Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi sàn vàng chuẩn bị đóng cửa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi sàn vàng chuẩn bị đóng cửa

Thủy Triều

Các nhà đầu tư ở sàn vàng ACB trong ngày đầu năm 2010. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Phó giám đốc Công ty Chứng khoán Âu Việt Lê Anh Thi nhận định rằng việc Ngân hàng Nhà nước quyết định đóng cửa các sàn giao dịch vàng sẽ có tác động tốt đến thị trường chứng khoán lẫn các ngân hàng thời gian tới.

Không chỉ ông Thi, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định rằng, khi kênh đầu tư vàng tài khoản không còn nữa trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chưa có đủ sức nóng, một lượng tiền lớn đang đầu tư trên các sàn vàng ít nhiều sẽ chuyển vào thị trường chứng khoán giúp tăng tính thanh khoản của thị trường này.

Và phản ứng với thông tin tích cực trên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên giao dịch mở đầu năm mới 2010 khá ấn tượng với hàng loạt cổ phiếu tăng trần và chỉ số VN-Index tăng đến 4,5% lên mức 517,05 điểm, trong khi suốt những phiên cuối năm 2009, chỉ số này giằng co mãi vẫn không vượt nổi mốc 500 điểm.   

Ngoài kênh chứng khoán, theo ông Thi, lượng vốn từ sàn vàng cũng sẽ ít nhiều chảy vào kênh tiền gửi tiết kiệm giúp ngân hàng cải thiện nguồn vốn huy động đang còn khó khăn.

Theo báo cáo phân tích ngày 18-11-2009 của Công ty Chứng khoán HSC về tình hình kinh doanh chín tháng đầu năm của Ngân hàng Á Châu (ACB), ngân hàng có sàn vàng lớn nhất, thì thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng chiếm 17% tổng thu nhập thuần trong chín tháng đầu năm 2009 của ACB.

Theo ước tính của HSC, phí thu được từ sàn giao dịch vàng và môi giới chứng khoán chiếm 27-28% tổng thu nhập phi rủi ro của ACB nhờ khối lượng giao dịch cao trên hai thị trường và riêng phí giao dịch thu từ sàn vàng của Ngân hàng ACB trong chín tháng theo ước tính của HSC là 120 tỉ đồng.

Tuy nhiên, vì Ngân hàng Nhà nước đã quyết định, nên các ngân hàng cho biết sẽ đóng cửa các sàn vàng đúng theo quy định, tức là dừng mọi hoạt động kinh doanh vàng tài khoản từ ngày 30-3-2010.

Các ngân hàng có hoạt động sàn vàng cho biết đã thông báo đến tất cả các nhà đầu tư của mình để họ có thể chủ động tính toán đóng trạng thái trước thời hạn trên.

Ông Phạm Duy Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á, cho biết đã thông báo cho các khách hàng của sàn vàng Việt Á biết và đến ngày 30-3, nếu khách hàng vẫn chưa đóng trạng thái thì ngân hàng sẽ tự động đóng tài khoản của khách theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngay sau khi quyết định của Thủ tướng được thông báo, Ngân hàng Eximbank đã điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động vàng kể từ ngày 1-1-2010. Lãi suất huy động vàng cao nhất tại Eximbank là 2,5%/năm cho kỳ hạn ba tháng và lãi suất cho kỳ hạn từ bốn tháng trở lên đều dừng ở mức 1,5%/năm, trong khi trước đây mức lãi suất huy động cao nhất của ngân hàng này là hơn 4%/năm.

Vì cái lợi tổng thể của đất nước

Liên quan đến quyết định chấm dứt hoạt động của sàn vàng, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), phân tích: việc thắt chặt kiểm soát, quản lý hay thậm chí là cấm đều theo hai lập luận cơ bản.

Lập luận thứ nhất, với một nước còn nghèo thì nên dồn mọi nguồn lực có được vào sản xuất kinh doanh tạo ra hàng hóa và dịch vụ để phục vụ nền kinh tế thực, phục vụ đời sống một cách trực tiếp.

Lập luận thứ hai là kinh doanh sàn vàng trong bối cảnh hiện nay đang tạo ra sự bất ổn về vĩ mô, làm xáo động về lòng tin trên thị trường.

Chính sách vĩ mô là làm vì cái chung, vì cái lợi của tổng thể đất nước, không thể có chính sách nào đó làm cho 86 triệu người dân đều có lợi. Một chính sách tốt là Nhà nước đứng ra điều phối nguồn lợi từ những người có lợi để giảm bớt một phần cho những người thua thiệt.

Nếu nói về nguyên tắc, thì phải đảm bảo: thứ nhất, đã là kinh doanh thì phải đóng thuế; thứ hai, hạn chế rủi ro bất ổn vĩ mô thì Nhà nước phải giám sát luồng tiền. Hội nhập và mở cửa sâu hơn có liên quan đến câu chuyện tiền ra, tiền vào và Nhà nước phải giám sát kỹ.

Thủy Nguyên ghi

 

NHNN nói về sàn vàng

Ngày 4-1, tại cuộc họp triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước đã công bố tài liệu trong đó nêu rõ quan điểm của cơ quan này về sàn vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Theo đó, cơ quan này sẽ triển khai các chỉ đạo kết luận của Thủ tướng Chính phủ đối với hoạt động kinh doanh vàng.

Theo NHNN, hoạt động kinh doanh sàn vàng hay còn gọi là kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước là loại hình kinh doanh chênh lệch giá (margin trading) mà ngay cả trên thế giới cũng đánh giá là loại hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro rất cao cho cả nhà đầu tư và cho chính các đơn vị kinh doanh sàn vàng.

Đây không phải là hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Mà ngược lại, một khối lượng vốn lớn được rút ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho các giao dịch kinh doanh vàng trên sàn vàng.

Chỉ riêng Trung tâm Giao dịch vàng Sài Gòn của Ngân hàng ACB ở thời điểm giao dịch sôi động nhất một ngày cũng có doanh số lên đến hơn 8.000 tỉ đồng. Đến nay, mặc dù hoạt động của các sàn giao dịch vàng đã chững lại thì dư nợ cho vay trên các sàn giao dịch vàng tại Hà Nội và TPHCM cũng hơn 2.000 tỉ đồng.

Do các sàn giao dịch vàng tự đề ra quy chế giao dịch và các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, chưa nhận biết rõ các rủi ro có thể gặp phải khi kinh doanh vàng trên tài khoản, thời gian qua đã xảy ra những tranh chấp, khiếu kiện giữa nhà đầu tư và đơn vị tổ chức sàn.

Qua rà soát, việc thành lập và hoạt động của các sàn giao dịch vàng là chưa có cơ sở pháp lý. Đồng thời hoạt động của các sàn giao dịch vàng trong thời gian vừa qua tiềm ẩn một số yếu tố có thể gây bất ổn kinh tế xã hội.

Về kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, đến nay đã có 11 ngân hàng thương mại và 8 doanh nghiệp kinh doanh vàng được kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.

Việc cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài vào năm 2006 nhằm giúp cho các đơn vị kinh doanh vàng có thể lựa chọn  mức giá khi quyết định xuất, nhập khẩu vàng.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thời gian qua đã bộc lộ một số điểm hạn chế như: các đơn vị được phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài cũng kinh doanh trên các sàn vàng quốc tế.

Đây là hoạt động có mức rủi ro rất cao khi giá vàng thế giới có những biến động mạnh, lên xuống thất thường với biên độ lớn. Đồng thời, chính các đơn vị này đã thành lập các sàn giao dịch vàng trong nước, mà thực chất là mua bán vàng trên tài khoản ở trong nước, gây nhiều biến động trên thị trường vàng trong thời gian vừa qua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới