thể câu chuyện của Rebaca ở một sàn TMĐT là các sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu chính hãng đang phải cạnh tranh với hàng xách tay cùng thương hiệu với giá thấp hơn nhiều.

Cho rằng chất lượng dịch vụ của sàn TMĐT chưa được cải thiện, khiến việc cạnh tranh của doanh nghiệp bán hàng chính hãng gặp nhiều khó khăn, bà Thu đề xuất sàn TMĐT nên có sự chế tài rõ ràng hơn đối với những cá nhân, doanh nghiệp bán trên sàn TMĐT. Tất cả đều phải đáp ứng đầy đủ những quy chuẩn về hóa đơn chứng từ, để tạo sân chơi công bằng đối với hoạt động kinh doanh trên sàn.

Bởi lẽ, Nghị định 98/2020 cũng quy định, kinh doanh hàng xách tay bị coi là hàng nhập lậu (không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, không khai báo hải quan…), bị phạt gấp 2 lần so với trị giá hàng hóa.

Ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc Kinh doanh ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng của sàn Tiki, cũng cho rằng rào cản lớn nhất cho người tiêu dùng chuyển từ mua trực tiếp sang trực tuyến chính là vấn đề chất lượng hàng hóa khi mà vẫn còn nhiều hàng giả, nhái, đáng chú ý người bán hàng là cá nhân, không phải doanh nghiệp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bán hàng chính hãng.

Trong khi đó, việc phát hiện, xử lý hàng giả, hàng lậu trên TMĐT hiện nay của cơ quan chức năng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội, do khi tạo lập tài khoản bán hàng trên các nền tảng này thì các đối tượng thường sử dụng thông tin giả, cơ quan chức năng rất khó xác định đối tượng vi phạm và nơi chứa hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý. Mặt khác, hàng hóa giao dịch thường thông qua các đơn vị vận chuyển độc lập với số lượng ít nên khó phát hiện.

Ông Phạm Xuân Việt, Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục QLTT TPHCM, nêu thực trạng hiện nay là theo Nghị định 52 quy định, phía sàn TMĐT phải tự rà soát, tự thống kê, tự có phân loại và tự có cơ chế ngăn chặn dấu hiệu hàng hóa vi phạm. Bên cạnh đó, có cơ chế phối hợp khi cơ quan chức năng đề nghị cung cấp thông tin những đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên sàn, để từ đó thẩm tra xác minh đối tượng và nơi chứa trữ hàng hóa (nếu có) để xử lý. Tuy nhiên, khi có phản ánh của người tiêu dùng, cơ quan QLTT liên hệ đề nghị các sàn TMĐT cung cấp thông tin, nhưng họ cung cấp thông tin rất sơ sài, rất khó để xác minh.

Cuối cùng Cục QLTT phải có văn bản thông báo đến sàn TMĐT để lọc những đối tượng đó, chứ thực tế không xử lý được do không xác định được đối tượng vi phạm, cũng không xác định được hàng hóa vi phạm để xử lý. “Vì vậy, cơ quan chức năng rất cần sự phối hợp của các sàn TMĐT để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính”, ông Việt nói.

Những vướng mắc trong cạnh tranh

Một khó khăn nữa, theo các doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh với hàng nhập từ Trung Quốc trong đó có cả chi phí vận chuyển.

Nhiềb doanh nghiệp trong nước than hàng hóa bán qua các sàn TMĐT bị cạnh tranh về giá, nhất là hàng hóa xách tay ở nước ngoài về. Ảnh minh họa: L. Hoàng

Bà Diễm cho rằng phí giao hàng liên tỉnh trong nước hiện đang cao hơn phí giao hàng từ Trung Quốc về Việt Nam, và chất lượng giao hàng rất thấp, đặc biệt hàng đi liên tỉnh.

Như sản phẩm của doanh nghiệp bà là mặt hàng quạt máy, trước đây bán ở tỉnh có doanh số rất cao, nhưng hiện nay riêng chi phí vận chuyển chiếm đến 130.000 đồng/sản phẩm, chưa kể trong quá trình vận chuyển sản phẩm bị những lỗi hư hỏng, khách không nhận hàng. Điều đó khiến việc bán hàng của doanh nghiệp hiện nay vô cùng khó khăn.

Ông Lê Minh Thảo, một doanh nhân chuyên nhập khẩu mỹ phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản về bán trên sàn TMĐT băn khoăn về việc trên sàn TMĐT hiện có một số nhà bán hàng xuyên biên giới từ Trung Quốc cũng bán những sản phẩm mỹ phẩm cùng loại như công ty ông nhưng giá lại rẻ hơn nhiều khiến sản phẩm của ông không thể cạnh tranh nổi.

Không riêng mặt hàng mỹ phẩm, theo ông Thảo, một số sản phẩm khác, như ốp lưng điện thoại di động giá bán trên sàn TMĐT cũng chỉ có 25.000 đồng. "Với giá này chắc chắn các doanh nghiệp nội địa không thể cạnh tranh được", ông Thảo nhận định và nêu vấn đề thuế nhập khẩu hàng hóa bán qua sàn thương mại điện tử như thế nào, họ có bị rào cản nào không để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước?

Trước đó, đại diện cơ quan hải quan cũng thừa nhận dù TMĐT phát triển nhanh nhưng do chưa có các quy định riêng về chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua TMĐT, nên hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu giao dịch qua TMĐT thường gặp khó khăn, vướng mắc, cản trở tính hiệu quả trong các giao dịch xuyên biên giới.

Cụ thể về các khó khăn, vướng mắc này, ông Nguyễn Bắc Hải, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, cho biết đó là các khâu về thủ tục hải quan liên quan đến hồ sơ, trong công tác đánh giá rủi ro, áp lực thông quan hàng hóa. Kế đến là những khó khăn trong công tác kiểm tra chuyên ngành, trong việc xác định giá trị hải quan…

Đối với hàng hóa giao dịch qua TMĐT được các công ty vận chuyển quốc tế vận chuyển về Việt Nam và chủ hàng thực hiện làm thủ tục hải quan thì thực hiện như hàng hóa bình thường.

Với cách thức như vậy, cơ quan hải quan cũng gặp khó khăn. Vì giao dịch hàng hóa xuất khẩu và giao dịch qua TMĐT có sự khác biệt về cách thức mua bán, ví dụ: không có hóa đơn, không có hợp đồng mà chỉ có lệnh đặt hàng trên các sàn. Trị giá hải quan đối với hàng hóa cũng biến động tùy theo từng thời kỳ, nên việc xác định trị giá hải quan để tính thuế cũng khó khăn.

Cơ quan hải quan còn gặp thách thức trong việc phải thông quan nhanh chóng thì mới đáp ứng được yêu cầu của TMĐT.

Do đó, các nhà kinh doanh mong muốn chính sách và cơ quan quản lý tiếp tục điều chỉnh để hoạt động kinh doanh này đạt hiệu quả hơn.

Nhiều nhà bán hàng trên các sàn TMĐT còn cho rằng quyền lợi của nhà bán hàng trên các sàn cũng cần được bảo vệ như quyền lợi quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo đó, có nhà bán hàng đề xuất thành lập Hiệp hội Nhà bán hàng vừa và nhỏ trên sàn TMĐT, đặt dưới sự quản lý của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên khi kinh doanh trên sàn TMĐT. Đây sẽ là nơi thu thập, phản ánh vướng mắc, khiếu nại của nhà bán hàng với các sàn hoặc chuyển ý kiến, nguyện vọng đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành, riêng năm 2022 các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra khoảng 140.000 vụ việc có vi phạm trong hoạt động TMĐT liên quan tới buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Sang 6 tháng đầu năm 2023, tổng số vụ việc vi phạm khoảng 67.000 vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và sở hữu trí tuệ. Trong đó có khoảng gần 4.000 vụ việc là hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đó là những vụ việc mà các cơ quan chức năng đã phát hiện được, chưa tính những vụ việc chưa phát hiện được.

TMĐT còn ẩn chứa rất nhiều vi phạm liên quan tới vi phạm về chính sách, vi phạm quy định pháp luật, gây ảnh hưởng tới sự phát triển của TMĐT, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, sức khỏe người tiêu dùng và niềm tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp.

1 BÌNH LUẬN

  1. Bài hay quá! Rọi đến được góc khuất của nền kinh tế. Lâu nay, người tiêu dùng và buôn bán địa phương bị thao túng và bỏ mặt! Hôm nào làm tiếp bài về chất lượng sản phẩm từ nước lạ nữa đi nhà báo ơi!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới