Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi ‘ông độc quyền’ lên tiếng

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Năm nay, một trong số những điều khác biệt so với năm ngoái khi năm mới bắt đầu là Tết Nguyên đán đến rất nhanh tiếp nối Tết dương dịch. Tết cổ truyền ở Việt Nam đã rất gần – chỉ hơn hai tuần nữa.

Những ngày trước Tết Nguyên đán năm nay cũng có một điều lạ so với nhiều năm. Đó là người tiêu dùng không thấy các cơ quan chức năng phát đi những thông báo liên tục trấn an người tiêu dùng rằng họ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung cấp hàng hóa trong dịp Tết. Cũng chưa thấy các cơ quan truyền thông đăng bài cảnh báo về nạn tăng giá của mặt hàng này, mặt hàng kia.

Dù giá xăng vừa tăng liên tiếp hai lần trong vòng ba ngày và thứ Sáu tuần này là ngày rằm tháng Chạp âm lịch – một cột mốc đánh dấu cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán – dường như cơn bão tăng giá thường thấy mỗi khi Tết đến khó xảy ra trong năm nay.

Tuy nhiên, giá một mặt hàng liên quan đến đời sống của từng người Việt như “ngọa hổ tàng long” đang chực chờ tăng giá sau ngày Tết đi qua. Đó là giá điện.

Có lẽ người tiêu dùng Việt chúng ta cũng nên tự an ủi rằng giá điện tăng là “một phần tất yếu của cuộc sống”. Nhìn ra thế giới, đó là điều phổ biến. Phần lớn các nước trên thế giới – Việt Nam cũng vậy – phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện chạy dầu hay chạy than. Do vậy, khi giá hai loại nhiên liệu hóa thạch này tăng vọt, giá điện tăng là điều tất yếu. Sẽ không thực tế nếu chấp nhận giá xăng tăng mà lại khăng khăng đòi hỏi không được tăng giá điện.

Hơn nữa, tại Việt Nam, giá điện đã không tăng gần ba năm nay – từ tháng 3-2019. Trong mấy năm trời đại dịch Covid-19, Chính phủ đã gồng mình không tăng giá điện. Đến nay, thời điểm tăng giá điện đã tới!

Vâng, giá điện sẽ tăng, một thực tế người tiêu dùng chúng ta phải chấp nhận. Vấn đề là tăng như thế nào cho hợp lý. Tác giả bài này tin rằng phần lớn người Việt cũng rất thực tế. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng liệu giá điện tăng có giúp người tiêu dùng chấp nhận chia sẻ để “win-win” (cùng thắng) hay, thay vì vậy, họ phải cắn răng chịu đựng với nỗi niềm uất ức cho rằng đó là một bất công gây ra do độc quyền.

Nhìn lại bài học giá xăng, người tiêu dùng chúng ta phải tự hỏi nhau, “chúng ta sẽ chọn gì?” Chọn giá điện tăng hay chọn tắt tủ lạnh? Bài học giá xăng cho thấy dù có tiền cũng không có xăng để mua. Tương tự, không có điện, chúng ta phải tắt đủ lạnh thôi, cũng như sẽ phải nấu cơm bằng củi và giặt đồ bằng tay.

Dù muốn dù không, sản xuất và cung cấp điện ở Việt Nam vẫn còn là một thị trường độc quyền về cơ bản. Và “ông độc quyền” này đã lên tiếng gần đây với đề nghị thay đổi cơ chế điều chỉnh giá điện tương tự như điều chỉnh giá xăng – theo quy định hiện hành, thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là sáu tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất(1).

Liệu đề nghị này có hợp lý hay không? Câu trả lời cho câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng. Ở đây chỉ xin lưu ý thêm vài điều.

Thứ nhất, theo thông lệ thế giới, nhà cung cấp điện cho người tiêu dùng không thể tùy tiện tăng giá theo kiểu “ngày mai tui tăng giá à nha” như bà bán rau ở chợ. Ví dụ, theo epcforyou.co.uk, một công ty khảo sát năng lượng Anh Quốc, nhà cung cấp điện năng có thể tự định đơn giá điện của mình, nhưng phải thông báo cho khách hàng (người tiêu dùng) 30 ngày trước khi áp dụng đơn giá mới(2).

Căn cứ trên quy định hiện hành ở Việt Nam và thông lệ trên thế giới, việc điều chỉnh thời gian thay đổi giá điện như giá xăng từ sáu tháng xuống còn 10 ngày (hiện đang áp dụng) dường như quá đà và quá xa sự cần thiết.

KTGS Online vừa có bài viết dẫn nguồn Thông tấn xã Việt Nam cho biết liên quan đến đề nghị này – theo quan điểm của Bộ Công Thương – cần có sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, đầy đủ mọi tác động trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án điều chỉnh giá điện(3). Bài báo dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng quy định hiện hành đã có cơ chế đảm bảo giá điện theo sát giá đầu vào, phản ánh biến động giá trên thị trường so với giá bán lẻ điện bình quân.

Như vậy, có lẽ cũng chẳng cần phải bàn gì thêm nhiều về vấn đề này. Ba năm đã qua (so với thời gian tối thiểu sáu tháng theo quy định), nên chuyện điều chỉnh giá điện là điều bình thường. Điều người tiêu dùng mong muốn là sự minh bạch trong lần điều chỉnh này (và tất cả các lần sau). Cho đến nay, đòi hỏi chính đáng này của người tiêu dùng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.

Như đã nói ở trên, ai cũng biết thị trường sản xuất và cung cấp điện ở Việt Nam về cơ bản là độc quyền. Công luận và truyền thông đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu người có trách nhiệm đừng so sánh khập khiễng khi nói về đơn giá một số mặt hàng ở Việt Nam và nhiều nước khác rồi kết luận rằng giá trong nước còn “quá rẻ” trong khi không hề đá động gì đến khoảng chênh lệch thu nhập khổng lồ giữa người Việt và người ở các nước đó.

Theo trang mạng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá điện bình quân của Việt Nam (áp dụng từ tháng 3-2019) là 1.864 đồng/kWh (8,3 cent)(4). Con số tương đương ở Mỹ (cũng vào năm 2019) là 13.01 cent(5) – nghĩa là cao hơn gần 1,6 lần. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2022 tương đương 4.410 đô la Mỹ(6) và con số này của người Mỹ (năm 2021, theo giá hiện hành) là 70.248 đô la Mỹ(7) – gấp 17 lần.

Cũng nên biết thêm, giá điện ở Mỹ tăng bình quân 1,8% mỗi năm trong vòng 25 năm (từ 1994 đến 2019)(8). Còn ở Việt Nam, theo một bài viết trên báo mạng một thế giới Online, từ 1-12-2017, giá điện đã tăng 6,08% so với trước, và từ ngày 20-3-2019, tăng tiếp 8,35%(9), trước khi đứng yên từ đó đến nay.

Đến đây, xin để các độc giả tự suy xét.

Cuối cùng, có lẽ cũng nên hiểu rằng việc tăng giá điện có nhận được sự ủng hộ và chia sẻ từ người tiêu dùng hay không sẽ phụ thuộc vào sự minh bạch giá điện của nhà cung cấp độc quyền.

———–

(1), (3)https://thesaigontimes.vn/evn-de-nghi-co-che-dieu-chinh-gia-dien-nhu-gia-xang-bo-cong-thuong-noi-can-tinh-toan/

(2)https://www.epcforyou.co.uk/2022/03/15/how-often-do-variable-energy-rates-change/

(4)https://www.evn.com.vn/d6/news/Gia-dien-binh-quan-cua-Viet-Nam-dang-o-dau-so-voi-the-gioi-6-12-29377.aspx

(5), (8)https://www.solarreviews.com/blog/average-electricity-cost-increase-per-year

(6)https://plo.vn/nam-2022-gdp-binh-quan-dau-nguoi-dat-956-trieu-dongnguoi-post714281.html

(7)https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.PCAP.CD?locations=US

(9)https://1thegioi.vn/bo-cong-thuong-khong-nghi-den-chuyen-tang-gia-dien-172499.html

2 BÌNH LUẬN

  1. Người dân mong nhà nước kiểm toán EVN trước khi duyệt xét tăng giá điện, vì thấy cần rõ ràng trong việc tiết giảm thu chi của ngành điện trong việc giá thành tăng. Các tổng công ty phát điện như EVNGENCO 2, EVNGENCO 3 thông báo lãi nhưng tổng công ty bán điện Miền Nam thông báo lỗ, việc này rất kỳ lạ.

  2. Cần sớm có những hành lang pháp lý những điều hành của chính phủ để từ đó minh bạch và rõ ràng hơn trong mọi chuyện. Có thể thấy rằng lỗ hổng của luật pháp và tư pháp còn quá lớn với sự thiếu hụt đội ngũ các nhà làm luật mang tính chuyên nghiệp đã tồn tại nhiều năm nay dẫn đến sự bối rối, lúng túng trong quản lý, điều hành và từ đó là mảnh đất màu mỡ cho nhiều kẻ cơ hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới