Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi robot “tiệm cận” con người

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi robot “tiệm cận” con người

Giáo sư Hiroshi Ishiguro (phải) và robot bản sao của ông.

(TBVTSG) – Theo thống kê của Liên đoàn Robot quốc tế, năm 2007 cả thế giới có 6,5 triệu robot. Từ nay đến năm 2011, “dân số” robot sẽ tăng lên gần gấp ba, đạt 18,2 triệu. Lúc đó, robot công nghiệp chỉ là một bộ phận nhỏ, còn lại là robot dịch vụ, quân sự…

Nhưng robot càng giống người thì càng gây nên nhiều phản ứng về mặt tình cảm. Thế giới robot cũng rắc rối không kém thế giới con người.

Khi di chuyển trong hành lang dưới đồng phục màu xanh và trắng của Đại học Duke, bang Bắc Carolina, Duke gây ồn ào cả khu vực. Nhưng Duke không phải là sinh viên. Chú ta là robot hút bụi hình chiếc dĩa thuộc “dòng” Roomba. Không chỉ được mặc trang phục, chú ta còn có tên gọi và cả giới tính.

Đây là trường hợp phổ biến trong thế giới robot và được phát triển đến vô hạn, theo kết quả nghiên cứu ở gần 400 chủ nhân của Roomba do Sung Ja-young và Rebecca Grinter, hai nữ chuyên gia về tương tác giữa người và máy điện toán tại Viện Công nghệ Atlanta, bang Georgia, thực hiện hồi năm 2007.  

Robot: một thành viên của gia đình  

Kathy Morgan, kỹ sư ở Atlanta, còn dán nhãn “con của chúng tôi” lên robot của mình, qua đó cho thấy rằng cô xem robot như là một thành viên của gia đình. “Chúng tôi yêu thương nó, chỉ vậy thôi. Nó giúp chúng tôi giải quyết nhiều việc nhà”, cô nói.  

Theo Sung Ja-young, những người tạo ra mối liên hệ với robot của mình, xem chúng như bạn hoặc thành viên trong gia đình, không phải là những trường hợp hãn hữu. “Họ muốn Roomba của họ không giống robot nào khác, bởi vì nó hơn cả một món đồ chơi thuần túy”, cô giải thích. Khi giải mã những phản ứng của con người trước những cỗ máy này, các chuyên gia tin rằng họ hiểu được đâu là mối quan hệ mà chúng ta sẵn sàng thiết lập với robot.  

Cho đến nay, robot được chế tạo để làm những công việc nhàm chán nhất, dơ bẩn nhất và nguy hiểm nhất, như hàn thùng xe, tháo mìn hoặc cắt cỏ. Từ “robot” xuất phát từ tiếng Tiệp Khắc robota, có nghĩa là công việc nặng nhọc. Tuy nhiên, những nghiên cứu của Sung Ja-young cho thấy thái độ của con người đã thay đổi. “Khi Roomba được mặc quần áo, không gia đình nào đối xử với nó như một robot”, cô nói. “Khi chúng được bọc da hoặc quần áo, người ta có xu hướng đối xử với chúng tôn trọng hơn”.

Là sản phẩm của công ty iRobot tại Burlington, bang Massachusetts, Roomba không phải là robot duy nhất tạo nên tình cảm gắn bó của người chủ. Năm ngoái, nhiều lính Mỹ từng tham chiến ở Iraq kể trên tờ Washington Post rằng họ đã phát triển mối liên hệ tình cảm rất mạnh với các robot Packbots và Talon vốn được chế tạo để phát hiện và vô hiệu hóa bom mìn. Các lính Mỹ cảm thấy rất buồn khi robot của họ bị phá hủy trong một vụ nổ. Một số người đã tìm mọi cách “cứu sống” robot bằng các phụ tùng. Lính Mỹ còn dẫn robot đi câu cá để sử dụng cánh tay cử động của chúng làm cây chống cần câu.  

Không cỗ máy nào đạt đến độ phức tạp như con người  

Tại hội chợ robot thế giới.

Ở chừng mực nào con người xem robot như những đối tác chứ không phải là những cỗ máy thuần túy? Tạp chí New Scientist cho rằng việc trả lời câu hỏi này sẽ mang đến cho các nhà robot học những phương tiện xác định tốt hơn kiểu nhiệm vụ hoặc chức năng nào để gán cho robot. Song song đó, việc biết được robot hay con người xác định tình cảm gắn bó có thể giúp họ chế tạo những robot có khả năng gợi lên mối liên hệ tình cảm ở con người.

“Các kỹ sư sẽ phải xác định những yếu tố nào làm phát sinh những tình cảm tích cực ở con người và tìm cách chế tạo robot đáp ứng những tiêu chí đó”, Sung Ja-young giải thích.  

Để hiểu dạng robot nào tạo nên mối quan tâm xã hội ở con người, nhóm các nhà nghiên cứu của Frank Heger thuộc Đại học Bielefeld (Đức) đã quét bộ não của nhiều người tương tác với máy thông qua một trò chơi chọn đối tượng hợp tác hoặc chống đối. Những tình nguyện viên thí nghiệm này được giới thiệu với bốn “đối thủ” khác nhau: một phần mềm vận hành trên một máy tính xách tay, một đôi cánh tay robot có thể đánh bàn phím vi tính, một robot có dáng vẻ ngoài như người được trang bị một cái đầu bằng cao su có khả năng đánh bàn phím vi tính, và sau cùng là một người bằng xương bằng thịt. Kết quả cho thấy dáng vẻ bề ngoài của robot đóng vai trò quyết định trong việc thiết lập các quan hệ phức tạp giữa người và máy.  

Nhưng dù có những điểm chung giữa cách thức quan niệm robot và con người, vẫn có những khác biệt. Daniel Levin và các đồng nghiệp ở Đại học Vanderbilt tại Nashville, bang Tennessee, đã cho nhiều người xem băng video quay các robot đang hoạt động trước khi hỏi họ suy nghĩ gì. Kết quả là những người tham gia thử nghiệm từ chối gán những ý định cho robot, dù mức độ tinh xảo của các robot này cao đến đâu đi nữa.  

Herbert Clark, nhà tâm lý học tại Đại học Stanford, bang California, nghi ngờ khả năng con người có thể duy trì những mối quan hệ thực sự phức tạp với robot. “Các nhà robot học phải thừa nhận không bao giờ có cỗ máy nào đạt được độ phức tạp như con người. Họ càng sớm hiểu được điều đó thì chúng ta càng có ý tưởng thực tế hơn về những gì robot có thể mang lại”, ông nói. Theo ông, việc robot không có đam mê và tự do phân định sẽ luôn hạn chế sự cảm nhận của con người về nó.  

Hiroshi Ishiguro, nhà nghiên cứu ở Đại học Osaka (Nhật), tin rằng sự tương tác giữa người và máy không đến nỗi hạn chế như vậy. Ông đã chế tạo một robot có hình dạng bên ngoài giống y như mình, có thể lắc lư, chớp mắt, thở, nói và dõi mắt nhìn theo một vật thể. Mới đây, ông đã sử dụng robot này để lên lớp tại đại học bằng cách điều khiển từ xa thông qua một remote control. Theo Ishiguro, sinh viên có những phản ứng tình cảm với bản sao nhân tạo này. “Họ đối xử với bản sao của tôi hoàn toàn tự nhiên và không quên cúi đầu chào khi bắt gặp trên đường đi. Các robot có thể là đồng minh của con người và điều đó đang trở thành thực tế”, ông kết luận.  

Robot quân sự: cuộc chiến chẳng có tâm trạng  

Với việc triển khai những robot chiến đấu có vũ khí đầu tiên tại Iraq, người Mỹ đã thực hiện một bước tiến mới theo hướng đi vô cùng nguy hiểm. Đó là giai đoạn cuộc chiến mà robot sẽ quyết định khi nào bắn ai, giết ai. Hiện Mỹ triển khai hơn 4.000 robot tại Iraq và một số lượng khác ở Afghanistan, theo tờ The Guardian.

Vấn đề là những robot này được trang bị vũ khí và nằm trong dự án “hệ thống chiến đấu tương lai” có tổng kinh phí 230 tỷ đô-la Mỹ. Chúng có thể chiến đấu trên mặt đất, dưới biển và trên không, do chính con người điều khiển. Chẳng hạn khi một chiếc Predator MQ-1 bán tự động bay trên một chiếc xe chở những thành viên giả định của Al-Qaeda, quyết định bắn tên lửa Hellfire tiêu diệt mục tiêu được thực hiện cách đó 10.000 km. Những cỗ máy bán tự động hoặc điều khiển từ xa này hiện đang đặt ra vấn đề trách nhiệm đạo đức có thể so sánh với trách nhiệm của một vụ ném bom truyền thống.  

Nhưng các cuộc nghiên cứu nhằm chế tạo robot hoàn toàn tự động có khả năng tự ra quyết định liên quan đến những hoạt động ảnh hưởng đến tính mạng con người đang là ưu tiên của quân đội Mỹ. Do vậy, cuộc chiến đang bước vào giai đoạn mới cực kỳ nguy hiểm vì không có một chuẩn quy định nào về mặt đạo đức. Theo một tài liệu của hải quân Mỹ, vấn đề chính đặt ra là xác định các mục tiêu được cho phép. Câu trả lời rất đơn giản: con người tấn công con người và các cỗ máy phá hủy cỗ máy khác. Nhưng một robot không thể nhắm vào một vũ khí mà không nhắm vào người sử dụng vũ khí đó, thậm chí không thể phân biệt rõ một vũ khí với một vật thể khác.  

Trong sự cố gắng xoa dịu sự phản kháng của phía chống đối, quân đội Mỹ tài trợ một dự án nhằm trang bị cho các “binh sĩ” robot có được ý thức để có thể ra những quyết định về mặt đạo đức. Nhưng các cỗ máy sẽ không đủ khả năng phân biệt giữa các xe buýt chở binh sĩ kẻ thù với xe buýt chở học sinh. Như vậy chẳng khác nào đổ mọi trách nhiệm sai lầm tai hại lên những chiếc máy không có ý thức.  

Robot phục vụ cuộc sống: sẽ tình cảm hơn   May mắn thay, thế hệ robot tương lai sẽ được sử dụng vào việc nhà, giúp khuây khỏa những trái tim cô đơn và chăm sóc người lớn tuổi. Một số nhà khoa học tin rằng từ nay đến 10 năm nữa, bạn sẽ bắt gặp những robot có tình cảm gần nhà mình. Để được như vậy, ngay bây giờ cần phải giúp robot có tình cảm để thực hiện các công việc một cách đủ độc lập và có hiệu quả.  

Hiện nay, những robot có trên thị trường chỉ biết làm một việc duy nhất, chẳng hạn hút bụi. Ngày 17-2-2007, trước Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học của Mỹ (hiệp hội xuất bản tạp chí Science) tại San Francisco, một nhóm chuyên gia về robot học đã dự đoán rằng trong 10 năm nữa, các robot sẽ không chỉ thực hiện nhiều công việc khác nhau tại nhà, mà còn biết làm bạn với chủ nhân của chúng. Cũng các nhà khoa học này cho rằng đã có thể giúp robot có được những sắc thái “tình cảm”.  

Robot sao biển di chuyển.

Nhiều nhóm nhà nghiên cứu trên thế giới cũng đang thử nghiệm các robot có khả năng có những cảm xúc được gọi là sơ khai bằng cách tạo động lực cho chúng. Nếu robot không hài lòng với việc lau sạch một tấm thảm dơ trong nhà, chúng sẽ tiếp tục tìm vết dơ để làm lại công việc ấy. Thậm chí, nếu cảm thấy “buồn” vì làm hỏng một công việc, chúng sẽ gia tăng cố gắng lần sau.  

“Cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng sự chú ý đến cái cần thiết và không quan tâm đến cái thừa,” giáo sư Cynthia Breazeal ở Viện Công nghệ Massachusetts và là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về robot học, giải thích. “Nó cho phép robot ra những quyết định tốt nhất, làm tốt những gì chúng tiếp thu và tương tác một cách thích hợp hơn”.  

Những cảm xúc của con người trước tiên là một loạt tín hiệu điện và hóa mà bộ não diễn giải để sản sinh ra một tình cảm đặc biệt. Và cảm xúc này là cơ sở của một loạt quyết định cần phải thực hiện sau đó. Bằng cách này, giáo sư Breazeal đã lập trình robot của mình để nó diễn giải các tín hiệu điện tử như các cảm xúc làm phát sinh một phản ứng cơ học, chẳng hạn thay đổi diễn cảm trên gương mặt, giọng nói và thậm chí tư thế. Tương tự, robot sẽ cười khi được đưa đồ chơi, và sợ hãi khi bị làm bất ngờ giật mình. Theo lập luận của nhà khoa học này, nếu tạo được sự bực tức trước việc không thực hiện tốt một công việc khó, robot sẽ thay đổi chiến thuật.  

Các nhà khoa học khác nhận thấy rằng bằng cách tái tạo cảm giác đói ở robot, nó nhận ra pin đang yếu và tìm cách tự nạp điện. Các chuyên gia tin học của Đại học Glasgow Caledonian University cũng tìm cách mang đến cho robot những cảm giác. Giáo sư tin học David Moffat đã thử chế tạo các robot biết sợ, một dạng tình cảm giúp chúng thoát khỏi những đồng loại “ăn thịt”. “Một robot hoàn toàn thiếu cảm xúc sẽ không đặt ra mục tiêu nào cả và cũng không có lý do để thức dậy buổi sáng. Cảm xúc trở thành một phần thưởng hoặc hình phạt kích thích robot đạt được mục tiêu,” ông nói.  

Từ năm năm nay, người ta chứng kiến hàng loạt tiến bộ của công nghệ rất cần thiết để chế tạo các robot tốt nhất. Trí khôn nhân tạo giúp tạo ra các robot có thể làm toán và học. Sony đã chế tạo ra chú chó Aibo có phản ứng tùy vào lệnh của người chủ và biết nhận diện các gương mặt. Honda đẩy công nghệ đi xa hơn với Asimo có hình giống người biết thực hiện các chuyển động phức tạp như bước nhảy, tránh di chuyển trên đường đông đúc và thậm chí bắt chước các động tác của con người. Nhiều công ty đã chế tạo robot điều dưỡng và những cỗ máy biết tiến hành phẫu thuật đơn giản nhằm làm giảm gánh nặng cho nhân sự ngành y tế.  

“Trong tương lai, chúng ta sẽ có ngày càng nhiều robot ở nhà, làm những công việc gia đình và bầu bạn”, ông David Calkins thuộc Hội Robot học Mỹ dự báo. “Chúng ta sẽ có những robot biết tương tác trong việc phát thuốc uống, giữ nhà và thậm chí robot người hầu”.  

TẤN LỘC (tổng hợp)

Thuật ngữ “robot” ra đời trên sân khấu. Nó được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1921, tại Praha, trong vở Rossum’s Universal Robots. Tác giả của nó, Karel Capek, nhà văn, nhà báo và nhà viết kịch, cũng là một trong những người đi tiên phong trong khoa học viễn tưởng. Ông đã sử dụng thuật ngữ robota – công việc nặng nhọc – để đặt tên cho những nhân vật của mình, những người máy hữu cơ do con người tạo ra.

Trong phiên bản hiện đại của huyền thoại Golem này, những công nhân nhân tạo thực hiện những công việc cực nhọc nhất trước khi nổi loạn chống lại người tạo ra chúng. Tác giả đã thấy trước viễn cảnh này chăng ? Sau Karel Capek, đến lượt nhà văn Mỹ gốc Nga Isaac Asimov chọn robot làm đề tài cho các tác phẩm của mình trong những năm 1950.

Để ngăn ngừa mọi hiểm nguy, ông nghĩ ra ba luật sẽ chi phối các hoạt động của robot: không được làm hại con người, hoặc thụ động để con người gánh chịu thiệt hại; phải tuân lệnh con người, trừ phi lệnh ban ra có thể dẫn đến vi phạm lệnh đầu tiên; phải bảo vệ “mạng sống” của mình cho đến khi nào điều đó không mâu thuẫn với luật đầu tiên và / hoặc luật thứ hai. 

 

Robot có tự sinh sản?  

Những ai thích truyện khoa học viễn tưởng đều biết rằng chơi với robot có ngày sẽ đi đến chỗ bắn phá tan tành. Loạt phim nổi tiếng Terminator của Hollywood đã mô tả cảnh đó. Con người phạm sai lầm khi sản xuất các robot có thể tự sinh sản được. Và các robot này cuối cùng quyết định rằng nhân loại là một tai họa và sẽ lao vào cuộc tìm diệt.  

Các khối vuông có thể tự ráp của nhà nghiên cứu Hod Lipson.

Nhưng trước mắt, bạn đừng hoảng hốt đến mức như vậy. Robot được con người lên chương trình để sản xuất các máy móc trên một dây chuyền, nhưng bảo rằng tự chế tạo robot từ một cái máy tương tự thì còn là chuyện của tương lai xa.

Những tiến bộ vẫn còn khiêm tốn, nhưng các nhà khoa học hy vọng sẽ sớm nắm được các dữ liệu của bài toán. Tất cả thừa nhận rằng những bước tiến đã bị chậm lại do thiếu tài trợ và do người ta cũng chưa biết chế tạo robot tự sinh sản dùng vào việc gì, dù về mặt lý thuyết chúng có thể được dùng để tạo nên một cơ sở trên Mặt trăng hoặc sao Hỏa.  

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng gặp những trở ngại về mặt khái niệm. Nếu cho một đứa trẻ chơi trò xếp Lego, nó sẽ bày các miếng ráp trước mặt và tìm cách chọn trong đống hỗn độn đó những miếng mà nó cần. Đó chính là nhiệm vụ làm robot lúng túng. “Đó không chỉ là khó khăn chính đối với chuyện tự sinh sản không thôi, mà còn đối với ngành robot nói chung,” giáo sư Gregory Chirikjian thuộc Đại học Johns Hopkins (Baltimore) thừa nhận.  

Kết quả là các kỹ sư đã ra tay trợ giúp robot của mình. Cách nay hai năm, Hod Lipson và các cộng tác viên của ông thuộc Đại học Cornell đã giới thiệu các hình khối có khả năng tự lập trình có mỗi cạnh dài 10 cm. Mỗi khối vuông gồm có hai nửa hình kim tự tháp có thể xoay trên trục của nhau. Những khối vuông này bám lên nhau nhờ tiết diện có nam châm.

Trong lúc vặn vẹo uốn éo như một vũ công, một chồng gồm bốn khối vuông có thể ráp thành một chồng thứ hai, với điều kiện các khối vuông mới được đưa vào đúng vị trí và đúng thời điểm. Nhưng cho dù một chồng khối vuông đầu tiên có thể tạo ra một chồng khối vuông thứ hai, thì hình thức tự ráp lại như thế này là rất xa với chuyện robot tự sinh sản. Đó là chưa kể mỗi khối vuông tự thân đã là một robot phức tạp. Và chồng khối vuông vặn vẹo như thế này cũng rất cần nhiều sự trợ giúp để định vị các khối vuông phụ.  

M.T (Science)

Robot học cách sờ mó vật thể  

Cánh tay robot của Intel.

Để nắm giữ một vật lạ, bàn tay phải xác định hình dạng của vật, độ cứng mềm, trọng lượng… Đây là điều không dễ đối với một robot.  

Nhà nghiên cứu Joseph Smith ở hãng Intel cho rằng các robot thiếu khả năng tương tác đơn giản với môi trường xung quanh. Dùng cánh tay đưa một vật nhỏ xíu vào đúng vị trí định sẵn là một chuyện, nhưng giúp một người già đứng lên khỏi ghế ngồi lại là chuyện khác.  

Cuối tháng 9-2008, Smith và nhóm nghiên cứu của ông đã thử nghiệm thành công một công nghệ mới mang tên “pre-touch”, giúp robot “cảm nhận” được một vật thể ở khoảng cách vài phân. Bằng các đầu ngón tay có gắn điện cực, bàn tay robot phát ra một điện từ được hiệu chỉnh ngay khi một vật dẫn – bằng kim loại hoặc có chứa nước – nằm trong tầm của nó. Các phép tính toán học diễn giải ngay sự hiệu chỉnh điện từ và tạo ra tầm nhìn xác định vị trí của vật thể.  

Nhân một cuộc gặp mặt của Intel tổ chức tại Mountain View, bang California, Smith đã giới thiệu phiên bản mới nhất của bàn tay robot. Ngoài các bộ phận thu nhận pre-touch, nhà khoa học này đã trang bị thêm cho robot của mình các thiết bị đo lực tác động lên từng ngón tay để giúp robot biết liệu vật thể có trượt khỏi hoặc được nắm chặt bởi toàn bộ các ngón. Một khi vật thể được định vị chính xác, các ngón tay tự động khép lại sao cho vật thể không rơi ra được.  

Để giúp đỡ người trong nhà, các robot sẽ phải có khả năng phản ứng trước vật thể lạ. Ngày nay, dù các nhà khoa học biết lên chương trình để robot thực hiện các nhiệm vụ ngày càng phức tạp hơn, họ vẫn chưa biết làm thế nào dạy robot cách thích nghi với môi trường không dự đoán được.  

Tuy nhiên, một robot do Đại học Amherst, bang Massachusetts, triển khai lại có khả năng học cách sử dụng những vật thể lạ. Robot này được đặt tên UMass Mobile Manipulator (hoặc UMan) và biết đẩy các vật thể trên bàn để nghiên cứu phản ứng của các vật thể này. Sau khi xác định các bộ phận xoay chuyển được của vật này, nó bắt đầu thử nghiệm và điều khiển để thực hiện các hoạt động. “Cũng giống như một đứa bé dùng tay nắm kéo các phần khác nhau của một món đồ chơi để tìm hiểu sự chuyển động của chúng,” tác giả và nhà nghiên cứu robot Dov Katz giải thích.  

Nhờ có một camera nhỏ, UMan có thể quan sát mặt bàn từ trên cao. Qua phân tích các khác biệt về độ phân giải lân cận, robot bắt đầu đoán đường viền của vật thể. Sau đó nó đẩy vật thể tới trước và tính toán lại hình dạng tùy theo phản ứng ghi nhận. Nó tiếp tục như thế để xác định xem những bộ phận khác nhau của vật thể phản ứng ra sao giữa chúng với nhau, cho đến khi hiểu được sự vận hành của vật thể. Ở vị trí nào mà chuyển động bị giới hạn, UMan cho rằng tại đó có khớp nối. Sau đó, robot sử dụng những thông tin này để tìm ra cách tốt nhất để điều khiển vật thể.  

“Một trong những thách thức của ngành robot học là làm sao để một robot có thể phản ứng một cách thông minh trước một vật thể, dù nó không biết hình dạng ra sao,” nhà nghiên cứu Andrew Ng ở Đại học Stanford (California) và là chuyên gia về robot cầm nắm, bình luận. “Tôi cho rằng công việc này là một bước quan trọng theo hướng này. Trước đây, khi ai đó muốn dạy robot sử dụng cây kéo, họ phải lập ra những quy định dài ngoằng để mô tả vật thể và giải thích sự vận hành của hai lưỡi kéo. Ngày nay, Katz và Brock đề nghị một tầm nhìn khác hẳn mà theo đó, trước tiên robot “chơi” với cây kéo trước khi hiểu được hai lưỡi kéo được gắn vào nhau ra sao”.  

MINH TRƯỜNG (Technology Review)

Tại sao người Nhật dẫn đầu việc nghiên cứu robot?  

Robot HRP-2 nhảy múa như người.

Giáo sư Kazuhito Yokoi, người đồng điều hành Phòng thí nghiệm robot Pháp – Nhật Tsukuba (thủ đô về robot học quốc tế), cho biết vào cuối Thế chiến thứ hai, ngành công nghiệp Nhật phải gượng dậy để phát triển, nhưng lại thiếu nhân công trầm trọng. Nước Nhật chưa hề tiếp đón nhiều người di cư và về mặt lịch sử, người nước ngoài không được chào đón ở đất nước mặt trời mọc.

“Dù ngành chế tạo robot xuất hiện trước tiên ở Mỹ, nhưng tại đó cũng như ở châu Âu, các công đoàn rất mạnh và họ chống lại việc tự động hóa các quy trình sản xuất công nghiệp,” ông nói. “Nhưng tại Nhật, các công đoàn yếu hơn và chính phủ có hai khả năng : hoặc mở cửa biên giới, hoặc tự sản xuất công nhân cho riêng mình. Thế là nước Nhật đã quyết định nới lỏng các quy định nhập cư và đồng thời đầu tư vào sản xuất robot”.  

Các nhà chế tạo robot đã biết làm cho robot bước đi được. Nhưng vấn đề đặt ra sau đó là phản ứng của robot trước các chướng ngại trên đường di chuyển. Một robot không hiểu được những khác biệt của địa hình, độ cao, cầu thang, những bậc thềm… Nếu như vấn đề cơ khí đã được giải quyết, chuyện khó nhất là phải bảo đảm độ thăng bằng.

“Khi một đứa trẻ bị ngã, chẳng sao cả, nó có thể tự đứng dậy. Nhưng khi một robot có kích thước như một người lớn bị ngã, nó sẽ tan tành,” giáo sư Yokoi giải thích. Ông là cha đẻ của HRP-2, một robot cao 1,54 m có hình dạng lấy từ cảm hứng một nhân vật manga (truyện tranh Nhật) và được đánh giá là một trong những robot hoàn hảo nhất về khả năng di chuyển và quan hệ.  

Theo giáo sư Yokoi, chúng ta đang ở trong kỷ nguyên robot. Trong lĩnh vực công nghệ, người ta đã sử dụng robot từ lâu. Và cuộc sống hằng ngày đầy rẫy những hệ thống robot mà chúng ta không nhìn thấy, chẳng hạn đó là những cánh cửa đóng mở tự động, những thiết bị thu nhận tín hiệu đủ loại… Trong tương lai, robot sẽ thực hiện những công việc cơ học hơn và nặng nhọc hơn, chẳng hạn làm sạch đường phố và các căn hộ cao tầng, trợ giúp việc nhà, chăm sóc người già…

Tại Nhật, chính phủ cho biết từ nay đến năm 2030, dân số ở độ tuổi lao động sẽ giảm 16%, trong lúc người già ngày càng nhiều hơn và cần được chăm sóc tốt hơn. Giải pháp dự kiến là sử dụng robot. Từ nay đến năm 2025, robot sẽ làm việc thay cho 3,5 triệu người, theo đánh giá của nhóm chuyên gia thuộc Hiệp hội Machine Industry Memorial Foundation. Nước Nhật có thể tiết kiệm 2.100 tỷ yen (13 tỷ euro) khi giao việc chăm sóc người già cho các robot giám sát. Vào năm 2025, một phần ba dân số Nhật sẽ ở độ tuổi trên 65.

T.L

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới