Thứ hai, 12/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khi trái cấm không còn là trái cấm!

Trần Thanh Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Vì sao tình dục trước hôn nhân không thể tiếp tục là trái cấm đối với nhiều người trong giới trẻ Việt Nam ngày nay?

Xin mở đầu bài viết này bằng một chuyện tình có thật người mà viết được chứng kiến cách đây khoảng nửa thế kỷ. Khi ấy, anh chị đều là người Sài Gòn đang trong độ tuổi đôi mươi yêu nhau, nhưng gia đình hai bên không đồng ý tác thành cho họ, đặc biệt là gia đình bên chị phản đối rất dữ dội. Một hôm, các thành viên của đại gia đình phía anh ngồi với nhau bàn cách giải quyết. Một ý kiến đưa ra là hãy để cặp này làm chuyện “gạo nấu thành cơm” với nhau (hay theo cách nói khác hiện nay là “ăn cơm trước kẻng”) thì phía nhà gái cũng phải đành cho cưới thôi. Đa số những người tham gia không tán thành đề nghị này.

Sau đó, không có chuyện “ăn cơm trước kẻng” nào xảy ra giữa cặp đôi này và cuối cùng thì đường ai nấy đi. Sau khi chia tay, anh chị cũng có gia đình riêng, con cháu đề huề cho đến bây giờ.

Tuy không có gì đặc biệt cho lắm, câu chuyện của cặp đôi trên có thể được xem là quan điểm điển hình trong nhiều thập niên trước của người Việt nói chung về quan hệ tình dục trước hôn nhân. Quan điểm chính thống trong đa số các gia đình đều xem chuyện chăn gối là một việc chỉ có thể thực hiện giữa vợ chồng; và hôn nhân là cánh cửa duy nhất mở ra một quan hệ như vậy. Tuy lúc đó không phải ai cũng tuân thủ nguyên tắc này, trên thực tế đó là một mặc định xã hội được đa số chấp nhận.

Thời thế đã thay đổi. Hiện nay, nhiều bạn trẻ - nếu không phải là đa số - không còn xem chuyện trải nghiệm chăn gối với nhau, dù chỉ một lần, là điều kiện buộc họ phải tiến đến hôn nhân với nhau. Ngược lại, suy nghĩ và hành động của giới trẻ Việt Nam về quan hệ luyến ái gắn với tình dục lại thoáng đến nỗi phần lớn các bậc phụ huynh không an tâm chút nào.

Nói cách khác, trong khi trên thực tế, rất nhiều bạn trẻ đã sẵn sàng cho sự chung đụng thể xác trong tình yêu, thì quan điểm của cả xã hội - đặc biệt là phụ huynh - về tình dục trước hôn nhân dường như không theo kịp sự thay đổi của giới trẻ. Chính sự lệch pha này là một nguyên nhân chính khiến con em mình, nhất là các đối tượng còn ở tuổi thiếu niên, thiếu sự chuẩn bị cần thiết khi bước vào mối quan hệ đó.

Nếm trái cấm quá sớm?

Cuối tháng Tư vừa qua, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công bố kết quả một cuộc khảo sát hành vi sức khỏe học sinh tại Việt Nam (2013-2019). Đây là lần thứ hai một cuộc khảo sát như vậy được thực hiện tại Việt Nam nhằm thu thập dữ liệu về các nguy cơ liên quan đến sức khỏe và bệnh không lây nhiễm trong học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 có độ tuổi từ 13 đến 17. Khoảng 7.700 học sinh ở 81 trường tại 21 địa phương tham gia cuộc điều tra này.

“Về “vấn đề tế nhị, khó nói”, phụ huynh nên tự trả lời câu hỏi này: giữa phụ huynh và Internet, ai mới là chỗ dựa đáng tin cậy hơn với con em của chính mình?”

Một trong các kết quả được công bố có thể khiến nhiều phụ huynh đứng ngồi không yên. Khảo sát cho thấy tỷ lệ học sinh có quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi đã tăng hơn gấp đôi, từ 1,45% năm 2013 lên 3,51% năm 2019. Ngoài ra, khảo sát còn ghi nhận rằng trong số các học sinh đã nếm trái cấm, 42,4% sử dụng bao cao su, thấp hơn so với 52,6% năm 2013.

Theo một bài báo đăng cách đây ba năm, cùng lúc với thời gian thực hiện khảo sát trên, WHO đánh giá rằng Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai ở tuổi thiếu niên và thanh niên cao trong khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới(1).

Vài con số cụ thể sau đây có thể làm nhiều người giật mình thêm. Hàng năm, trung bình Việt Nam có 300.000 ca nạo phá thai, với độ tuổi 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Tỷ lệ phá thai với thai nhi trên 12 tuần tuổi lên đến 80% (2)!

Những con số trên nghĩa là gì? Rõ ràng, xin nhắc lại, giới trẻ Việt Nam hiện tại thiếu kiến thức và không có sự chuẩn bị cần thiết trong khi lại rất háo hức bước vào quan hệ luyến ái có chung đụng thể xác.

Ứng xử thích hợp hơn với trái cấm của con

Các số liệu bên trên chỉ ra rằng giới trẻ Việt ngày nay nếm trái cấm sớm hơn thế hệ trước đây. Vì sao như vậy? Đây không phải là lĩnh vực chuyên môn của người viết, nhưng số liệu sau đây chắc có liên quan. Theo WHO, số trường hợp trẻ em Việt có hiện tượng dậy thì sớm đã tăng gấp 35 lần so với thập niên vừa qua, trong đó các em gái dậy thì sớm hơn từ hai đến ba năm và các em trai sớm hơn từ một đến hai năm(3). Ngày trước, độ tuổi dậy thì vào khoảng 14-15. Còn hiện nay, độ tuổi dậy thì trung bình là vào khoảng 11-12(4).

Có người cho rằng đời sống sung túc với nhiều thịt và sữa hơn trong khẩu phần là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Nhưng thôi, xin nhường câu trả lời chính xác vì sao trẻ em Việt dậy thì sớm hơn cho các nhà chuyên môn về sức khỏe. Tuy nhiên, đây là một thực tế cần được lưu ý. Đó là cùng với hiện tượng dậy thì sớm hơn, nhu cầu tự nhiên liên quan đến giới tính nói chung và tính dục nói riêng của giới trẻ Việt cũng đến sớm hơn. Câu hỏi đặt ra tiếp theo là liệu nhu cầu đó có được hướng dẫn đúng mức từ “bộ ba” thường được nhắc đến - gia đình, nhà trường và xã hội - hay không?

Do không có số liệu chính xác để trả lời câu hỏi này, nên tạm dùng một dữ liệu khác. Mấy năm trước Google công bố một thống kê cho thấy Việt Nam nằm trong số những nước có tỷ lệ người dùng Internet để tìm thông tin với từ khóa “sex” (giới tính, tình dục) cao nhất thế giới(5). Như vậy, có thể tạm kết luận rằng, người Việt, trong đó có một số lượng rất đáng kể các bạn trẻ (vốn chiếm tỷ lệ áp đảo trong số người dùng Internet tại Việt Nam), đã sử dụng không gian mạng nhằm tìm cách đáp ứng nhu cầu thông tin về vấn đề giới tính cho mình.

Nếu chấp nhận lập luận này thì cũng sẽ rất khó tin rằng các môi trường gia đình, nhà trường và xã hội đã theo kịp hầu đưa ra hướng dẫn cần thiết về giới tính và tính dục cho các bạn trẻ, đặc biệt là các em vị thành niên.

Đến đây, chúng ta tạm gác lại hai yếu tố sau của “bộ ba” bên trên để tập trung vào yếu tố đầu tiên: gia đình. Theo bài báo vừa nêu bên trên, trong những năm gần đây, vấn đề giáo dục giới tính đã được quan tâm hơn nhưng chưa thực sự được mở rộng [đúng mức], trong khi quan niệm về giới tính, tính dục vẫn còn khá bảo thủ, ít được thảo luận cởi mở. Điều này không chỉ tồn tại trong xã hội mà ngay cả trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái. Một khi không tìm được câu trả lời xác đáng rõ ràng từ cha mẹ, thì việc các em tìm đến mạng đâu có gì lạ.

Xin quý độc giả lưu ý đến một kết quả khác của cuộc khảo sát vừa được Bộ Y tế và WHO công bố. Khảo sát ghi nhận gần 13% học sinh được hỏi cảm thấy lúc nào cũng cô đơn hay thường xuyên cô đơn. Tuy nhiên, chỉ có ba trong số 10 phụ huynh hay người giám hộ hiểu được vấn đề gì gây ra nỗi lo lắng của con em mình; và chỉ bốn trong số 10 người biết con mình làm gì khi rảnh rỗi. Nếu phụ huynh thiếu sự quan tâm cần thiết, làm sao chúng ta giải tỏa được thắc mắc của các em liên quan đến giới tính?

Đến đây xin phép được trích dẫn lời bác sĩ Tạ Việt Cường, Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trong một bài báo đăng trên trang mạng thoidaiplus.suckhoedoisong.vn(6). Vị thầy thuốc này cho rằng quan hệ tình dục trong giới trẻ đã thay đổi khi họ suy nghĩ thoáng hơn nhiều so với thế hệ cha ông, cũng như không còn chịu sự giám sát của người lớn trong quan hệ yêu đương luyến ái. Vì thế, theo ông, phụ huynh cũng phải thay đổi suy nghĩ của mình. Dĩ nhiên, không khuyến khích, nhưng thay vì cấm đoán hay dọa nạt, cha mẹ nên giải thích, đưa ra những tình huống cụ thể để con em có ý thức và có thể tự bảo vệ mình.

Bác sĩ Cường nói tiếp: “Các bậc phụ huynh, những người đã làm cha làm mẹ, hãy coi chuyện quan hệ tình dục là một quyền lợi chính đáng, được pháp luật cho phép và cũng nên đơn giản hóa tất cả các vấn đề về quan hệ tình dục, đừng khoác lên việc đó các gánh nặng, định kiến xã hội”(7).

Thử nghĩ xem suốt cuộc đời chúng ta, thế giới đã có biết bao thay đổi, trong đó có việc trái cấm giữa Adam và Eva thực tế ngày nay không còn là trái cấm. Vậy thì nếu chúng ta phải thay đổi quan điểm về vấn đề tính dục của con cái để giúp chính các em, âu đó cũng là lẽ thường tình. Nếu có người còn ngần ngại trong vấn đề họ vẫn làm - nhưng lại xem là “chuyện tế nhị, khó nói” - thì hãy tự trả lời câu hỏi sau: giữa Internet và phụ huynh, ai mới là chỗ dựa đáng tin cậy hơn đối với con em của chính mình?

-----------

(1),(2) https://vietnamhoinhap.vn/vi/bao-dong-tinh-trang-nao-pha-thai-o-tuoi-vi-thanh-nien-10782.htm

(3),(4) https://baomoi.com/tre-day-thi-som-tang-35-lan-so-voi-10-nam-truoc/c/42547500.epi

(5) https://www.doisongphapluat.com/viet-nam-thuoc-top-cac-quoc-gia-tim-kiem-sex-nhieu-nhat-tg-a26116.html

(6),(7) http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/voi-va-dua-con-gai-di-kham-phu-khoa-luc-nua-dem-biet-su-that-me-choang-vang-vo-cung-d294879.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Adam và Eva/ Trái cấm. Đã là câu chuyện xưa như quả đất. Thời cuộc nay đã thay đổi quá nhiều. Hành vi ứng xử cũng như vậy. Giống như phim sex. Trước đây cấm đoán rất dữ dằn, thậm chí pháp luật cho phép bỏ tù khi bị phát hiện sử dụng, nhưng người ta vẫn lén lút xem chừng chừng. Nhưng ngày nay, cởi mở quá rồi, có cho không cũng rất ít người xem phim sex. Rốt cuộc, mọi thứ đều có thể thay đổi, cần phải chấp nhận thực tế. Chỉ có một thứ duy nhất là không, luật nhân quả. Ai làm nấy chịu. Ai gieo nấy hưởng. Mỗi người cần phải học thuộc lòng điều này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới