Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi sàn thương mại điện tử tiêu thụ đồ gian

Thư Kỳ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, eBay và thậm chí Facebook đang bị biến thành nơi tiêu thụ đồ kẻ gian đánh cắp từ khắp nơi.

Trang tin CNBC trích lời các nhà bán lẻ ở Mỹ cho biết năm 2019 tổng cộng có chừng 68,9 tỉ đô-la giá trị hàng hóa bị mất cắp; con số này tăng nhanh trong những năm qua, chuyển từ cắp vặt sang cướp có tổ chức như hàng loạt vụ bọn trộm đi thành những nhóm rất đông, đồng loạt đột nhập các cửa hàng sang trọng khoắn sạch hàng trưng bày rồi biến mất.

Theo các nhà điều tra, nguyên nhân đằng sau sự gia tăng các vụ trộm cắp như thế là do hàng gian dễ tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Trước đây kẻ cắp chỉ biết bán rẻ hàng xoáy được ngoài chợ trời hay dấm dúi trong ngõ hẻm.

Trong khi các nhà bán lẻ và cơ quan điều tra cho rằng các sàn thương mại điện tử cần siết chặt hơn nữa việc kiểm tra nguồn gốc hàng bày bán để chặn con đường tiêu thụ hàng gian, các sàn này nói họ đã làm hết sức. Như Amazon, theo CNBC, nói là đã đầu tư hơn 900 triệu đô-la và tuyển dụng hơn 12.000 người trong năm 2021 chỉ để ngăn ngừa lừa đảo và bán hàng gian. Hãng này cũng cho biết họ có yêu cầu bên bán cung cấp bằng chứng mua hàng mỗi khi có nghi ngờ đang tiêu thụ hàng mờ ám.

Thế nhưng lâu nay các sàn thương mại điện tử thường khẳng định họ chỉ là nơi tổ chức chợ trên mạng, họ không chịu trách nhiệm cho chất lượng hay độ an toàn của các sản phẩm do bên thứ ba bày bán trên chợ này. Chính vì thế mà gần đây 20 nhà bán lẻ loại lớn, kể cả Home Depot, Best Buy, Walgreens và Kroger đã gởi thư cho Quốc hội Mỹ đòi giới lập pháp phải có biện pháp yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát những người bán trên sàn của họ với những tiêu chí chặt chẽ hơn.

Hạ viện Mỹ đã thông qua một đạo luật trong đó có yêu cầu những người bán hàng trên Amazon, eBay hay Facebook phải cung cấp số tài khoản ngân hàng được xác nhận, mã số thuế cũng như địa chỉ email và số điện thoại còn hiệu lực. Đạo luật này đang chờ Thượng viện Mỹ thông qua.

Đồng tác giả đạo luật, Thượng nghị sĩ Dick Durbin nói tại một buổi điều trần, rằng năm 2008 khi lần đầu tiên ông đưa ra dự thảo giải quyết vấn nạn hàng gian bán trên các sàn thương mại điện tử, chủ sàn bảo “đừng lo, chúng tôi đang giải quyết, không cần luật mới đâu!”. Thế nhưng hơn 13 năm sau vấn nạn này vẫn còn đó và dường như ngày càng tệ hại hơn.

Các sàn thương mại giờ sống nhờ bên thứ ba nên họ tạo mọi điều kiện cho mọi người tham gia bán hàng dễ dàng, thuận tiện. Chính vì thế họ vận động hành lang ráo riết để nới lỏng các yêu cầu xác minh. Dự luật nói trên hiện chỉ yêu cầu xác minh những nơi bán hàng có doanh thu trên 5.000 đô-la và cứ hai năm mới xác minh một lần. Dĩ nhiên chính sách của các sàn thương mại điện tử là không cho phép bán hàng do trộm cắp mà có trên sàn của mình; vấn đề là cơ chế xác nhận đâu là hàng hợp pháp, đâu là hàng gian.

Từ năm 2020, Amazon đưa ra chương trình xác minh người bán bằng cách yêu cầu bất kỳ ai đăng ký làm người bán hàng trên Amazon phải dự một cuộc họp trực tuyến có quay video rồi trưng ra giấy tờ tùy thân. Họ cũng xác minh địa chỉ người bán bằng cách gởi một bưu thiếp trên đó có mã số đặc biệt rồi yêu cầu người nhận gõ mã số đó vào trang web xác minh. Tuy nhiên các biện pháp này chỉ làm khó kẻ cắp nhỏ lẻ chứ không thể trói tay kẻ xấu tinh vi, có tổ chức.

Hiện nay vấn đề càng phức tạp hơn khi Amazon mở cửa cho bên bán lẻ thứ ba từ nước ngoài tham gia. Từ khi Amazon có chính sách này với thị trường Trung Quốc vào năm 2013, chỉ mấy năm sau đó Amazon phải đương đầu một cuộc khủng hoảng hàng giả, hàng xấu.

Riêng với Market Place trên Facebook, lập trang bán hàng tương đối dễ dàng vì Facebook không yêu cầu giấy tờ xác nhận nhân thân ngoại trừ cái tên và số điện thoại hay địa chỉ email xác minh được. CNBC kể, một người ở bang Ohio, trước khi bị bắt, nói mỗi ngày anh ta kiếm được 2.500 đô-la nhờ quảng cáo các dụng cụ chạy điện như cưa điện, khoan điện… trên Facebook rồi hẹn khách mua ra các bãi đổ xe mua hàng giá chỉ bằng một nửa giá chính thức. Dưới áp lực của giới lập pháp và các nhà bán lẻ, Facebook nay bắt đầu yêu cầu bên bán cung cấp thông tin rồi hiển thị thông tin này cho người mua nắm.

eBay thì dựa vào các mô hình chống rủi ro để phát hiện hàng có nghi vấn. Đại diện eBay nói với CNBC, giả dụ bạn chưa bao giờ bán gì nhiều nay tự dưng liệt kê 15 chiếc iPhone mới cứng trên trang của bạn, chúng tôi sẽ phát cảnh báo ngay. Với sự hợp tác của eBay, cảnh sát Mỹ bắt giữ 41 người sau ba năm điều tra, thu hồi 3,8 triệu đô-la hàng đánh cắp từ các cửa hàng như Bloomingdale’s và Duane Reade rồi rao bán trên eBay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới