Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi nông dân thích canh tác sinh học

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi nông dân thích canh tác sinh học

Một nông trại ở Pendjab

(TBKTSG Online) – Các nông dân ở bang Pendjah, nơi nổi tiếng là vựa lúa của Ấn Độ, bấy lâu nay áp dụng chế độ thâm canh nông nghiệp với sự trợ giúp của phân hóa học và thuốc trừ sâu. Nhưng hiện nay, một số người lại ưu tiên trở về phương pháp canh tác truyền thống.

Thửa để bán, thửa để ăn

Tại Mehtagaon, miền nam bang Pendjab, Raj Kumar có miếng đất 4,5 héc ta chia làm hai thửa riêng biệt.

Một thửa trồng lúa dày đặc, với năng suất khoảng 30 tạ/héc ta và được tưới đầy phân hóa học, thuốc trừ sâu. Những hạt lúa vàng óng ánh dưới nắng, nhưng Kumar lại không bao giờ ăn. “Thửa ruộng này được xử lý có vẻ rất hoàn hảo, nhưng chất độc vẫn là chất độc. Hà cớ gì tôi chuốc lấy bệnh tật bằng cách ăn những hạt lúa này? Tôi trồng chúng chỉ để bán thôi”, ông giải thích.

Thửa ruộng còn lại mới chính là trồng để ăn, với mật độ trồng rất thấp. Trên đó, Kumar sử dụng cùng hạt giống mà cha ông đã sử dụng hàng thập niên nay. Để dẫn thủy nhập điền, ông chỉ cần có phân nửa lượng nước so với thửa ruộng kia. Mỗi hạt giống chỉ cho ra một nhánh lúa, với năng suất chỉ đạt 15 tạ/hec ta. Những miếng bánh mà gia đình Kumar dùng hằng ngày được làm từ lúa của thửa ruộng này. Ông giải thích đơn giản rằng nó rất tốt cho sức khỏe vì được canh tác theo phương pháp sinh học. Chính vì vậy mà ông để dành cho con cháu dùng.

Nhưng tại sao Kumar lại canh tác trên hai thửa ruộng khác nhau? Ông không thể sử dụng phương pháp canh tác tự nhiên cho mục đích thương mại, vì năng suất rất thấp và phải mất từ 2-3 năm, theo các chuyên gia, để đạt đến mức năng suất của phương pháp sử dụng phân hóa học. Đối với ông, biện pháp chia để canh tác này là một nhu cầu kinh tế.

“Thị trường áp dụng đồng giá đối với hai sản phẩm. Tôi dùng phân hóa học vì phải trả nợ vay”, Kumar giải thích. Điều nghịch lý là phần lớn nợ nần của ông xuất phát từ việc mua phân hóa học và thuốc trừ sâu nhiều năm nay.

Đất trồng ở Pendjab không phải luôn có độc chất. Trong suốt nhiều thế kỷ, nông nghiệp vùng này sử dụng hạt giống bản địa, sức kéo gia súc, phân chuồng và chế độ đa canh. Ngày nay, công thức này đã thay đổi cơ bản. Trong cuộc chạy đua lương thực và năng suất, cuộc Cách mạng xanh (chương trình hiện đại hóa nông nghiệp) những năm 1960 đã áp đặt việc sử dụng ồ ạt phân hóa học, thuốc trừ sâu và hạt giống lai tạo cùng với chế độ độc canh lúa mì hoặc lúa gạo.

Hầu hết 2 triệu nông dân ở bang Pendjab đều thích ứng với những công nghệ mới này nên hệ quả là hiện nay, có gần 90% diện tích đất ở đây đã bị xử lý bằng phân hóa học. Và chính nhờ đó mà Pendjab trở thành vựa lúa của Ấn Độ và cung cấp 50% sản lượng quốc gia. Những biện pháp này được bảo vệ bằng chính sách trợ cấp ngân sách cho các ngành công nghiệp sản xuất phân hóa học và thuốc trừ sâu. Riêng lĩnh vực thuốc trừ sâu của Ấn Độ hiện đứng hàng thứ tư thế giới.

Một số nhà sinh thái lo sợ rằng cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay sẽ thêm trầm trọng nếu chính phủ tiếp tục cổ vũ những cách làm này. Về phần mình, các nông dân ngày càng trở nên bất lực và thất vọng. Khi nói về phân hóa học và thuốc trừ sâu, họ luôn dùng từ “nasha”, theo tiếng Hindu nghĩa là ngộ độc (thường được sử dụng khi nói về rượu hoặc ma túy). Bởi vì nếu người ta rải càng nhiều phân hóa học và thuốc trừ sâu lên đất canh tác, đất sẽ đòi hỏi ngày càng nhiều hơn và trở nên kém năng suất hơn.

Đây là vòng lẩn quẩn, trong đó việc sử dụng ồ ạt phân hóa học có tác dụng làm giảm thu hoạch, trong khi thuốc trừ sâu sẽ khiến côn trùng trở nên lờn thuốc hơn. Đa số nông dân ý thức rằng có những phương pháp canh tác tốt hơn, nhưng họ không có phương tiện để thực hiện.

Nông nghiệp giải phóng đang thu hút nhiều người

Một số nông dân ở Pendjab ý thức lợi ích lâu dài của canh tác theo phương pháp sinh học nên đã chuyển đổi. Đó là trường hợp của Hartej Mehta, đang áp dụng cái gọi là “nông nghiệp giải phóng”.

Ông có 4,5 héc ta đất ruộng, chỉ đạt năng suất từ 20-25 tạ/héc ta, nhưng sản phẩm bán đắt gấp đôi. Khi giá thị trường là 1.000 rupi (khoảng 15 euro)/tạ lúa mì, ông bán được 2.000. “Càng phun nhiều thuốc thì côn trùng càng trở nên lờn thuốc. Vì vậy, tôi đã không sử dụng thuốc trừ sâu nữa”, ông Mehta giải thích.

Ngày nay, ông Mehta không còn bị căng thẳng. Ông đã thay thế “nasha” bằng cái gọi là “jeev amrit” (mật ngọt của đời), tức một hỗn hợp gồm 200 lít nước, 10 lít phân chuồng, 10 lít nước tiểu của bò, 2kg đường nâu, 2kg ngũ cốc hoặc bột và đất lấy từ thửa ruộng chưa bao giờ bị nhiễm phân hóa học hoặc thuốc trừ sâu. Ông bán lúa gạo thông qua hệ thống truyền miệng và đại diện hình ảnh mới mà nhà nông đang tạo dựng, đó là hình ảnh của một doanh nhân.

Một ưu điểm khác của canh tác nông nghiệp sinh học là chi phí cho năng suất của một héc ta thấp hơn so với canh tác cổ điển, và lợi nhuận cao hơn, dù năng suất thấp hơn, do ở chỗ người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho thực phẩm được sản xuất tự nhiên, lành mạnh.

Một điều nghịch lý là chính người bán những sản phẩm bị nhiễm độc (từ phân hóa học và thuốc trừ sâu) cũng ý thức được những lợi ích của canh tác sinh học. Tại chợ rau Ferozepur, ông Surinder Sharma nói: “Phân hóa học giết chết những vi khuẩn có lợi trong đất. Cuộc cách mạng xanh là một cái giá phải trả quá đắt cho đất đai, sức khỏe con người cũng như chất lượng nước và không khí”.

Ông G. S. Kalkat, chủ tịch Hội nhà nông Pendjab, không hài lòng về tình hình hiện nay. Tuy nhiên, ông cho rằng sẽ có nguy cơ thiếu ăn nếu như tất cả nông dân chuyển sang canh tác sinh học.

TẤN LỘC (Theo Tehelka)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới