Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi sếp… low tech!

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Em ơi, chỉ cho anh cách mở tài khoản Facebook”; “Chạy Ad trên Google là gì, cô giải thích cho tôi nghe được không?”; hay “đơn sơ” hơn: “Cậu chỉ giúp tôi cách vào cái Zoom để họp online đi...”. Những tình huống đối thoại dở khóc dở cười đó có thể xảy ra ở bất kỳ một công ty hay một công sở nào.

“Những cuộc họp thường kéo dài hơn dự kiến khiến mọi người mệt mỏi, chỉ để giải thích cho các ông bà sếp những khái niệm công nghệ truyền thông mà bọn em - đứa nào cũng hiểu là sếp sẽ mù mờ hỏi lại trong mấy cuộc họp sau”, một nhân viên truyền thông trẻ nói về lý do khiến cô mất kiên nhẫn, phải đâm đơn nghỉ việc ở một công ty lớn.

Vô sự trước công nghệ!

Với thế hệ sinh từ năm 1980 về sau, sinh ra và trưởng thành trong thời đại Internet, nhìn chung họ dễ dàng thích ứng với các bước tiến của công nghệ. Trong khi đó, với đa số những người được sinh ra vào các thập niên trước đó, việc trang bị những kỹ năng và phương tiện sử dụng công nghệ là khá khó khăn. Thêm vào đó, nhiều người còn có tư duy chống lại sự can thiệp của công nghệ vào đời sống, do cảm thấy phiền hà, không được “thoải mái như xưa”.

Điều này làm cho họ đứng bên ngoài một số thay đổi rất nhanh về các phương thức sử dụng công nghệ trong công việc. Nhưng điều oái oăm là bằng kinh nghiệm, vốn sống và cả sự tích lũy chuyên môn, họ lại ngồi ở vị trí quản lý. Nỗi khổ của các nhân viên trẻ trong việc khó đối thoại với người quản lý khi đụng đến sử dụng công nghệ bắt đầu từ đây.

Nhiều người có tư duy chống lại sự can thiệp của công nghệ vào đời sống, do cảm thấy phiền hà, không được “thoải mái như xưa.

Phòng truyền thông nọ có ông sếp là dân viết kỳ cựu từ một tờ báo chuyển về. Sếp có “quá khứ hoành tráng, tên tuổi lẫy lừng” nhưng tội tình là với công nghệ thông tin thì ông chỉ biết sử dụng có mỗi… e-mail.

Khi viết trên Facebook, sếp vẫn giữ thói quen viết những bài bình luận rất dài như thời còn viết báo. Dĩ nhiên, các bài viết của sếp được nhiều người cùng thời thả tim và nhấn like, nhưng đám nhân viên trẻ thì ngao ngán, không đọc nổi. Trước mỗi sự kiện truyền thông, nhân viên trẻ viết nội dung (content) theo chuẩn SEO trên Fanpage của công ty thì liên tục bị sếp chê viết lách hời hợt, cụt ngủn, không sâu sắc, không bài bản, không ngọn ngành.

Nhân viên truyền thông đề xuất chạy quảng cáo để gia tăng lượt tiếp cận khách hàng, chuyển đổi đơn hàng, thì sếp lại bảo: “Hữu xạ tự nhiên hương”! Sếp xa lạ, lạnh lùng khi nhân viên bàn về các ứng dụng thiết kế, gia tăng seeding hay đẩy mạnh Google Ad, TikTok, Instagram... Các bản kế hoạch truyền thông nhân viên đưa lên liên quan đến hiệu quả của tiếp thị số (digital marketing) thì phải giải thích toát mồ hôi sếp mới hiểu ở mức ù ù cạc cạc. “Được cái là sếp vẫn còn hồn nhiên: không hiểu thì hỏi, chứ nếu như nhiều ông sếp khác lấy quyền lực ra để phủ đầu thì chắc chỉ có nước… cắn lưỡi!”, các nhân viên chỉ biết lấy sự ngơ ngác chịu nghe của ông sếp để an ủi nhau, nhưng thỉnh thoảng vẫn bức bối vì không sao giải thích được cho sếp rằng cách viết content theo chuẩn SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) phải ngắn gọn, câu khách, để tăng lượt tiếp cận.

Thực ra, khoảng cách về khả năng tiếp cận những thay đổi công nghệ không hẳn lúc nào cũng lệ thuộc độ tuổi. Trên thực tế, vì muốn theo kịp xu thế, nhiều người lớn tuổi giữ trọng trách quản lý ở các công ty, tập đoàn, doanh nghiệp đã tự học hỏi và thích ứng rất nhanh các xu hướng mới.

Thỉnh thoảng vẫn thấy ở những khóa học ngắn hạn về digital marketing, về chiến lược phát triển truyền thông mạng xã hội… có học viên tóc đã muối tiêu, thậm chí… muối nhiều hơn tiêu, trong đó có những người ngồi ở ghế trưởng phòng hay giám đốc truyền thông, giám đốc chiến lược ở các doanh nghiệp lớn. Họ muốn kiểm soát công việc một cách tốt nhất và thấy chí thú với cuộc theo đuổi các xu hướng công nghệ truyền thông. May mắn cho nhân viên của những vị này khi có sếp là người chịu học hỏi để trở thành một “hi tech person”.

Nguy cơ của mù mờ, bảo thủ

Với những nhân viên trẻ cầu tiến và có tư duy độc lập, sòng phẳng, những áp lực trong sự chuyên nghiệp và hiểu biết ở môi trường làm việc bao giờ cũng dễ chịu hơn thứ áp lực bị mắc kẹt trong sự mù mờ, bảo thủ. Cái hồn nhiên đáng yêu như ở người quản lý mù mờ và chậm thích nghi với công nghệ nêu trên có thể đem lại những tình huống thêu dệt các câu chuyện phiếm vui vẻ trong đời sống công sở, nhưng sẽ không có lợi cho công việc khi nhân viên cấp dưới khó dùng chuyên môn công nghệ làm nền tảng và động lực phát huy khả năng làm việc của họ và hiệu quả công việc chung.

Khi người sếp lười biếng học hỏi và dùng quyền quản lý để áp đặt, quy định cách vận hành thì cỗ máy sẽ bị kìm hãm nguồn năng lượng tươi mới, khó mang lại hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Sếp như vậy cũng có thể không sẵn sàng phê duyệt các hạng mục đầu tư thiết yếu để bắt kịp xu thế, tạo điều kiện cho công việc tốt hơn, nhất là khi họ không nhận ra sự thiếu cởi mở với công nghệ là một rào cản trong công việc điều hành của họ. Tệ hơn nữa, khi người sếp đó lười biếng học hỏi và dùng quyền quản lý để áp đặt, quy định cách vận hành thì cỗ máy sẽ bị kìm hãm nguồn năng lượng tươi mới, khó mang lại hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Ngược lại, một vị sếp đã lớn tuổi nhưng không cam phận “low tech”, chịu cùng nhân viên học hỏi các xu hướng công nghệ mới, thấu hiểu ngôn ngữ của lớp nhân viên trẻ, họ sẽ tạo ra sức mạnh gắn kết, giảm thiểu khoảng cách thế hệ trong môi trường làm việc. Công nghệ sẽ là một kênh giúp họ mở mang tầm nhìn và trẻ trung hơn trong cách điều hành: không quản lý bằng tư tưởng thủ cựu, không có những mệnh lệnh cũ kỹ vì thiếu cái nhìn cởi mở, không sử dụng quyền lực cảm tính và mất kiểm soát, không có những thắc mắc ngây ngô khiến nhân viên ngán ngẩm khi phải giải thích và đối phó những “tình huống khó nuốt”.

Công nghệ đang thay đổi rất nhanh chóng, đòi hỏi sự thích ứng và nắm bắt liên tục trong vận hành quản trị. Dĩ nhiên, có những ngành không đòi hỏi mức độ cập nhật cao nhưng cũng có những ngành (như thông tin, truyền thông...) luôn yêu cầu liên tục cập nhật xu hướng. Nhạy cảm trước những thay đổi và hiểu biết để kiểm soát, đưa ra tầm nhìn quản trị là điều quan trọng khi một người ngồi vào vị trí quản lý. Điều này cũng quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp, của tổ chức, chứ không phải chỉ để góp chuyện cười nhạt cho khuây.

---------------

Low tech (low technology): từ dùng để chỉ mức độ công nghệ thấp, đơn giản. Từ nguyên chỉ những dạng thức công nghệ trước cuộc cách mạng công nghệ. Tuy nhiên, trong cách nói phổ biến ở công sở hiện nay thì để chỉ khả năng thấp trong việc tiếp cận, sử dụng công nghệ mới.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới