Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Khi Việt Nam có thể là bị đơn tranh chấp phòng vệ thương mại

Đinh Khương Duy (*) - Hoàng Trường Giang (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các tranh chấp liên quan đến áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng tăng. Đặc biệt, không chỉ những nước đang phát triển khởi kiện vì cho rằng bị áp dụng phòng vệ thiếu công bằng, ngày nay, chiều ngược lại ngày càng phổ biến.

Nước đang phát triển cũng trở thành bị đơn

Số vụ kiện trong khuôn khổ WTO liên quan tới phòng vệ thương mại đang gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Tính riêng các tranh chấp gần nhất mà WTO đã và đang xét xử (mang số hiệu DS600-DS623), có thể thấy số vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại đã chiếm tới gần 50% (11/24 vụ).

Số lượng tranh chấp gia tăng là một chỉ dấu cho thấy phòng vệ thương mại ngày càng trở thành vấn đề nóng của thương mại toàn cầu. Một trong những nguyên nhân lý giải cho hiện tượng này là trong những thập niên gần đây do xu hướng cắt giảm thuế quan nhập khẩu, các tranh chấp liên quan tới thuế quan ưu đãi và phân biệt đối xử trong áp dụng thuế quan ưu đãi ngày càng ít gặp hơn.

Trong khi đó, vấn đề trợ cấp và bán phá giá ngày càng dễ “lọt vào tầm ngắm” của cơ quan quản lý thương mại. Chính vì thế, tranh chấp về phòng vệ thương mại đã và sẽ trở thành vấn đề gây tranh chấp nhiều nhất bên cạnh các rào cản kỹ thuật trong thương mại.

Ngoài ra, theo quan sát, thương mại toàn cầu dường như đang có sự dịch chuyển về vị trí của các bên tranh chấp. Từ trước tới nay, thông thường hàng hóa đến từ các nước đang phát triển dễ bị các nước phát triển áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp hoặc thuế tự vệ.

Điều đó đồng nghĩa với việc các nước đang phát triển thường sẽ là nguyên đơn trong các vụ kiện về phòng vệ thương mại trong khuôn khổ WTO khi họ cho rằng các nước phát triển áp dụng các biện pháp này thiếu công bằng.

Các nước đang phát triển thường sẽ là nguyên đơn trong các vụ kiện về phòng vệ thương mại khi cho rằng các nước phát triển áp dụng các biện pháp này thiếu công bằng. Gần đây, ngày càng có nhiều vụ kiện về áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong đó các nước đang phát triển là bị đơn.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều vụ kiện về áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong đó các nước đang phát triển là bị đơn. Đơn cử, năm 2021, Nhật Bản đã khởi kiện Trung Quốc ra WTO về các biện pháp áp thuế chống bán phá giá mà Trung Quốc áp dụng đối với phôi thép không gỉ, thép cuộn cán nóng và thép tấm cán nóng từ Nhật Bản (DS601).

Cùng năm này, Úc khởi kiện Trung Quốc về biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Trung Quốc áp dụng đối với rượu đóng chai đựng trong thùng từ 2 lít trở xuống nhập khẩu từ Úc (DS602). Trung Quốc và Úc thậm chí có những vụ kiện qua lại liên quan đến vấn đề bán phá giá (DS602 và DS 603).

Việc các nước đang phát triển trở thành bị đơn trong các vụ kiện về áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho thấy các biện pháp này không còn chỉ là công cụ được sử dụng phổ biến bởi các nước phát triển nhằm bảo vệ thị trường nội địa. Đã tới giai đoạn các nước đang phát triển tích cực sử dụng công cụ này nhằm đối phó với vấn đề cạnh tranh không công bằng.

Hướng đi cho Việt Nam

Trên thực tế Việt Nam cũng là quốc gia liên quan nhiều tới các vụ kiện về áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Tính tới đầu năm 2023, có tới 4/5 vụ tranh chấp của Việt Nam trong khuôn khổ WTO liên quan tới phòng vệ thương mại, trong đó Việt Nam đều là nguyên đơn.

Điều này cho thấy hàng hóa Việt Nam dễ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khi xuất sang một số thị trường, đặc biệt là Mỹ. Gần nhất, Mỹ đã tiến hành điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá với sản phẩm mật ong và áp dụng thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường nước này.

Việc các nước đang phát triển trở thành bị đơn trong các vụ kiện về áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho thấy đã tới giai đoạn các nước này tích cực sử dụng công cụ nhằm đối phó với vấn đề cạnh tranh không công bằng.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với một số mặt hàng. Theo điều 67 Luật Quản lý Ngoại thương 2017, các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ. Các biện pháp này do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trong những trường hợp cụ thể, phù hợp với những nguyên tắc đã cam kết trong khuôn khổ WTO.

Chẳng hạn, Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với đường có nguồn gốc từ Thái Lan. Theo quyết định ngày 15-6-2021 của Bộ Công Thương, mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng là 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%. Các loại thuế phòng vệ này sẽ được áp dụng trong vòng năm năm, đến cùng ngày năm 2026.

Ngày 21-3-2023, Bộ Công Thương cũng ra quyết định đánh thuế tự vệ trong vòng ba năm, bắt đầu từ 6,3%, giảm dần về 6,2% và 6,1% sau mỗi năm đối với sản phẩm thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam cũng có thể trở thành bị đơn trong các vụ kiện tại WTO nếu các quốc gia xuất khẩu cho rằng việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam thiếu công bằng.

Để tránh rủi ro pháp lý, Bộ Công Thương cần rà soát hết sức thận trọng các quy định của WTO trong quá trình điều tra và ra quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Việc tham gia vào các vụ kiện ở WTO với tư cách bên thứ ba có thể giúp Việt Nam gia tăng kinh nghiệm giải quyết tranh chấp, cũng là sự chuẩn bị cần thiết cho trường hợp bị các quốc gia khác khởi kiện trong tương lai.

(*) Khoa Luật, trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước, Đại học Kinh tế TPHCM
(**) Trường Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới