Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi Trung Quốc “hữu hảo” với Ấn Độ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi Trung Quốc “hữu hảo” với Ấn Độ

Ngô Minh Trí

(TBKTSG) – Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã thực hiện chuyến viếng thăm chính thức Ấn Độ từ ngày 15 đến 17-12-2010. Năm nay, tổng kim ngạch thương mại Trung – Ấn đã cán mức 60 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng ba lần so với năm 2005 và tăng 20 lần so với năm 2000.

Với con số đó, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, cao hơn khá nhiều so với kim ngạch thương mại Mỹ – Ấn chỉ ở mức chưa đến 40 tỉ đô la Mỹ.

Trong chuyến viếng thăm, ông Ôn Gia Bảo cùng phía đối tác Ấn Độ cũng đã thiết lập mục tiêu giao thương thương mại hai nước sẽ đạt mức 100 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015. Phái đoàn gồm khoảng 300 doanh nhân tháp tùng ông Ôn Gia Bảo cũng đã ký kết với các doanh nghiệp Ấn Độ các thỏa thuận thương mại trị giá 16 tỉ đô la Mỹ.

Bên cạnh việc đem đến cho Ấn Độ những thỏa thuận hợp tác hấp dẫn, ông Ôn Gia Bảo còn dùng những lời lẽ rất “hữu hảo” với Ấn Độ mà Reuters dẫn lời rằng: “Trung Quốc và Ấn Độ là những đối tác cùng hợp tác, không đối đầu trong cạnh tranh. Thế giới đủ lớn để cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều phát triển”. Gần đây, hai nước này còn là hai trong số bốn thành viên của nhóm các nền kinh tế đang lên BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc).

Cả hai cũng đều là thành viên của nhóm G20. Những thỏa thuận và hợp tác hấp dẫn như thế có thể được xem như những chỉ dấu cho một thời kỳ mới trong quan hệ Trung – Ấn, nhưng những bất đồng sâu sắc thì vẫn chưa có dấu hiệu được khỏa lấp.

Mấy năm qua, Trung – Ấn đã liên tục tranh chấp các khu vực chủ quyền ở đường biên giới hai bên. Mới tháng 8 vừa rồi, Trung Quốc đã từ chối cấp thị thực cho Trung tướng B S Jaswal, chỉ huy Bộ tư lệnh quân đội phía Bắc Ấn Độ, vì cho rằng vị tướng này đang kiểm soát một “khu vực tranh chấp”. Thế nhưng, bất đồng này đã chưa được nhắc đến đáng kể trong chuyến thăm hai bên và truyền thông của cả hai nước cũng chỉ bàn qua loa.

Điều đó đã đúng như nhận xét, đăng trên Asia Times, của Giáo sư Srikanth Kondapalli, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc của Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, trước chuyến viếng thăm, là: “Có thể có một số trao đổi để giải quyết tranh chấp biên giới trong thông cáo chung, nhưng không đáng kể”.

Trước khi chuyến thăm diễn ra, tờ Financial Time dẫn lời đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ là Zhang Yan về mối quan hệ hai bên là: “Rất mong manh, rất dễ bị tổn thương và rất khó để hàn gắn” và “Chính phủ Ấn Độ cần có những chỉ dẫn đối với công chúng để tránh những cuộc tranh luận”. Chỉ dẫn để tránh những tranh luận trong kỷ nguyên thông tin, mà ông Zhang Yan nói đến, là việc cộng đồng Ấn Độ có những chỉ trích về Trung Quốc.

Thực tế là hình ảnh của Trung Quốc trong mắt người dân Ấn Độ vẫn chưa được tích cực và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã có bài nói chuyện tại trường Quốc tế Tagore, Ấn Độ, để gửi đến những hình ảnh thân thiện hơn về Trung Quốc. Nhưng cũng giống như bất đồng về chủ quyền, vấn đề này cũng không được hai bên bàn luận quá sâu.

Một hòn đá tảng khác trong quan hệ Trung – Ấn đó là quan hệ với bên thứ ba. New Delhi vẫn thường tỏ ra bất bình về quan điểm của Bắc Kinh đối với tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan đối với khu vực Kashmir. New Delhi vẫn cho rằng Bắc Kinh đã hậu thuẫn cho Islamabad. Việc Trung Quốc xuất khẩu công nghệ hạt nhân cho Pakistan cũng khiến cho Ấn Độ liên tục chỉ trích. Không những thế, ngay sau chuyến thăm Ấn Độ thì Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đặt chân đến đất Pakistan với nhiều thỏa thuận hấp dẫn.

Ông Ôn Gia Bảo cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng cho kim ngạch thương mại song phương hai bên từ mức 6,2 tỉ đô la Mỹ trong hiện tại lên thành 15 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015. Trung Quốc cũng ký kết các dự án đầu tư lên đến 14 tỉ đô la Mỹ dành cho Pakistan. Rõ ràng, những gì ông Ôn Gia Bảo làm ở Pakistan khó có thể khiến cho Ấn Độ vui vẻ, dù cho Trung – Ấn mới ký kết được không ít thỏa thuận.

Bắc Kinh cũng tỏ ra khó chịu với việc Washington liên tục nỗ lực phát triển mối quan hệ chiến lược với New Delhi trong thời gian qua. Mối quan hệ chiến lược Mỹ – Ấn vẫn được xem như một lá bài quan trọng để Mỹ kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Có lẽ, Ấn Độ cũng không có ý định vì Trung Quốc mà hạ nhẹ mối quan hệ với Mỹ khi Mỹ – Ấn ít bất đồng hơn Trung – Ấn là điều rất rõ ràng.

Chuyến thăm vừa rồi của ông Ôn Gia Bảo cũng chưa làm thỏa lòng Ấn Độ hoàn toàn khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo chỉ phát biểu chung chung rằng ủng hộ Ấn Độ có một vai trò lớn hơn trên vũ đài chính trị thế giới, còn sự hậu thuẫn để Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thì không được nhắc đến.

Nhìn lại quan hệ thương mại, tuy giao thương giữa hai bên ngày càng gắn bó nhưng vẫn có những bất ổn tiềm ẩn. Kim ngạch thương mại lớn nhưng Trung Quốc vẫn đang chiếm phần thặng dư, thâm hụt mậu dịch của Ấn Độ trong giao thương với Trung Quốc có thể lên đến 25 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, xuất khẩu của Ấn Độ sang Trung Quốc chủ yếu chỉ là nguyên liệu thô.

Một số ý kiến ở Ấn Độ cũng tỏ ra e dè với các hạng mục mà Trung Quốc đầu tư vào nước này vì cho rằng trong đó có những vị trí có ý nghĩa lớn về mặt an ninh quốc gia. Chính vì những bất đồng sâu sắc trên, quan hệ thương mại Trung – Ấn có thể đang phát triển nhanh thì cũng khó có gì bảo đảm quan hệ hai bên sẽ nồng ấm hơn trong lâu dài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới