Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi tên quốc gia bị… đăng ký nhãn hiệu!

Lê Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Gần đây, Chính phủ Pháp đã phải trực tiếp can thiệp để bảo vệ lợi ích quốc gia đối với cái tên “France” (Pháp), mà vụ tranh chấp nhãn hiệu lên đến tận... Tòa án Nhân quyền châu Âu. Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng tên quốc gia không hoàn toàn bị loại trừ như dấu hiệu không thể đăng ký nhãn hiệu.

Tất nhiên, luật của hầu hết các quốc gia đều quy định rằng, dấu hiệu để đăng ký nhãn hiệu phải là có tính phân biệt, không được làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ..., và vì thế nên tên quốc gia sẽ rất khó có thể đăng ký nhãn hiệu, do khó thỏa mãn hai điều kiện nói trên. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, tên quốc gia không phải là dấu hiệu hoàn toàn không thể đăng ký nhãn hiệu, nhất là khi kèm với một dấu hiệu khác có thể làm tăng khả năng phân biệt của dấu hiệu.

Gần đây, Chính phủ Pháp đã phải trực tiếp can thiệp, để bảo vệ lợi ích quốc gia đối với cái tên “France” (Pháp), mà vụ tranh chấp nhãn hiệu lên đến tận... Tòa án Nhân quyền châu Âu.

Sự việc là vào đầu những năm 1990, ông Jean-Noel Frydman, một người Mỹ gốc Pháp đã mua tên miền France.com để bán dịch vụ du lịch tại Pháp. Năm 1994, ông này cũng đăng ký thành công một số nhãn hiệu mang tên “France.com” (với hoặc không với những dấu hiệu kèm theo như hình lãnh thổ Pháp) tại Mỹ, cũng như tại châu Âu (nhãn hiệu châu Âu), và thành lập Công ty France.com Inc. - chủ sở hữu các nhãn hiệu mang cái tên nước Pháp nói trên.

Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành của Việt Nam không có điều khoản nào cấm đăng ký nhãn hiệu bằng dấu hiệu là tên quốc gia. Tuy nhiên, có thể lập luận rằng dấu hiệu là tên quốc gia khó có thể đáp ứng yêu cầu về khả năng phân biệt. Luật cũng quy định “Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ” thì không được bảo hộ như nhãn hiệu.

Khi phát hiện ra rằng một công ty Hà Lan đăng ký một loạt nhãn hiệu “France.com” tại Pháp và tại châu Âu, Công ty France.com Inc. đã khởi kiện công ty này ra tòa tại Pháp, với lý do đăng ký gian dối, và yêu cầu Tòa án Pháp ra lệnh chuyển nhượng những nhãn hiệu nói trên của công ty Hà Lan sang cho Công ty France.com Inc. Khi biết đến vụ tranh chấp này, Chính phủ Pháp, đại diện bởi Bộ Ngoại giao Pháp, đã nhanh chóng can thiệp, yêu cầu tòa án hủy bỏ những nhãn hiệu mang tên “France.com” nói trên, và tuyên bố có quyền lợi chính đáng đối với cái tên “France”. Theo Chính phủ Pháp, tên này cần phải được coi như “tên họ” của một cá nhân (vốn là dấu hiệu không thể đăng ký nhãn hiệu theo luật của Pháp), và cụm từ France.com cũng như những dấu hiệu kèm theo (hình lãnh thổ Pháp) có thể tạo ra một sự nhầm lẫn cho công chúng về nguồn gốc sản phẩm.

Công ty France.com lại phản bác rằng không có luật nào của Pháp khẳng định quyền của Chính phủ Pháp đối với cái tên nước Pháp cả. Năm 2017, Tòa án phúc thẩm Paris đã bác bỏ yêu cầu của Chính phủ Pháp về việc sở hữu cái tên “France”, nhưng cũng đồng thời hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu “France.com” của Công ty Mỹ France.com Inc. nói trên tại Pháp.

Năm 2019, Công ty France.com Inc. quyết định kiện... Chính phủ Pháp ra Tòa án bang Virginia (Mỹ), trên cơ sở vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, Tòa án bang Virginia tuyên bố không có đủ thẩm quyền trong vụ tranh chấp này và từ chối thụ lý đơn kiện. Công ty France.com Inc. yêu cầu Tòa án Tối cao Mỹ xem xét lại quyết định này, và cho rằng đơn kiện của công ty này nên được chấp nhận, vì liên quan tới “hoạt động thương mại của nước Pháp”. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ đồng tình với quyết định của Tòa án bang Virginia và bác bỏ yêu cầu của France.com Inc.

Cũng không may cho công ty này, vào năm 2022, Tòa Phá án Cộng hòa Pháp (là Tòa án tư pháp tối cao của đất nước này) lại khẳng định quyết định của Tòa phúc thẩm Paris vào năm 2017. Một mặt, tòa này cho rằng dấu hiệu “France.com” có nguy cơ tạo ra sự nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm, dịch vụ. Mặt khác, dựa trên điều 9 Bộ luật Dân sự của Pháp, thì việc đăng ký tên nước Pháp như nhãn hiệu sẽ làm tổn hại đến quyền lợi nước Pháp đối với tên, bản sắc và quyền độc lập tối cao. Nói cách khác, tên “France” được coi là một yếu tố của bản sắc nước Pháp. Không chỉ nhãn hiệu “France.com” mà cả tên miền “France.com” của Công ty France.com Inc. đều bị hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ.

Cho rằng hành động của Chính phủ Pháp tước bỏ những quyền sở hữu trí tuệ nói trên là một hành vi “sung công” (vi phạm quyền sở hữu cá nhân mà chỉ được cho phép trong những điều kiện đặc biệt), Công ty France.com Inc. đã mang tranh chấp lên tới tận Tòa án Nhân quyền châu Âu. Tuy nhiên, ngày 28-9-2023 vừa qua, theo phán quyết của tòa án này, thì việc một công ty đăng ký tên miền “France.com” về bản chất tạo ra sự nhầm lẫn trong công chúng, và vì thế làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của bên liên quan, cụ thể là nước Pháp.

Luật về nhãn hiệu của Trung Quốc quy định rất rõ ràng rằng “những dấu hiệu không thể đăng ký nhãn hiệu bao gồm: dấu hiệu trùng lặp hoặc tương tự với tên, cờ quốc gia, biểu tượng quốc gia, hoặc cờ quân đội... của một quốc gia nước ngoài, trừ khi được phép của quốc gia đó”.

Xin bổ sung rằng, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành của Việt Nam không có điều khoản nào cấm đăng ký nhãn hiệu bằng dấu hiệu là tên quốc gia. Tuy nhiên, có thể lập luận rằng dấu hiệu là tên quốc gia khó có thể đáp ứng yêu cầu về khả năng phân biệt. Không chỉ thế, điều 73 (5) của Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định rằng “Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ” thì không được bảo hộ như nhãn hiệu.

Ngược lại, luật về nhãn hiệu của Trung Quốc lại quy định rất rõ ràng rằng “những dấu hiệu không thể đăng ký nhãn hiệu bao gồm: dấu hiệu trùng lặp hoặc tương tự với tên, cờ quốc gia, biểu tượng quốc gia, hoặc cờ quân đội... của một quốc gia nước ngoài, trừ khi được phép của quốc gia đó” (điều 10 luật Nhãn hiệu Trung Quốc). Năm 2017, Tòa án cấp cao Bắc Kinh (Trung Quốc) đã bác bỏ yêu cầu đăng ký nhãn hiệu “Swissgear” của Công ty Venger S.A. tại Trung Quốc, vì đây là dấu hiệu có mang tên quốc gia (Thụy Sỹ), cho dù nhãn hiệu “SWISSGEAR BY WENGER” đã được đăng ký thành công tại chính Thụy Sỹ. Tòa án Trung Quốc lập luận rằng, việc đăng ký thành công nhãn hiệu “Swissgear” không đồng nghĩa với sự cho phép chính thức của Chính phủ Thụy Sỹ đăng ký nhãn hiệu này tại Trung Quốc!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới