(KTSG) - Các nhà bán lẻ lớn trên thế giới đang đến Việt Nam tìm nguồn hàng, mở rộng danh sách hàng hóa cũng như tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam bằng cách mở văn phòng đại diện... Chưa biết các nhà cung cấp Việt Nam có nắm bắt kịp cơ hội bán hàng toàn cầu này hay không nhưng có điều chắc chắn là các vị khách hàng nói trên mang đến cơ hội cùng những yêu cầu chất lượng khắt khe.
- Lạm phát, nhu cầu yếu vẫn là mối lo hàng đầu của các nhà bán lẻ toàn cầu
- Gian nan gia nhập chuỗi phân phối của nhà bán lẻ toàn cầu
Trong danh sách mở rộng nguồn hàng từ Việt Nam, Walmart chú trọng đến nguồn hàng thực phẩm, đồ gia dụng, điện tử cùng nhiều nhóm hàng hóa có thế mạnh khác của Việt Nam, như giày dép, đồ chơi và trái cây tươi như xoài, sầu riêng, dừa...
Ông Avaneesh Gupta, Phó chủ tịch cấp cao của Walmart International, nói: “Chúng tôi mong muốn tìm nguồn cung ứng nhiều sản phẩm hơn từ Việt Nam cho cả sản phẩm dành cho nhãn hiệu riêng và sản phẩm phục vụ thị trường toàn cầu”.
Walmart hiện là một trong số những nhà bán lẻ quốc tế lớn đánh giá cao nguồn hàng hóa từ Việt Nam, có thể giúp họ đa dạng hóa nguồn cung ứng.
Đến Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng
Ông Lionel Adenot, Giám đốc điều hành Decathlon Việt Nam, cho rằng Việt Nam có thể trở thành điểm đến mới trong chuỗi cung ứng đồ thể thao quốc tế. Với hàng ngàn dòng sản phẩm được bày bán tại hơn 2.080 cửa hàng ở 56 quốc gia và khu vực, nhà bán lẻ đồ thể thao của Pháp cho biết rất muốn tìm thêm nhiều nguồn hàng sản xuất ở Việt Nam, từ trang phục, giày dép, dụng cụ tập thể thao, xe đạp, đồ dùng dã ngoại và leo núi…
Còn ông Federico Bucher, Giám đốc khu vực châu Á của Cencosud, tập đoàn bán lẻ lớn của Chile với hệ thống cửa hàng rộng khắp tại các quốc gia trong khu vực, cho biết mới chỉ mua một vài mặt hàng như đồ thủ công mỹ nghệ, nội thất, trang trí sân vườn… từ Việt Nam. Nhưng nhà bán lẻ này muốn tìm kiếm nguồn cung cấp các mặt hàng quần áo, đồ điện gia dụng, hàng thời trang… nhằm đa dạng hóa nguồn hàng trong hệ thống bán lẻ của mình. Cencosud lâu nay lấy hàng từ Trung Quốc, Bangladesh và chỉ có khoảng 5% là mua từ các nước Đông Nam Á.
Tương tự, để phát triển nguồn hàng hóa tại Việt Nam, bà Roberta Guttler Difini, đại diện Tập đoàn may mặc Brazil Renner, cũng cho biết doanh nghiệp này đã mở văn phòng đại diện tại nền kinh tế gần 100 triệu dân để tìm kiếm nhà cung ứng sản phẩm dệt may.
Yếu tố xanh, bền vững…
Dù đánh giá Việt Nam có thể trở thành nơi cung cấp hàng hóa lớn, nhưng hầu hết các nhà bán lẻ nói trên cho rằng bên cạnh yêu cầu sản phẩm chất lượng và giá cả cạnh tranh, thì họ còn khắt khe hơn về sản phẩm hàng hóa làm ra của nhà cung cấp như sản xuất phải xanh, thân thiện môi trường, ít phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tốc độ giao hàng nhanh...
Ví dụ Walmart đưa ra những yếu tố chọn nhà cung cấp tại Việt Nam là năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường. Do vậy, ngoài các yêu cầu về chất lượng hàng hóa, Walmart còn quan tâm đến vấn đề quản trị nhân sự và khả năng ứng phó với sự cố ở doanh nghiệp đối tác, bao gồm cả môi trường văn hóa của doanh nghiệp. Mục tiêu của Walmart là để đảm bảo nguồn hàng được cung cấp liên tục và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.
Để có thể gia nhập vào chuỗi giá trị trị giá hàng tỉ đô la của Walmart trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp trong nước cần đặc biệt chú trọng ba vấn đề cốt lõi, đó là xây dựng chiến lược kinh doanh với mục tiêu dài hạn; giải pháp cho chuỗi cung ứng và logistics; năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm.
Decathlon thì xem trọng những nhà cung cấp nào có khả năng sử dụng dữ liệu số và ứng dụng số hóa vào hoạt động kinh doanh và sản xuất. Bởi theo họ, số hóa giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả về quản lý hệ thống sản xuất và quản trị hàng hóa tốt hơn, tăng tính linh hoạt và độ tin cậy của doanh nghiệp. Ví dụ, hiện nay Decathlon quan tâm đến tiến độ thực hiện các đơn hàng nhanh, chính xác và đúng hẹn nên nhà cung cấp nào hoàn thành đơn hàng ngắn sẽ có một điểm cộng lớn. Điều này đòi hỏi nhà cung cấp phải có khả năng linh hoạt và ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu địa phương, sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đó là lý do CEO của Decathlon Việt Nam khuyên các doanh nghiệp Việt sớm đưa hoạch định trong trung hạn, nhanh chóng thích ứng và thay đổi trước những xu hướng toàn cầu.
Một xu thế rất quan trọng được Decathlon nhắc đến là các nhà cung ứng Việt Nam phải dẫn đầu trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường. Hiện 80% lượng khí thải CO2 của tập đoàn đến từ các sản phẩm và nguyên liệu thô của trang phục. Lượng khí thải CO2 của tập đoàn ở Việt Nam hiện đã giảm 17% so với năm 2019 và 10% so với năm 2021. “Đây là một hiệu suất tuyệt vời. Nhưng năm 2023, chúng ta phải tiếp tục giảm bằng cách chuyển hoàn toàn sang năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời và sinh khối. Đây là những điều kiện để Việt Nam trở thành điểm đến mới trong chuỗi cung ứng đồ thể thao quốc tế”, đại diện Decathlon nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về việc tìm nhà cung cấp, ông Đặng Quốc Thắng, Giám đốc sản xuất ngành dệt thoi Decathlon Việt Nam, cho rằng với ngành hàng thời trang và thiết bị thể thao, để cạnh tranh được với các quốc gia khác, doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất tinh gọn, tối ưu quy trình và giảm chi phí sản xuất, cải tiến liên tục. Song song đó là đẩy mạnh sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng lộ trình ngừng sử dụng than đá. Ông Thắng nhấn mạnh trong chính sách mua hàng của Decathlon, nếu nhà máy nào dùng than đá, tập đoàn sẽ không hợp tác.
Tương tự, tập đoàn Aeon, nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản với hơn 18.000 cửa hàng ở 14 quốc gia, lưu ý với nhà cung cấp rằng thời đại mà việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn dần bị thay thế bằng việc chú trọng sự thân thiện với môi trường, hướng tới tương lai như mô hình phát triển bền vững, dấu chân carbon.
“Bản thân tôi sống hơn 60 năm cuộc đời, cũng là lần đầu tiên thấy được sự thay đổi lớn như thế này của môi trường xung quanh”, ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam nói, kèm thông điệp:
Tóm lại, cơ hội bán hàng toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, cũng không quá xa tầm tay của doanh nghiệp. Nhưng cũng như lời ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam, nhận định: “Nếu chúng ta chỉ làm những việc giống như trước giờ thì nhất định sẽ không thể theo kịp xu thế của thế giới. Chỉ cần doanh nghiệp (Việt Nam) có thể thích ứng được với thời đại thì doanh nghiệp sẽ có được những cơ hội rất lớn”.