Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi tình người được ‘cài’ trong công nghệ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi tình người được ‘cài’ trong công nghệ

Nội dung: Mỹ Huyền – Thành Hoa – Trình bày: Thu Trang

Khi tình người được 'cài' trong công nghệ
 

(TBKTSG Online) – Trong đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải tạm đóng cửa, phủ bạt máy móc chờ dịch qua đi nhưng cũng có những doanh nhân không bằng lòng ngồi chờ mà tận dụng tính năng và sự tiện ích của những công nghệ sẵn có, kết hợp thêm ý tưởng sáng tạo, để cho ra đời những giải pháp hữu ích hỗ trợ cộng đồng trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh đầy gian nan.

Ngoài cổng của ngôi nhà 204B Vườn Lài (quận Tân Phú, TPHCM) những ngày này đang rộn ràng với hàng ngàn người đến nhận gạo tình thương. Đây là điểm phát gạo miễn phí do anh Hoàng Tuấn Anh, CEO của Công ty cổ phần Vũ Trụ Xanh lập ra để cung cấp gạo đến những người khó khăn. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý của điểm phát gạo này là hoạt động cấp gạo được thực hiện bởi 3 chiếc máy tự động.

Hai hàng người đứng cách xa nhau 2m tiến gần về ống nhả gạo của những chiếc máy được người dân gắn cho cái tên "ATM gạo" vì tính năng phát gạo tự động của chúng. Ba chiếc máy này cũng do anh Tuấn Anh và một nhóm nhân viên kỹ thuật của công ty thiết kế và lắp ráp chỉ trong vòng một đêm.

Trong gian nhà phía sau chiếc máy, toàn bộ diện tích đang được trưng dụng làm điểm phát gạo. Mỗi ngày hàng ngàn bao gạo của công ty và các mạnh thường quân mang lại được xếp đầy trong khuôn viên rộng khoảng 1.000m2 này. Anh Tuấn Anh, ngồi trên một chồng bao gạo vừa vẽ vừa hướng dẫn nhân viên cách lắp đặt máy ATM gạo cho những địa điểm phát gạo tiếp theo.

Công ty cổ phần Vũ Trụ Xanh hiện là nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam sản phẩm PHGLock, một thương hiệu khóa điện tử thông minh của Úc. Dựa trên nền tảng công nghệ của khóa điện tử thông minh, vốn được tích hợp với thẻ từ, vân tay, mã số, hoặc thiết bị điều khiển từ xa như remote, điện thoại thông minh, anh Tuấn Anh và các cộng sự đã tận dụng các trang thiết bị hiện có để tại ra máy phát gạo tự động.

Bản thiết kế chiếc máy, theo lời anh Tuấn Anh được hoàn thành trong vòng 8 giờ đồng hồ, sau khi anh và một nhóm kỹ thuật viên đã trải qua một tuần tháo rời một số thiết bị dùng trong giải pháp nhà thông minh. Các bộ phận được lắp lại thành một chiếc máy phát gạo, được tự động kết nối với nền tảng ứng dụng di động PHGLock.

Khi kể về bản thảo thiết kế của chiếc máy ATM phát gạo đầu tiên, Tuấn Anh nói rằng nó mang tính chất "dã chiến", nhưng được gửi gắm nỗi trăn trở của nhóm thiết kế, về cuộc sống khó khăn, gian nan của những người lao động tự do trong mùa dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 như một cơn bão tàn phá nền kinh tế, khiến nhiều người lao động rơi vào tình trạng mất việc tạm thời hoặc mất việc vô thời hạn. Chính sách an sinh xã hội của nhà nước khó có thể bao quát hết nhóm người lao động tự do này (ví dụ như người bán vé số, người chạy xe ôm…) trong khi họ phải tạm dừng kế sinh nhai trong giai đoạn giãn cách xã hội. Điều này thôi thúc anh Tuấn Anh quyết định chung tay cùng cộng đồng cùng khắc phục hậu quả của đại dịch.

Khi đi đến quyết định xuất tiền mua gạo để hỗ trợ những người khó khăn, Tuấn Anh hình dung đến cảnh tượng anh cùng các nhân viên của mình phải khiêng vác hàng tấn gạo đem về kho rồi phân gạo ra thành các bao 1,5kg để phát cho từng người. Người đến nhận gạo và nhân viên liên tục tiếp xúc cùng nhau trong khoảng cách gần. Tất cả quy trình phát gạo thủ công này chưa khoa học, vừa tốn sức người vừa có rủi ro về lây nhiễm chéo.

Trên cơ sở kinh doanh khóa điện tử thông minh và có kinh nghiệm triển khai các giải pháp nhà thông minh, anh Tuấn Anh tự tin rằng Vũ Trụ Xanh có thể tạo ra một chiếc máy phát gạo tự động. "Chúng tôi bắt tay vào làm ngay, tận dụng nguồn lực sẵn có. Cả nhóm rã từng chiếc máy để xem bộ phận nào sử dụng được, tính năng nào có thể dùng làm máy phát gạo được. Hơn nữa, ý đồ của tôi là là chiếc máy phải phù hợp với nhu cầu sử dụng nhưng chi phí phải thấp để nhân rộng mô hình. Ví dụ, không thể lấy số tiền mua 10 tấn gạo để làm máy phát gạo cho người nghèo, vì điều này là vô nghĩa”, vị giám đốc điều hành 35 tuổi chia sẻ.

Và thế là chiếc ATM gạo đã được cho ra đời, với bộ cảm biến sử dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) vốn được ứng dụng để điều khiển chuông cửa nhà PHGLock. Chiếc máy cấp gạo cũng được kết nối với ứng dụng điện thoại dùng để điều khiển khóa và van thùng gạo.

Khi có người đến nhận gạo, hệ thống cảm biến sẽ nhận biết và đưa thông tin vào nền tảng của hệ thống. Khi đó, nhân viên của công ty có thể điều khiển từ xa để van thùng gạo nhả ra đúng 1,5kg gạo. Khuôn viên nhà anh Tuấn Anh đã được dựng thành một nhà máy phát gạo dã chiến. Một bồn chứa gạo được lắp thông với hệ thống ống dẫn gạo, kết nối với hệ thống cảm biến đã hình thành và sẵn sàng cho việc phân phát gạo cho người đến nhận.

Hệ thống phát gạo sẽ kích hoạt tính năng chuông gọi cửa vào ban đêm, khi điểm phát gạo đóng cửa. Lúc này, các nhân viên phát gạo đã về nhà, họ không thể trực 24/24 giờ trong ngày. Tuy nhiên, nhân viên đã về nhà nghỉ ngơi nhưng vẫn có thể điều khiển từ xa máy phát gạo nhờ tích hợp tính năng mở cửa từ xa của khóa PHGLock.

Ban đầu anh Tuấn Anh dự kiến mỗi ngày chỉ phát gạo cho khoảng 200-300 lượt người nhưng tần suất trên thực tế “cao gấp trăm lần dự kiến". "Chúng tôi không thể thống kê kịp là đã phát gạo cho bao nhiêu người. Cứ hết gạo thì chúng tôi lại đổ vào. Chúng tôi đã phải thay loại van của khóa cửa bằng loại van dùng trong máy móc công nghiệp mới chịu nổi tần suất mở-đóng thùng gạo trong một ngày nhiều như vậy mà không bị cháy”, anh cho hay.

Sau điểm phát gạo đầu tiên ở quận Tân Phú, vào ngày 13-4, điểm phát gạo tự động thứ 2 đã mở cửa tại UBND xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), với chiếc máy ATM gạo do anh Tuấn Anh gửi tặng.

Mỗi ngày, một điểm phát gạo có khả năng cấp phát khoảng 4-5 tấn gạo. Do đó, anh Tuấn Anh mong muốn có nhiều cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp mở thêm nhiều điểm phát gạo mới tại thành phố và anh sẵn sàng tặng máy, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để đảm bảo yếu tố trật tự và phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Một trong những điều mà Tuấn Anh cảm thấy tự hào, đó không chỉ là khả năng ứng biến linh hoạt của đội ngũ nhân sự của công ty mà chính là sự đồng sức, đồng lòng của cả tập thể. Trong giai đoạn doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn do Covid-19, nhân sự công ty đều chung tay góp sức cho kế hoạch phát gạo hỗ trợ người dân. "Mỗi ngày các nhân viên được nghỉ ngơi rất ít, nhưng tôi nhận thấy niềm vui khi giúp được người khác bừng sáng trên khuôn mặt họ, và tôi cảm nhận được sự lan tỏa niềm hạnh phúc này", anh Tuấn Anh chia sẻ thêm rằng hiện tại anh đang nghiên cứu cách thức đưa gạo vào thùng bằng hệ thống băng chuyền tự động, không dùng sức người.

Kho trang thiết bị của công ty hiện đang ngổn ngang những đống máy móc, vật tư bị rã ra nằm ngổn ngang nhưng cả tập thể từ người đứng đầu đến các nhân viên đều vui vẻ khi nói về việc các trang thiết bị này sẽ tiếp tục "nằm im" một thời gian dài nữa vì mới được lắp ráp lại. Bởi, lý do đơn giản là doanh nghiệp sẽ nỗ lực phát gạo cho người khó khăn cho đến khi ịch bệnh được kiểm soát.

Khi mà anh Hoàng Tuấn Anh cùng các cộng sự vận hành ATM gạo đầu tiên ở TPHCM (khu Vườn Lài, quận Tân Phú) thì tại một công xưởng nhỏ khác nơi quận 2, có một nhà khởi nghiệp trẻ cùng các nhân viên cũng đang lặng lẽ sản xuất nhiều máy ATM gạo mới.

Chị Võ Ngọc Anh, Giám đốc điều hành Vinalinks Group, cho biết doanh nghiệp không bán những máy ATM gạo này mà sẽ tặng cho các nhà hảo tâm và sẽ cùng họ vận động gạo để phát cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Nữ doanh nhân này đang cùng chồng động viên anh em trong công ty mau chóng hoàn thành 11 máy ATM gạo để kịp thời phục vụ người dân trong tháng 4 này.

Ý tưởng làm máy ATM gạo để tặng cộng đồng của Vinalinks xuất phát từ bối cảnh Covid-19 khiến nhiều người lao động nghèo gặp khó khăn hơn trong mưu sinh. Những chiếc máy phát gạo tự động này sẽ giải quyết khó khăn ngắn hạn, giúp bà con có những bữa cơm no.

Anh Nguyễn Trương Tuyến, Tổng giám đốc của Vinalinks Group, cho hay những chiếc máy của công ty có đặc điểm là đặt ở mặt đất, không cần phải vận chuyển lên cao, khi người dân xếp hàng và tiến tới nhận gạo, máy sẽ nhận diện được người tới, khi đó chỉ cần lấy chân đạp lên một chiếc cần là gạo sẽ chảy ra.

“Vì để trên mặt đất, gọn nhẹ, sẽ không mất công sức đưa gạo lên cao, không cần thao tác dùng tay bấm nút nhận gạo, sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm. Lượng gạo phát ra của máy mỗi lần 3kg, 5kg… có thể tùy chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh khó khăn của bà con từng khu vực. Chúng tôi đặt tên máy là Anloda, nghĩa là “an lòng dân”, mong bà con an lòng vì đã có cộng đồng hỗ trợ”, anh Tuyến cho biết.

Cũng từ đầu tháng 4, Công ty TNHH Kết nối Việt Nam (Vinalinks Group) bận rộn tiếp điện thoại đặt hàng mua buồng khử khuẩn do công ty chế tạo. Khi có người bước thử vào buồng khử khuẩn, máy tự động cảm biến và xịt dung dịch sát khuẩn lên họ và tự động ngắt trong vòng 20 giây.

Vinalinks Group được đánh giá là đơn vị nổi bật trong hoạt động sản xuất và chuyển giao công nghệ rửa xe tự động. Từ ngày 1-4, công ty tạm ngừng mọi hoạt động để thực hiện quy định giãn cách xã hội. Tuy vậy, với lòng đam mê của một nhà khởi nghiệp, anh Tuyến đã cùng các cộng sự đặt ra những mục tiêu mới, với yêu cầu: vừa tạo ra công việc, vừa có thể đóng góp cho xã hội.

Khi sản phẩm buồng khử khuẩn của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội vừa ra đời, anh Tuyến đã nghĩ đến việc liên hệ với đơn vị này để triển khai lắp ráp tại công ty. Sau đó, vì e ngại quy trình chuyển giao công nghệ kéo dài nên anh Tuyến và các cộng sự có cùng suy nghĩ “mình tự làm sẽ nhanh hơn”. Buồng khử khuẩn có mặt trên thế giới từ lâu, nhưng trong giai đoạn này, nhu cầu sử dụng buồng khử khuẩn để phòng tránh dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng mới được nhiều người chú ý đến.

Không chỉ vậy, hưởng ứng tinh thần "chống dịch như chống giặc", anh Tuyến quyết định tập trung vào các hoạt động nghiên cứ-phát triển, sản xuất kinh doanh không lợi nhuận, với mục tiêu cung cấp sản phẩm ra thị trường càng sớm càng tốt.

Cả công ty họp cả ngày để phân tích khả năng sản xuất buồng khử khuẩn. Anh Tuyến nhớ đến tinh thần phấn khích của nhân viên khi đã hình thành được các công đoạn sản xuất buồng khử khuẩn. Cái khí thế đồng lòng ấy cũng động viên anh rất nhiều.

Trong thời điểm này, anh yêu cầu đội ngũ kỹ thuật của mình phải sản xuất ra được buồng khử khuẩn tiết kiệm chi phí nhất, để giá thành chỉ phải gánh chi phí mua vật liệu và nhân công. Các kỹ sư rốt ráo vẽ bản vẽ thi công, anh Tuyến “đứng ngồi không yên” để chờ duyệt bản vẽ ngay trong ngày họp.

Chỉ một ngày sau đó, tất cả nguồn nhân lực trong công ty đi lùng cho bằng được vật tư để sản xuất. Có được vật tư nào về là công ty đã làm cuốn chiếu, cắt và ráp các bộ phận dần với nhau. Tất cả quy trình đều được các bộ phận tự phân chia nhau làm. Người có kinh nghiệm lại đào tạo người chưa có kinh nghiệm để công việc chạy trơn tru.

Sang ngày thứ ba, sản phẩm đã hoàn thiện sau khi đã có đủ tất cả nguyên vật liệu. Trong khi đội ngũ kỹ thuật và sản xuất ráo riết hoàn thành sản phẩm, anh Tuyến và đội ngũ kinh doanh đã chạy quảng cáo trên mạng xã hội, các kênh trực tuyến và mua tên miền để kịp thời quảng bá sản phẩm.

Khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, anh Tuyến cho rằng buồng khử khuẩn của công ty sẽ phát huy công dụng tại những nông trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn cao, những nhà máy chế biến nông thủy sản hoặc thức ăn công nghiệp cho ngành chăn nuôi. Đây là những lĩnh vực luôn cần giữ môi trường trong sạch tránh mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới