Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi nhiên liệu sinh học đối đầu lương thực

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi nhiên liệu sinh học đối đầu lương thực

Ưu tiên bắp làm lương thực hay sản xuất ethanol? - Nguồn: www.abcnews.go.com

(TBKTSG Online) - Nhiên liệu sinh học từng một thời được đánh giá là nguồn nhiên liệu hiệu quả, hạn chế ô nhiễm, có khả năng thay thế cho các nhiên liệu hóa thạch truyền thống, giúp đảm bảo an ninh năng lượng.

Tuy nhiên gần đây, nhiên liệu sinh học lại bị nêu tên như một trong những thủ phạm chính gây ra khủng hoảng lương thực toàn cầu.  

Lo lắng về nhiên liệu sinh học

Trong tuần vừa qua, các tờ báo lớn như The New York Times, International Tribune, Financial Times đều có bài viết cảnh báo về tác động của chương trình nhiên liệu sinh học đối với vấn đề giá lương thực tăng và việc thiếu lương thực viện trợ cho các nước nghèo.  

Nhu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học thay thế cho các nguyên liệu truyền thống ngày càng cao. Trong năm 2006, lượng ethanol (cồn sinh học để pha vào xăng) sản xuất toàn cầu đạt khoảng 40 tỉ lít. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nhiên liệu sinh học sẽ tiếp tục tăng từ 1% lên đến 6% trong tỷ lệ năng lượng sử dụng cho vận tải toàn cầu từ nay đến năm 2020.

Chính vì vậy, diện tích đất canh tác dành cho các loại cây trồng phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học như dầu cọ, dầu dừa, Jatropha (cây dầu hoang dại thường thấy ở miền Trung Việt Nam), bắp, mía,… trên thế giới cũng tăng theo. Ấn Độ dành khoảng 10 triệu hec-ta, Indonesia 10 triệu hec-ta, Trung Quốc 13 triệu hec-ta để trồng các loại cây này.

Việc gia tăng diện tích trồng các loại cây sản xuất năng lượng sinh học lại kéo theo sự sụt giảm diện tích đất trồng các cây lương thực. Thậm chí, sản phẩm từ các cây như bắp, khoai mì vốn là lương thực cho con người, thì nay được chuyển sang sản xuất nhiên liệu sinh học.

Brazil là một ví dụ khi phân nửa sản lượng mía của nước này được sử dụng cho việc sản xuất ethanol. Mỹ hiện sử dụng khoảng 10% sản lượng bắp vào việc chưng cất nhiên liệu sinh học dùng cho xe hơi.

Trong khi đó, theo tính toán của các nhà nghiên cứu, sản lượng bắp để sản xuất được 100 kg ethanol đổ đầy bình xăng một chiếc xe thể thao đủ nuôi sống một người trong một năm.

Không chỉ có quỹ đất dành cho cây lương thực bị chiếm, nguồn nước tưới cây cũng là một vấn đề. Theo nghiên cứu của IWMI (Viện quản lý nước quốc tế), Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng sản lượng ethanol đạt 18 tỉ lít, đáp ứng 9% nhu cầu về xăng dầu vào năm 2020. Ấn Độ cũng theo đuổi chiến lược tương tự. 

Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc cần tăng 26% diện tích trồng bắp và Ấn Độ cần tăng 16% diện tích trồng mía. Nếu như vậy, các cây lương thực khác ở hai nước này sẽ có nguy cơ thiếu nước tưới trầm trọng.  

Việt Nam: chập chững bước đầu

Trong khi thế giới lo lắng về những tác động không tốt của nhiên liệu sinh học, Việt Nam hầu như chưa bị ảnh hưởng mấy trong câu chuyện “lương thực đối đầu với năng lượng” này. Nông dân Việt Nam ở một số địa bàn như Ninh Thuận, Bình Thuận, Thanh Hóa, Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn, ngoại thành Hà Nội… hiện đang trong quá trình tập huấn chọn giống và trồng cây Jatropha để sản xuất ethanol.

Tiến sĩ Lê Võ Định Tường – Phân viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, người đang trực tiếp tập huấn cho người dân, cho biết đây là một loại cây có nhiều ưu điểm như dễ trồng, không gây độc cho đất, không xâm phạm đến đất lương thực, chịu khô hạn tốt, có khả năng giúp phòng chống xói mòn lũ lụt ở các vùng núi, ít sâu bệnh, năng suất hạt cao (3-4 tấn hạt/hec-ta), tỷ lệ dầu chiếm 30-40%, thích hợp sản xuất dầu diesel sinh học. 

Theo ông Lê Võ Định Tường, một số loại cây trồng phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học trực tiếp xâm phạm đến diện tích đất dành cho nông nghiệp và làm cho đất xấu đi sau khi đã thu hoạch, ví dụ như sắn (một nhà máy của Nhật đang trồng sắn để sản xuất ethanol ở miền Trung Việt Nam).

Tuy nhiên, không phải loại cây nào cũng gây ảnh hưởng xấu đến nông nghiệp. Vấn đề là phải chọn loại cây trồng thích hợp, không xâm phạm đến diện tích trồng cây lương thực và trồng rừng.

Việt Nam chậm hơn thế giới vài chục năm trong việc phát triển nhiên liệu sinh học. Cuối năm 2007, “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” mới được Chính phủ phê duyệt.

Ông Tường cho biết, Nhà nước dự định dành khoảng 10 triệu hec-ta để trồng các loại cây phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học. Hầu hết các khu đất dành cho các loại cây này mới bắt đầu gieo trồng. Hiện nay, trong số hơn 10 công ty trồng cây để sản xuất nhiên liệu sinh học trong nước, chưa có công ty nào thu được lợi nhuận.

LÊ SÁNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới