Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi tiệm hoa tươi bán xăng

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Không lâu sau khi tình trạng “hết xăng, còn dầu” hoành hành ở TPHCM và nhiều khu vực phía Nam, vấn nạn này đã lan đến Hà Nội. Và cũng nhanh không kém, “thị trường” đã gần như phản ứng ngay lập tức với các điểm bán xăng vỉa hè mọc lên như nấm trên các tuyến đường ở thủ đô.

Chính quyền Hà Nội đã chỉ đạo ngay các cơ quan chức năng dẹp bỏ các “cây xăng tự phát” này. Hôm Chủ nhật rồi, báo Tuổi trẻ online giật tít “Chiều 6-11, Hà Nội gần như sạch bóng ‘cây xăng cục gạch’”(1), cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu chính quyền các quận, huyện cùng lực lượng chức năng – như quản lý thị trường – phải kiểm tra nghiêm ngặt hoạt động của các cửa hàng xăng dầu, đồng thời xử lý việc bán xăng lẻ trái quy định.

Phản ứng tức thì của chính quyền Hà Nội có lẽ đã có tác dụng tại thời điểm được phản ảnh trên bài viết của báo Tuổi trẻ. Tuy nhiên, không rõ tác dụng đó sẽ hiệu lực được bao lâu nếu tình trạng “hết xăng, còn dầu” kéo dài.

Bằng chứng là hai ngày sau bài báo Tuổi trẻ lên khuôn, sáng nay, 8-11, báo mạng vietnamnet.vn đăng phóng sự ảnh với nhan đề “Quán trà đá, tiệm hoa tươi ở Hà Nội tranh thủ bán xăng”(2). Phóng sự ảnh này mở đầu bằng ảnh hai cửa hàng xăng dầu ngừng hoạt động vì hết hàng, nối tiếp bằng một loạt các ảnh chụp đủ thứ bình chứa xăng được đặt trên vỉa hè tại nhiều địa điểm khác nhau, trong số đó có cả các quán trà đá và một tiệm hoa tươi cũng tranh thủ bán xăng.

Thực ra, dẹp bỏ các “cây xăng vỉa hè” hay “cây xăng cục gạch” như cách gọi của người dân không phải là chuyện đơn giản nếu như nguồn cung tiếp tục không đáp ứng được nhu cầu. Bài báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết cục này đã phối hợp với chính quyền 30 quận, huyện đồng loạt “ra quân” để chấn chỉnh. Và để “sạch bóng ‘cây xăng cục gạch’”, toàn bộ lực lượng của công an, trật tự các phường đều phải đổ ra đường. “Phải lực lượng đông như thế mới dẹp được hiện tượng này”, ông Kiên cho biết(3).

Cái khó của lực lượng chức năng còn ở chỗ người buôn bán kiểu này cứ như “đánh du kích”, như lời ông Kiên, “… Có những trường hợp người dân chỉ cầm một cái chai không có xăng, ai mua xăng thì người này mới đưa vào trong ngõ…”(4) Người đứng đầu quản lý thị trường thủ đô mong mỏi người dân nhận thức rằng việc bán xăng trên vỉa hè là sai quy định để “không lặp lại tình trạng này nữa”.

Tuy nhiên, mong mỏi này của ông Kiên, dù rất chính đáng, trên thực tế lại không dễ chút nào. Trên hết, có cầu tất có cung. “Cây xăng cục gạch” xuất hiện gợi nhớ lại thời kỳ bao cấp khi hiện tượng này diễn ra gần như công khai mặc cho các ý muốn dẹp bỏ nó, bởi lẽ đó là một nhu cầu của xã hội. Chỉ khi hệ thống bán lẻ xăng dầu, cả Nhà nước và tư nhân, đủ sức đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng gần như mọi lúc mọi nơi, các “cây xăng” này tự động biến mất mà không cần cơ quan chức năng nào phải “ra quân” cả.

Thêm vào đó, khan hiếm xăng dầu bán lẻ trên thị trường là một hiện tượng có thật và nhu cầu đi lại của người dân cũng là có thật. Khi xe hết xăng mà không tìm được cây xăng bán giá chính thức, thì “cây xăng cục gạch” là có ích cho họ mặc dù các cây xăng này không đáp ứng được các yêu cầu kinh doanh về mặt luật pháp. Nhưng thử hỏi khi có việc cần phải chạy xe mà không có xăng “chính thức”, làm sao thuyết phục người dân không tìm đến “cây xăng cục gạch” dù họ phải trả giá cao hơn?

Một vấn đề khác trong việc dẹp bỏ “cây xăng cục gạch” là nguồn cung ứng xăng cho các “cây xăng” này. Xăng của họ lấy đâu ra? Xin được nói thẳng, xăng này được lấy một cách không chính thức từ nguồn chính thức. Thành ra, muốn dẹp các “cây xăng cục gạch”, cơ quan chức năng phải cắt đứt một cách hiệu quả các nguồn cung tiêu cực từ chính hệ thống cung ứng xăng dầu. Việc này có khó không? Xin thưa, trong một thời gian ngắn vài ngày có lẽ không khó, nhưng nếu thiếu hụt lâu dài, thì hoàn toàn không dễ chút nào như đã được chứng minh suốt thời kỳ bao cấp mấy chục năm.

Việc dẹp bỏ hiện tượng “cây xăng cục gạch” không thể chỉ là nỗ lực “bắt cóc bỏ dĩa”. Nhưng việc toàn bộ lực lượng công an địa phương và quản lý thị trường phải đổ hết ra đường sẽ duy trì được bao lâu? Trong vấn đề này, các cơ quan chức năng điều hành vĩ mô đóng vai trò then chốt. Trước đây, khi hiện tượng “hết xăng, còn dầu” mới xuất hiện ở TPHCM và một vài địa phương ở phía Nam, người ta chưa thấy đó là “khủng hoảng” vì thống kê chỉ có 1% cửa hàng bán lẻ trong hệ thống phân phối xăng dầu có hiện tượng thiếu xăng. Nhưng đến nay, chuyện “thiếu xăng” đã lan rộng ra một số địa phương khác.

Không biết liệu đã có thống kê mới để xem khan hiếm đã đến mức “khủng hoảng” chưa để các bên có trách nhiệm thêm quyết tâm nhằm tăng cường nỗ lực giải quyết tình trạng này sớm hơn, để giúp người tiêu dùng đỡ khổ sở khi phải đổ xăng, để tiệm trà đá trở lại bán trà đá và shop hoa tươi trở lại bán hoa?

————

(1), (3), (4)https://tuoitre.vn/chieu-6-11-ha-noi-gan-nhu-sach-bong-cay-xang-cuc-gach-20221106165921877.htm

(2)https://vietnamnet.vn/quan-tra-da-cua-hang-hoa-thanh-nhung-tram-bom-xang-di-dong-tai-ha-noi-2078103.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Tưởng như quay lại thời bao cấp ? Câu chuyện tưởng bình thường mà hóa ra lại không bình thường. Nước ngoài cũng có tình trạng xếp hàng đổ xăng. Nhưng đó là hậu quả của tình trạng lạm phát cao, nguồn cung năng lượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến cuộc Nga-Ucraina. Trong khi ở ta, lạm phát “trong vòng kiểm soát tốt”, nguồn cung không ảnh hưởng gì lớn. Người tiêu dùng lúc nào cũng móc túi trả đủ tiền, kể cả thuế, phí, bình ổn giá, các thứ… Vậy thì lý do là gì ? Chắc tại “Đầu mối” cả. Nhưng không rõ đầu mối nào đây ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới