(KTSG) - Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ đã được hỗ trợ đào tạo thêm kiến thức, năng lực, vượt qua được tâm lý e ngại để dần chuyển đổi thành công các mô hình truyền thống sang kinh doanh trực tuyến, gia nhập vào cuộc hành trình chuyển đổi số chung hiện nay.
Chị Trần Hạnh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Tanisa (TPHCM), đến với diễn đàn trực tuyến “Phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh trong thời kỳ 4.0” với câu chuyện đưa các sản phẩm đặc sản Tây Ninh lên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế, đặc biệt là trên sàn Amazon.
Sự kiện trực tuyến nêu trên do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Học viện Chuyển đổi số IM Group tổ chức cuối tháng 2 vừa qua đã thu hút sự tham gia của hơn 1.000 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, người kinh doanh trên khắp cả nước.
Livestream bán hàng từ cánh đồng và phiên chợ trên đám mây
Câu chuyện về Hợp tác xã 3T Farm huyện Cao Phong, Hòa Bình, được dẫn chứng tại nhiều hội thảo như một mô hình tiêu biểu trong câu chuyện xây dựng thương hiệu và chuyển đổi số.
Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm, chia sẻ trước đây do canh tác cam theo phương pháp truyền thống nên năng suất và chất lượng cam thấp, đầu ra lại gặp khó khăn do giá cả hàng hóa không ổn định, thu nhập của hợp tác xã không cao. Năm 2019, Hợp tác xã 3T Farm vượt qua hàng trăm dự án, trở thành một trong những dự án đoạt giải tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức với chủ đề: “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”.
Sau khi hoàn thành cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, Hợp tác xã 3T Farm được Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ 125 triệu đồng để phát triển sản xuất. Ngoài ra, Hợp tác xã 3T Farm còn tham gia dự thi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh năm 2019 và được công nhận là sản phẩm 3 sao.
Từ việc trước đây sản phẩm làm ra phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái đến thu mua trực tiếp, hiện nay Hợp tác xã 3T Farm đã cung cấp cam vào các cửa hàng thực phẩm sạch ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam…
Trước đây chị Vũ Thị Lệ Thủy chỉ sử dụng Facebook để giao lưu với cộng đồng làm nông nghiệp sạch, chia sẻ quá trình canh tác thì nay các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo đã trở thành các kênh quảng bá và bán hàng hữu hiệu. Hợp tác xã cũng đã có trang fanpage riêng, chị Thủy cũng hướng dẫn các thành viên khác livestream bán hàng trên trang cá nhân.
Mỗi lần livestream, hợp tác xã có thể chốt bán vài tạ cam, chưa kể sau đó các đơn hàng đến từ các bài đăng trong các hội nhóm. Công nghệ đã giúp kết nối những mối hàng từ Bắc vào Nam, mang tới cho hợp tác xã hàng ngàn đơn hàng.
Hiện tại, hợp tác xã cơ bản chủ động về đầu ra, 70-80% đơn hàng được chốt qua nền tảng công nghệ, thay vì chờ thương lái đến vườn thu mua như trước kia.
Tại Hà Nội, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều hoạt động đã được Hội LHPN thành phố phối hợp với các đơn vị triển khai hỗ trợ các nữ doanh nhân, các nhà sản xuất OCOP của địa phương. Đơn cử là “Ngày hội livestream đặc sản OCOP Hà Nội”, “Phiên chợ trên mây”... Chị Trịnh Kim Thư, Tổng giám đốc Công ty cổ phần MD Queens, chia sẻ rằng qua những chương trình nêu trên, các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể khẳng định thương hiệu, vị thế trên thị trường.
Giám đốc bưu điện tỉnh Yên Bái Nguyễn Thị Thanh Hương kể lại câu chuyện khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đi lại, giao thương bị hạn chế, các dịch vụ của bưu điện tỉnh Yên Bái đều bị ảnh hưởng, doanh thu giảm sút. Trước thực tế đó, bưu điện đã đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt trong kinh doanh, phù hợp với thị trường và khách hàng.
Đơn vị đã thích nghi với hoàn cảnh bằng cách thực hiện các buổi livestream trên mạng xã hội, đổi mới kinh doanh từ tổ chức dịch vụ cho nhóm khách hàng lớn sang các nhóm nhỏ, linh hoạt trong việc tiếp cận và phục vụ người tiêu dùng. Vì vậy, dù dịch bệnh nhưng hoạt động kinh doanh, sản xuất vẫn luôn được duy trì, đảm bảo đời sống của người lao động, trong đó có khoảng 79% là lao động nữ.
Thích ứng hơn với môi trường kinh doanh số
Diễn đàn “Phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh trong thời kỳ 4.0” là một phần của kế hoạch dài hạn do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, với mục tiêu tạo không gian cho các chuyên gia, phụ nữ khởi nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm thực tế kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Trong thời gian qua, Hội LHPN đã phối hợp cùng VECOM, IM Group tổ chức 10 lớp tập huấn thương mại điện tử với sự tham gia của hơn 600 học viên là các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với các chuyên đề bổ ích từ tổng quan về các kênh bán hàng và marketing hiệu quả, phát triển thị trường kinh doanh thông qua thương mại điện tử, xây dựng và quản trị trang web, xây dựng kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội đến những phương pháp tăng trưởng doanh thu cho doanh nghiệp. Qua đó, nhiều chủ doanh nghiệp đã tự tin vận hành doanh nghiệp phát triển trước những khó khăn, thách thức.
Trưởng Ban hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam Hồ Thị Quý cũng chia sẻ tại diễn đàn rằng bên cạnh các tác động tiêu cực, dịch Covid-19 cũng mang lại nhưng thay đổi tích cực cho mô hình kinh doanh ở nhiều nước và Việt Nam.
Nếu như trước đại dịch, kinh doanh trên môi trường mạng chỉ phù hợp với số ít doanh nghiệp thì đến nay là xu thế tất yếu trong chuyển đổi của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Hội LHPN Việt Nam đã kịp thời có ý tưởng, hỗ trợ khảo sát và tổ chức các hoạt động đào tạo, cung cấp kỹ năng, nâng cao năng lực giúp chị em nắm bắt xu thế, thế mạnh công nghệ để kinh doanh, khởi nghiệp.
Hội LHPN Việt Nam cũng nhận được sự đồng hành của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA thông qua việc tài trợ hoạt động “Khảo sát về nâng cao năng lực thương mại điện tử cho phụ nữ làm kinh doanh”, với mục tiêu đề ra là trang bị kiến thức về thương mại điện tử, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và khuyến nghị cho các hoạt động hợp tác trong tương lai.
Đây là một chương trình quan trọng trong xu thế thúc đẩy phụ nữ thích ứng hơn với môi trường kinh doanh số. Đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do nữ làm chủ đối mặt nhiều với các rào cản và thách thức trong tiếp cận môi trường số.
Đó là quy mô kinh doanh nhỏ nên khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế, đó là tâm lý e ngại, là năng lực chuyển đổi sang môi trường kinh doanh số còn hạn chế. Chương trình được kỳ vọng giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do nữ làm chủ có thêm kiến thức, năng lực, vượt qua được tâm lý e ngại để dần chuyển đổi các mô hình truyền thống sang kinh doanh trực tuyến, bắt kịp với xu thế.