Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khi vàng miếng được mua bán bình thường…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khi vàng miếng được mua bán bình thường…

Thanh Thương

Người dân được tự do mua bán vàng miếng. Ảnh: KL.

(TBKTSG Online) – Thị trường, người dân và doanh nghiệp đã có những phản ứng tích cực sau khi quyết định tự do mua bán vàng miếng được loan tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn băn khoăn, việc siết chặt kinh doanh vàng ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của họ.

Tại cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia vào hôm 17-3, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng kết luận, người dân vẫn được tự do mua bán vàng miếng, nhưng chỉ các đầu mối lớn mới được cấp phép kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt này. Quyết định đó, theo các doanh nghiệp kinh doanh vàng, đã “giải tỏa” mối lo của thị trường hiện nay.

>> Thị trường vàng sôi động trở lại

Ngay sau khi thông tin này được đăng tải trên báo chí, các doanh nghiệp vàng đều cho biết giao dịch đã sôi động trở lại. Lượng vàng miếng bán ra ngày hôm qua 18-3 đã cao hơn hẳn những ngày trước đó. Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn thì giao dịch tăng do người dân an tâm hơn khi nắm giữ vàng miếng, đồng thời các nhà đầu tư cũng đã giao dịch sau một thời gian nằm im chờ đợi thông tin.

Còn theo bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ – thương hiệu vàng miếng Thần Tài – trong thời gian qua, khi có thông tin các doanh nghiệp chỉ được mua vàng miếng của người dân và bán lại cho Ngân hàng Nhà nước chứ không được sản xuất hay bán vàng cho người dân, doanh nghiệp bà đã rất lo lắng vì việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Thậm chí doanh nghiệp bà cũng đã tính chuyển hướng sang sản xuất nữ trang, và đầu tư các mặt hàng mới. Nhưng thông tin trên của chính phủ đã tháo gỡ nút thắt cho các doanh nghiệp vàng miếng như SBJ.

Bà Chi cho rằng, quy định như trên là hợp lý, vừa tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, vừa không cản trở nhu cầu mua bán vàng miếng của người dân và doanh nghiệp, thị trường vàng nhờ đó sẽ đi dần vào trật tự, tránh việc đầu cơ làm giá vàng như trong các đợt sốt vàng trong năm 2009, 2010.

Vào tuần trước, Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã bắt đầu sản xuất vàng nhẫn (vàng khâu) sau khi người dân đổ xô mua loại vàng này về dự trữ. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, doanh nghiệp bà bất đắc dĩ phải xoay sang hướng trên khi vàng miếng không còn bán chạy do thông tin xóa bỏ kinh doanh vàng miếng. Còn hiện tại, bà Cúc hi vọng PNJ cũng sẽ được cấp phép làm đơn vị đầu mối kinh doanh vàng miếng, máy móc và nhân công mà Công ty đã đầu tư trước đó sẽ không bị lãng phí.

Tuy nhiên, theo phó giám đốc một trong những doanh nghiệp cung cấp vàng lớn nhất TPHCM thì quyết định này của Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của công ty. “Mạng lưới của công ty dù lớn đến đâu cũng không bằng hệ thống các tiệm vàng chằng chịt trên khắp mọi miền đất nước. Nếu các tiệm này – vẫn thường mua sỉ vàng của công ty – ngưng kinh doanh thì công ty sẽ bị tổn thất không nhỏ”, ông này khẳng định.

Và khi nguồn cung vàng của các ngân hàng hay công ty vàng không đủ đáp ứng nhu cầu, thì người dân sẽ lại đến tiệm vàng. Và nếu các tiệm vàng tìm ra nguồn để mua bán “chui” thì thị trường vàng có nguy cơ diễn ra tình trạng giao dịch ngoài luồng giống như thị trường đô la tự do hiện nay.

Ông Lê Anh Đức, chủ một chuỗi cửa hàng vàng lớn tại quận Tân Phú cũng đồng ý như vậy. Theo ông Đức nếu người dân có nhu cầu bán vàng miếng, các cửa hàng của ông cũng sẽ mua vô, vừa để chế tác nữ trang, vừa để bán lại cho các đầu mối lớn, và cũng có thể bán cho người dân có nhu cầu mua. “Các tiệm vàng cũng có thể đóng vai người dân để mua bán với các ngân hàng”, ông Đức khẳng định.

Ông Đức cũng cho biết, với cơ chế làm việc theo giờ hành chính, mua bán phải chờ đợi thì các ngân hàng và công ty vàng đầu mối không dễ cạnh tranh với các tiệm vàng. Vì vậy, việc cấm kinh doanh vàng miếng, theo ông Đức, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các tiệm vàng.

Theo bà Cúc, việc người dân mua vàng nhẫn trong mấy ngày qua cho thấy, người dân vẫn tích trữ vàng, dù cách này hay cách khác. Vì vậy, theo bà Cúc việc đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân là rất cần thiết. Song bà khẳng định Nhà nước phải có chính sách và biện pháp điều tiết thị trường vàng và có sự chế tài thích đáng đối với các hành vi vi phạm để thị trường thực sự đi vào khuôn khổ, và người dân không bị thiệt hại. Bảo đảm nguồn cung của thị trường bằng hạn ngạch xuất, nhập khẩu vàng, hay cho doanh nghiệp mua bán liên thông với nước ngoài… là những biện pháp cần nghiên cứu, theo bà Cúc.

Ý kiến chuyên gia

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch: Tôi cho rằng cần xem vàng như ngoại tệ mạnh, thậm chí còn hơn nữa, và trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay, Nhà nước cần phải quản lý chặt chẽ nhưng không thể nào loại bỏ thị trường này.

Cần phân biệt vàng nguyên liệu (vàng thỏi, vàng miếng) là một loại hàng hóa đặc biệt và vàng nữ trang xem như một loại hàng hóa phải quản lý như một ngành công nghiệp sản xuất, cách quản lý phải khác nhau..Nhà nước phải kiểm soát việc nhập khẩu, phân phối vàng nguyên liệu, sản xuất vàng miếng như thế nào để vừa cung ứng nhu cầu thị trường vàng trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu tích trữ bằng tài sản của người dân, nhưng không biến vàng thành phương tiện thanh toán. Cách quản lý hiện nay đang tạo điều kiện để vàng trở thành phương tiện thanh toán và việc này cần phải được khắc phục.

Chính phủ đang soạn thảo nghị định liên quan tới việc quản lý thị trường vàng và chắc chắn trong đó không thể để việc mua bán vàng miếng thoải mái được; muốn mua bán vàng miếng phải có giấy phép đăng ký để Nhà nước có thể theo dõi được thị trường này như nhiều nước khác. Ví dụ lượng vàng miếng đưa ra bao nhiêu, mua thế nào, bán thế nào, trao đổi thế nào, ta vẫn cho phép nhưng phải có quản lý chặt chẽ. Việc Nhà nước cho công ty nào, bao nhiêu công ty, cấp phép thế nào thì cần chờ Nghị định Chính phủ. Nhưng đây là sự quản lý đặc biệt so với các loại hàng hóa khác. Và sự quản lý này là hoàn toàn cần thiết, không thể mua vàng miếng như mua bó rau được.

Mục tiêu của sự quản lý này là không để vàng trở thành phương tiện thanh toán, một nền kinh tế không thể vừa thanh toán bằng tiền giấy vừa thanh toán bằng tiền vàng được. Nữ trang vàng nhẫn nếu có sử dụng để thanh toán cũng chỉ là cá biệt, không thể nào chuẩn hóa thành phương tiện thanh toán như vàng lượng mà người ta vẫn dùng để thanh toán mua cả một căn nhà lớn.

Lịch sử Việt Nam cũng từng có chuyện mua bán vàng khâu, vàng chỉ nhưng chỉ là cá biệt khi thanh toán chứ không hề giống việc thanh toán bằng loại vàng được chuẩn hóa 37,5 gram như hiện nay.

Theo tôi sẽ khó có chuyện các công ty được đặc cách mua bán vàng sẽ thao túng giá vì các công ty này sẽ mua bán với nhau để hình thành mặt bằng giá thị trường, và chắc chắn Nhà nước sẽ thực hiện vai trò điều tiết để giá vàng trong nước không quá cách biệt với giá thế giới.

Ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TPHCM: Tôi cho rằng việc quản lý thị trường vàng phải cần thời gian dài chứ không thể làm một sớm một chiều nhưng tư tưởng cuối cùng phải là quản lý thị trường vàng và đô la.

Lộ trình hiện nay sẽ là quản lý dần các công ty sản xuất vàng miếng, công ty xuất nhập khẩu vàng, cho một số công ty được mua bán và dần dần sẽ ép cho bán không cho mua và cuối cùng là cấm luôn và chỉ mua bán bằng chứng chỉ vàng.

Hiện nay chúng ta chỉ chuẩn bị thực hiện giai đoạn 1. Hướng quản lý cho người dân vẫn được mua bán vàng miếng nhưng hạn chế đầu mối xuất nhập khẩu và các đơn vị mua bán vàng. Điều này có tác dụng giải tỏa tâm lý của người dân vì họ biết giữ vàng là hợp pháp, đồng thời sẽ giúp người dân dần quen với lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng. Nếu làm bước này thành công, Nhà nước sẽ kiểm soát được tổng cung tổng cầu chính xác của thị trường để đưa ra hạn ngạch xuất nhập khẩu vàng.

Tuy nhiên chính sách nào cũng có hai mặt. Và nhược điểm của sự quản lý này là nếu quản lý không tốt sẽ gây ra sự lũng đoạn giá vì có sự độc quyền trong khâu xuất nhập khẩu và phân phối vàng.

Nếu muốn triệt tiêu ngay việc đầu cơ vàng thì không thể được. Tín dụng nặng lãi có cách đây cả trăm năm nhưng vẫn tồn tại đến bây giờ và nước nào cũng có. Thị trường thứ hai luôn luôn tồn tại; nhưng vấn đề là quản lý được phần trăm nào thì hay phần trăm đó. Mục tiêu của Chính phủ là chống buôn lậu vàng và tập trung nguồn lực để phát triển đất nước, buôn lậu thời gian tới đương nhiên vẫn còn nhưng tỷ lệ sẽ giảm vì lúc này Nhà nước cho phép tăng nhập khẩu lên thì nhập lậu vàng để làm gì. Chống được buôn lậu vàng đến mức nào, điều đó tùy thuộc cách làm và hiệu suất làm việc.

Tuy nhiên với hướng quản lý thị trường vàng như đã đề ra, giá vàng có bị thao túng hay không sẽ tùy thuộc vào trình độ quản lý của cơ quan chức năng, làm sao không có sự sai biệt quá lớn giữa vàng trong nước và vàng thế giới. Và nếu không đủ độ quyết tâm và biện pháp chính xác, thì việc quản lý chặt chẽ thị trường vàng sẽ có tác động ngược đối với thị trường.

Thủy Triều ghi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới